Trước thềm năm học mới:

Nghịch lý thiếu 27.000 GV, sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp…

Thứ Ba, 03/09/2013, 11:05
Chỉ còn ít ngày nữa, tiếng trống trường khai giảng năm học mới sẽ bắt đầu. Năm học mới với nhiều bộn bề, nhiều âu lo, trong đó có một thực trạng đã tồn tại từ rất nhiều năm nay: thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Hiện cả nước còn thiếu tới 27.000 giáo viên, nhưng ở rất nhiều nơi lại thừa giáo viên và đặc biệt, rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp dài dài. Thực trạng này sẽ được giải quyết ra sao trong năm học mới?

Vẫn là hệ lụy của đào tạo xa rời nhu cầu sử dụng

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT thì thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, tuy nhiên so với các năm trước thì năm học này có giảm. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên tập trung ở các thành phố lớn. TP Hồ Chí Minh thiếu hơn 2.500 giáo viên, nhưng sau khi tuyển mới thì còn thiếu 1.200; Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng thiếu trên dưới 1.000 giáo viên và một số địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Những địa bàn thiếu giáo viên phát sinh do triển khai đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, nên nhu cầu cần giáo viên dạy 2 buổi/ngày tăng vọt, ở nhiều trường tiểu học, chủ trương đẩy mạnh việc học 2 buổi/ngày cũng đòi hỏi phải có một số lượng lớn giáo viên mới đáp ứng được. Mặt khác, việc triển khai Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 cũng đòi hỏi tăng giáo viên. Một số môn học cấp THCS như Âm nhạc, Mỹ thuật, TDTT để đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cũng là nguyên nhân đòi hỏi phải có nhiều giáo viên. Nhưng theo ông Hoàng Đức Minh, tình trạng thừa giáo viên cũng xảy ra ở một số vùng trung tâm, giáo viên được đào tạo nhiều ở những môn đã đủ, dẫn đến thừa. Và hậu quả là sự thừa, thiếu cục bộ giáo viên, là một hồi chuông lớn báo động sự mất cân đối trong quy hoạch nhân lực ngành giáo dục.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trong nhiều năm nay, đặc biệt ở vùng cao. Ảnh minh họa: Miên Hoa.

Mới đây, tại kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích sâu: Tại các địa bàn thuận lợi, các trường điểm có hiện tượng thừa giáo viên, trong khi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn lại thiếu giáo viên. Bậc tiểu học còn thiếu giáo viên dạy các môn tự chọn, môn năng khiếu; định mức giáo viên/lớp còn quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy 2 buổi/ngày, nhất là từ khi các môn Ngoại ngữ và Tin học được đưa vào dạy ở trường tiểu học. Khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương phải tổ chức dạy kiêm nhiệm, liên môn, liên trường, đặc biệt là đối với các môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật.

Theo kết quả giám sát, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng giáo viên còn hạn chế, quan hệ giữa chính sách phát triển đội ngũ giáo viên với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, vùng miền còn bất cập. Trong khi Nhà nước áp dụng chính sách ưu tiên miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, thì nhiều sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm trong ngành Giáo dục, kể cả các sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo sư phạm có uy tín.

Khẩn trương rà soát tổng thể nhu cầu giáo viên, sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm

Theo ông Hoàng Đức Minh chia sẻ, để giải quyết tình trạng này, hai năm nay, Bộ GD&ĐT cùng với các địa phương đã triển khai quy hoạch gắn với quy định của ngành. Cụ thể là gắn đào tạo sư phạm với nhu cầu sử dụng trên cơ sở rà soát thực tế. Đồng thời đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn quy định để đảm bảo việc rà soát điều chỉnh đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng ở các cấp học. Mặt khác có chính sách thu hút giáo viên những vùng đặc biệt khó khăn không có biến động nhiều và ổn định giáo viên ở các vùng khó khăn. Hiện nay, Bộ cũng đang thực hiện đánh giá việc đào tạo ở các trường sư phạm trên dự báo của ngành để gắn kết đào tạo và sử dụng tốt hơn. Các địa phương cũng đang tích cực rà soát để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh đã thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm và có ký kết giữa Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh với các cơ sở để đảm bảo đào tạo sư phạm đúng địa chỉ còn thiếu giáo viên. Còn theo tìm hiểu của PV Báo CAND, nhiều địa phương cũng đang phải “liệu cơm gắp mắm”. Ví như tại Hòa Bình, một tỉnh miền núi đang khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên bằng cách luân chuyển có thời hạn từ 3 đến 5 năm đối với giáo viên các huyện, thành phố; đề nghị hợp đồng ngắn hạn giáo viên ngành học mầm non và giáo viên một số bộ môn còn thiếu; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chú trọng đến các môn đặc thù, từng bước đảm bảo về số lượng và đồng bộ cơ cấu. Hiện Sở GD&ĐT Hòa Bình đã đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát lại quy mô trường lớp, học sinh và tiến hành sáp nhập trường tiểu học, trung học cơ sở thành trường phổ thông liên cấp ở những xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có quy mô lớp và học sinh mỏng.

Trao đổi với PV Báo CAND, Viện sỹ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho biết, Đoàn đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các ban, ngành liên quan phải ưu tiên đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm. Các trường sư phạm cần được ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục, đặc biệt là đào tạo giáo viên chất lượng cao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách thu hút, lựa chọn học sinh giỏi vào ngành Sư phạm

Thu Phương
.
.
.