Nghị lực của chàng thanh niên khiếm thính

Thứ Tư, 04/12/2013, 12:14
Vượt qua sự mặc cảm lẫn nỗi đau bất hạnh của số phận, chàng thanh niên 27 tuổi - Ngô Tam Bửu, ở thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) đã trở thành một “nghệ nhân” tài hoa. Không những sáng tạo ra những sản phẩm mộc mỹ nghệ “độc nhất vô nhị” mà Bửu còn dùng tài năng thiên bẩm của mình để dạy nghề cho nhiều người khác…

Nằm cạnh bên cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) cổ kính, một điểm du lịch hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Cố đô Huế là cơ sở mộc mỹ nghệ của chàng trai khiếm thính Ngô Tam Bửu. Đã 7 năm qua, cơ sở này là điểm dừng chân của du khách yêu thích đồ mỹ nghệ khi ghé đến điểm du lịch này… Vừa ngơi tay đục đẽo bức tượng phật Di Lặc trên phiến gỗ to, Bửu cười niềm nở và dùng tay ra hiệu để mời tôi ngồi xuống bàn trò chuyện. Tuy không nói được, nhưng bằng những dòng chữ viết nguệch ngoạc trên giấy cùng với ký hiệu tay, Bửu bắt đầu kể cho tôi nghe về quãng đường học nghề gian nan của mình.

Bửu là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh em. Nhà nghèo, bố mẹ suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với mấy sào ruộng khoán nên dù bị câm điếc bẩm sinh, nhưng Bửu vẫn cố gắng học lên lớp 10. “Ngày đó, để đến được trường, hắn phải đạp xe vượt hơn 10 cây số đường đồng. Bị câm điếc, bạn bè trêu chọc nhưng hắn ham học lắm. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể theo nổi con chữ nữa nên hắn xin nghỉ học để đi học nghề mộc…”, ông Ngô Tài Nhân (cha Bửu) kể lại. “Không học được đại học thì phải học thành nghề…”, với ý nghĩ như thế nên năm 2006, Bửu xin phép bố mẹ rồi khăn gói lên học nghề mộc ở cơ sở mộc mỹ nghệ của một nghệ nhân có tiếng tại TP Huế. Với đầu óc sáng tạo cùng đôi tay tài hoa, sau 4 năm ở trọ để theo thầy học nghề, cuối cùng Bửu đã “thành nghề” và có thể chế tác thành công bất cứ loại hàng mỹ nghệ nào theo yêu cầu của khách. Vừa trò chuyện, Bửu vừa chỉ cho tôi những vết sẹo trên bàn tay trái do những vết thương từ việc đục đẽo lâu ngày tạo thành. Bửu trải lòng: “Lúc mới vào học nghề, mình rất lo lắng vì sợ thất bại. Nhưng may được sự động viên của bố mẹ, của thầy và các bạn nghề nên mình đã cố gắng vượt qua tất cả…”.

Tác phẩm độc đáo “Phu Văn Lâu - Đại Nội Huế” do chính bàn tay tài hoa của Ngô Tam Bửu kỳ công chế tác.

Năm 2010, Bửu được thầy dạy nghề cho phép về quê lập nghiệp. Dù rất khó khăn nhưng bố mẹ Bửu vẫn cố chạy vạy một ít vốn, cộng thêm số tiền 5 triệu đồng mà UBND xã Thủy Thanh giúp đỡ để Bửu sắm máy móc. Ngày khai trương cơ sở mộc mỹ nghệ nằm bên cạnh di tích cầu ngói Thanh Toàn có rất đông bà con, hàng xóm của Bửu đến chung vui và chúc mừng bởi họ không ngờ rằng, một người khuyết tật như Bửu lại làm được… kỳ tích như thế. Với kinh nghiệm trong 4 năm học nghề, Bửu lần lượt “trình làng” những sản phẩm mộc mỹ nghệ độc đáo mang hình ảnh của Cố đô Huế như: Cầu ngói Thanh Toàn, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ… và nhiều sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch. Nhiều người khi nhìn vào những sản phẩm do Bửu làm nên đã thốt lên với vẻ kinh ngạc bởi nó quá tinh xảo. Năm 2011, hai sản phẩm Cầu ngói Thanh Toàn và Phu Văn Lâu do Bửu chế tác vinh dự đạt giải nhì trong cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Hương Thủy. Một năm sau, bộ đôi tác phẩm này lại được Bộ Công thương bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trước tài năng cũng như quyết tâm xây dựng thương hiệu mộc mỹ nghệ cho quê nhà, UBND thị xã Hương Thủy đã quyết định hỗ trợ cho cơ sở của Bửu 30 triệu đồng để sắm máy móc, trang thiết bị. Cơ sở được mở rộng, Bửu đã mạnh dạn nhận thêm nhiều thanh niên trong thôn vào học việc để tạo công ăn việc làm với mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng/tháng. Nhờ thành tích này mà mới đây, Bửu còn vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. “Thấy con khuyết tật, ăn nói không được nên lúc mới cho con đi học nghề, vợ chồng tui lo lắng lắm. Thế mà không ngờ cháu đã thành nghề và giờ mở được cơ sở để dạy việc cho nhiều thanh niên vốn thích chơi bời lêu lổng trong thôn. Đây là điều mà vợ chồng tui chưa bao giờ dám nghĩ đến”, bà Trần Thị Ngọt (mẹ Bửu) xúc động cho biết.

Mỗi ngày, cơ sở mộc mỹ nghệ của chàng trai khiếm thính Ngô Tam Bửu đón tiếp trên dưới 100 lượt khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Mặc dù được chế tạo rất kỳ công nhưng với mỗi sản phẩm, Bửu chỉ lấy với giá từ 100-300 nghìn đồng tùy theo loại. Nhờ thế mà rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ mang hình ảnh của Cố đô Huế được các du khách nước ngoài yêu thích. Hy vọng rằng, với nghị lực phi thường và đôi tay tài hoa ấy, Bửu sẽ làm được nhiều tác phẩm độc đáo hơn nữa trong thời gian tới

Lê Anh
.
.
.