Nghị lực phi thường của chàng sinh viên khiếm thị
Khi mới sinh ra được hai tháng thì bố mẹ phát hiện Hùng không có phản ứng với ánh sáng. Đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sĩ kết luận cậu bị loãng đồng tử bẩm sinh. Không cam chịu số phận hẩm hiu bằng nghị lực phi thường và sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè anh đã vươn lên trong cuộc sống, và hiện là sinh viên năm thứ 3, Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi) sinh ra trong gia đình có bốn anh em ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Hai anh trai của Hùng đã lập gia đình và cô em gái đang đi học tại Sài Gòn. Gia đình đã cố gắng đưa Hùng đến bệnh viện mổ một bên mắt phải nhưng không thành công. Hùng bắt đầu sống cuộc sống của một người khiếm thị với khả năng nhìn của hai mắt đều là 0%.
“Giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay” càng lớn, Hùng càng nhận thức được nỗi thiệt thòi của mình. Đã nhiều lần Hùng buồn, thất vọng, trầm cảm trong bóng tối. Dù không có đôi mắt như mọi người nhưng ngay từ rất nhỏ cậu bé Hùng luôn khao khát được tới trường.
Lên 8 tuổi, Hùng bắt đầu theo em gái (6 tuổi) cùng ra trường làng để đứng ngoài lớp nghe giảng. Hùng chỉ nghe được lời thầy giảng nhưng những tiếng thước gõ lên bảng, tiếng học trò ê a tập đọc đã thắp lên ngọn lửa đam mê học tập trong cậu bé mù. Thấy Hùng say mê học tập, các thầy cô giáo rất thương nên quyết định cho Hùng vào học dự thính cùng với các em trong lớp.
14 tuổi, Hùng có cơ hội đi học chữ nổi ở Trường Tiểu học Nguyễn Huệ - Hà Đông – Hà Nội. Sau khi học hết lớp 5, vì lí do sức khỏe, cậu bé lại tiếp tục phải nghỉ học... Sau một thời gian, được sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô giáo, Hùng lại được tiếp tục đi học ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và THPT dân lập Nguyễn Đình Chiểu. Lúc đó Hùng là một trong những học sinh “cứng tuổi” nhất. Và cũng từ đó, Hùng bắt đầu mơ ước tới nghề sư phạm.
Hùng chia sẻ: “Mình không muốn trở thành người vô dụng. Học nghề sư phạm, mình mong muốn được đóng góp một phần nhỏ của mình để đưa nền giáo dục tình thương đến với những con người khuyết tật”. Cũng chính vì khát khao đó mà Hùng đã nỗ lực phấn đấu thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nguyễn Văn Hùng đang sử dụng máy tính. |
Năm 2009, thi ĐH nhưng không đậu, Hùng không nản chí, lại quyết tâm đầu tư một năm ôn luyện. Trong khoảng thời gian ôn luyện tại Trường THPT dân lập Nguyễn Đình Chiểu, Hùng đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố đến lớp để ôn bài cùng các bạn. Nhờ những ngày tháng vất vả ôn luyện học tập năm 2010 Hùng đã thi đỗ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của ĐH Sư phạm Hà Nội trong niềm vui khôn xiết của gia đình, người thân. Giây phút cầm tờ giấy báo điểm đỗ đại học trong tay có lẽ sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chàng trai khiếm thị.
Hiện giờ, Hùng được ở ký túc xá của trường nên cũng đỡ phần nào nỗi vất vả khi tới trường. Hùng kể, thời gian đầu những bước chân tới giảng đường của Hùng còn cần phải sự giúp đỡ của bạn bè dẫn đường, nhưng sau một thời gian quen đường thì anh tự bước đi. Trong học tập, đối với Hùng vất vả nhất vẫn là việc đọc các tài liệu vì khả năng đọc của anh còn hạn chế. Những lần thi học kì với Hùng rất khó khăn. Cách khắc phục duy nhất là nhờ mỗi người một chút. Đôi khi là đọc cho nghe hay ghi âm lại hoặc là đánh vào file word. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô ở trường Sư phạm mà việc tìm tài liệu của anh cũng dễ dàng hơn.
Hùng biết rằng, để có được như ngày hôm nay là bao nhiêu tấm lòng tốt của cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và bạn bè đã giúp anh đặt nền móng để xây dựng ước mơ làm thầy. Con đường trở thành giáo viên của Hùng đang sắp trở thành hiện thực, Hùng sắp chạm vào ước mơ của mình nhưng Hùng biết phía trước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Hùng phải nỗ lực hơn nữa, ý chí hơn nữa mới có thể biến mơ ước thành hiện thực. Chúc chàng trai khiếm thị Nguyễn Văn Hùng thành công với mơ ước cháy bỏng của mình