Nghị lực của một chàng trai khiếm thị

Thứ Hai, 12/05/2014, 11:12

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, bản thân lại bị mù ngay từ lúc mới lọt lòng, nhưng không vì thế mà Nguyễn Văn Duy (31 tuổi), quê ở thôn Thủy Diện, xã Phú An, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chùn bước trước số phận nghiệt ngã của mình. Bằng nghị lực phi thường và nỗ lực trong học tập, Duy đã bước vào giảng đường đại học và trở thành một người đem lại “cuộc sống mới” cho hàng trăm người bị khiếm thính ở vùng cao A Lưới.

Tình cờ gặp Nguyễn Văn Duy vào một ngày trung tuần tháng 5-2014, khi Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức sự kiện quốc gia, hưởng ứng tuần lễ “Toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người”, tôi thật sự ngạc nhiên trước sự trưởng thành của chàng trai khiếm thị này so với lúc anh còn là sinh viên Khoa Luật, Đại học Huế. Ngồi bên tôi, Duy hướng đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng suốt hơn 30 năm qua về phía người trò chuyện đang ngồi đối diện và anh bắt đầu kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình...

Bố mẹ Duy vốn là ngư dân sống bằng nghề chài lưới, đánh cá trên đầm phá Tam Giang; nhưng thật bi kịch khi họ lần lượt sinh ra 5 người con, thì có đến 4 người con bị mù, trong đó có Duy. “Nghe bố mẹ kể lại, lúc mới sinh ra, đôi mắt mình đờ đẫn lạ lắm. Lên 5 tuổi, mình tự mò mẫm tập đi từng bước vì không nhìn thấy đường. Thế rồi sau nhiều lần vấp ngã với cái đầu bê bết máu thì mình đã có thể tự đi lại được từ nhà ra xóm mà không cần ai dìu dắt. Biết mình ham học, bố mẹ đã xin để cho mình vào học cấp 1, nhưng lúc nào mình cũng thua bạn bè vì không thể đọc được sách. Lúc ấy, mình quyết tâm phải cố gắng để đọc được chữ, viết được thành thạo như các bạn...”.

Nguyễn Văn Duy (áo đen) không những vượt lên số phận, mà còn đem lại cuộc sống mới cho nhiều người khiếm thị.

May mắn thay, Duy được nhận vào Trung tâm Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế và được các thầy cô giáo ở đây tận tâm chỉ dạy học chữ nổi braille. Bằng sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, Duy nhanh chóng làm quen với việc học chữ nổi. Cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của chàng trai khiếm thị này là năm 2002, Duy thi đỗ vào Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) trong sự ngỡ ngàng của bạn bè lẫn thầy cô. Đến năm 2006, Duy tiếp tục lập “kỷ lục” khi là người khiếm thị đầu tiên trên địa bàn tỉnh thi đỗ vào Khoa Luật (Đại học Huế) và sau đó lấy được tấm bằng cử nhân. Cũng trong năm đó, Duy vinh dự là tấm gương điển hình đại diện cho người khuyết tật ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận giải thưởng “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” do Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam trao tặng.

Nhắc lại quãng thời gian ngồi học ở giảng đường, Duy nở nụ cười tươi, chia sẻ: “Lúc ấy, mình dùng chữ nổi braille nên không thể nào ghi chép kịp lời của các thầy, cô giáo giảng bài. Thế là mình nghĩ ra cách tiết kiệm tiền ăn để “đầu tư” mua một chiếc máy ghi âm nhằm ghi lại những gì học ở trường và ban đêm về nghe lại. Nhờ vậy mà suốt 4 năm đại học, mình đã “trả bài” đầy đủ cho các thầy cô”.

Tháng 6/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Hội Người mù huyện A Lưới và không lâu sau đó, Duy được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù của huyện vùng cao này. Bản thân bị khiếm thị nên Duy hiểu được nỗi lòng của những người không may sống trong hoàn cảnh như mình. Bằng vốn kiến thức học được ở giảng đường, sau nhiều lần trăn trở, Duy đã bàn thảo với các cấp chính quyền huyện A Lưới để đưa ra một số quyết sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ dạy nghề cho con em đồng bào thiểu số bị khiếm thị.

Em Hồ Văn Năng (18 tuổi, trú xã A Roàng, A Lưới) không may bị mù và mất đi một chân sau vụ tai nạn bom mìn; nhưng nay đã học thành thạo nghề sản xuất tăm tre tại Hội Người mù huyện A Lưới. Em Năng không giấu được niềm vui, kể: “Sau khi bị cụt chân và mù đôi mắt do bom mìn gây ra, em cứ muốn chết đi vì không muốn làm khổ cha mẹ. May nhờ lúc đó thầy Duy và một số anh chị ở Hội Người mù huyện đã đến động viên em và cho em gia nhập hội để học nghề làm tăm tre. Giờ thì em có thể tự lao động bằng đôi tay để nuôi sống bản thân mình rồi!”.

Ngoài trường hợp của em Năng, nhờ sự “dám nghĩ, dám làm” của Duy mà đến nay, có trên 300 người khiếm thị thuộc đồng bào dân tộc thiểu số như: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô... được gia nhập vào Hội Người mù huyện A Lưới và được tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ việc làm. Đặc biệt hằng năm, Hội Người mù huyện A Lưới còn tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí, giúp đỡ nhiều thanh, thiếu niên khiếm thị từng bước vượt qua mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội còn cho nhiều hộ dân vay vốn với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng để đầu tư vào mô hình trang trại, phát triển kinh tế, hướng đến thoát nghèo bền vững...

“Mình nghĩ, tất cả những việc làm ấy chính là sự thành công của lòng đoàn kết và nỗ lực không mệt mỏi của bản thân mỗi hội viên trong Hội Người mù huyện. Và trên hết, điều ấy chứng minh rằng, sẽ không có sự thất bại cho những ai có nhiệt huyết và sự đam mê vào công việc, kể cả những người không may bị tàn tật, hay khiếm khuyết một phần cơ thể như mình”, nghe Duy tâm sự mà tôi không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực vượt lên hoàn cảnh, số phận của chàng trai trẻ này

Lê Anh
.
.
.