Nghề y đừng nghĩ thiệt hơn!

Chủ Nhật, 02/01/2011, 15:44
Những lúc nhớ lại câu chuyện của cụ nội, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức thấy sâu sắc vô cùng và nó giúp ông càng vững tâm với lẽ sống của mình. Đó là đã xác định làm thầy thuốc thì đừng bao giờ suy nghĩ, đắn đo thiệt hơn, quan trọng nhất là mình làm được gì cho người bệnh.

Hà Nội ngày cuối năm, thời gian trôi nhanh như chạy trốn. Cứ điện thoại rồi lại khất, lại điện thoại, loay hoay sắp xếp mãi cuối cùng tôi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức lại có buổi trò chuyện vào đúng thời điểm mà năm cũ chỉ còn tính được bằng giờ. Ông bảo, cả năm quay cuồng với bệnh nhân, với mổ xẻ, thời gian trôi qua vai mình lúc nào cũng không hay. Có phải vì thế chăng mà trong những khoảnh khắc hiếm hoi còn lại của năm cũ này, ông mới tìm được một "khoảng lặng" của lòng mình, cái "khoảng lặng" mà ông dành để cất giữ biết bao hoài niệm về những nhọc nhằn và vinh quang của nghề thầy thuốc.

Căn phòng làm việc của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chỉ rộng chừng 10 mét vuông. Nó càng chật chội hơn khi các chồng sách, tài liệu, luận văn, luận án của học trò của ông ngày một cao chất ngất. Một chiếc tivi, một chiếc máy tính, một chiếc máy in có lẽ đã ở thời "cổ lỗ sỹ". Trên nóc một chiếc tủ đựng tài liệu đã cũ là hơn chục chiếc bằng khen các loại được xếp lên nhau. Nhìn cách bài trí giản dị đến mộc mạc của căn phòng dễ hình dung ra một "chủ nhân" đơn giản, không màu mè, cầu kỳ và thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng thừa nhận rằng, mình là người không màu mè, bộc trực, thậm chí nóng tính "khủng khiếp". Nhưng mắng xong rồi thì "ruột lại để ngoài da", thành ra cũng chẳng ai giận ông. Không ai giận trách ông, có lẽ bởi họ đã cảm nhận được ẩn sau sau cái vẻ bộc trực, thẳng thắn ấy là một tấm lòng bao dung, nồng nhiệt và một tâm hồn cao thượng. Cũng chính vì lẽ đó mà là "người thuyền trưởng" của một trung tâm ngoại khoa lớn nhất cả nước, với hàng trăm cán bộ, công nhân viên, mỗi người một cá tính nhưng ông đã quy tụ họ đồng lòng xây dựng bệnh viện ngày một phát triển hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bảo tôi, lâu lắm rồi mới có người hỏi ông về tuổi thơ, về gia đình và về cả những khát vọng, hoài bão thời trai trẻ, vì sao ông lại đi theo nghề y, trong khi ông nổi tiếng học giỏi toán. Nỗi xúc động dâng lên, lan tỏa khiến ông lặng đi. Làm sao mà ông quên được cái vùng quê chiêm trũng thuộc huyện Ý Yên (Nam Định), sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay đó, nơi bố mẹ ông đã vắt kiệt sức mình để nuôi tám đứa con lúc nhúc có ăn có mặc, được đến trường.

Là con thứ hai, nhưng lại là con trai trưởng, mỗi lần đi học về, quăng chiếc cặp ra giường là cậu bé Quyết phải bế em cho mẹ, rồi phải đi làm ruộng, bắt cua cá. Cuộc sống của gia đình đông con khó bề xoay xở vì ngoài làm ruộng ra, bố mẹ ông không biết làm gì hơn. Ngày nào, cậu bé Quyết cũng đi bộ 12 cây số đến trường, mà chưa bao giờ biết được cảm giác được ăn no là thế nào. Cơm độn ba phần khoai sắn còn phải nhường cho các em.

Thời thơ bé, ông cũng chưa bao giờ có đôi dép lành lặn để đi, có mùa đông, cứ thế chân đất đến trường, khi vào được lớp thì chân tím ngắt, chỉ chực khuỵu xuống. Thế nhưng, đói nghèo không làm nguội ý chí phấn đấu học tập trong cậu bé Quyết. Nguyễn Tiến Quyết lại học rất giỏi, nhất là môn toán. Ngày đó, Quyết chỉ mơ ước được trở thành một người làm toán, một thầy dạy toán giỏi, chứ đâu có nghĩ làm nghề y. Thế nhưng cuộc đời là một chuỗi sự sắp đặt, trong đó có những sự sắp đặt gần như là "duyên nợ".

Năm 1972, sau khi Nguyễn Tiến Quyết đi bộ đội về, bố ông gọi ông đến bên chỉ nói với ông một câu rằng: "Con phải đi theo nghề y…".

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết lấy tay gỡ cặp kính trắng, rồi trầm ngâm:

Vậy là tôi nghe theo lời bố, lao vào ôn thi. Năm đó (1976), tôi đỗ vào ĐH Y khoa Hà Nội với số điểm rất cao. Bố tôi không làm nghề y, nhưng đời ông nội, cụ nội tôi đều làm nghề bốc thuốc nam cứu người. Cụ nội tôi là một lương y nổi tiếng trong vùng, cả về tài chữa bệnh và đạo đức cao thượng. Cụ giỏi đến mức chỉ bắt mạch, kê đơn nhưng phân được hàn nhiệt. Cụ còn tự tiên đoán được năm nào mình ốm nặng, năm nào mình mất.

Bố tôi kể rằng, cụ chỉ kê đơn, bắt mạch mà không bốc thuốc để giữ trọn cái "đạo đức cao thượng" của mình. Một trong những lí do cụ không truyền nghề cho các con vì sợ nếu thời thế đổi thay, các con cụ lâm vào hoàn cảnh khốn khó mà lại ham làm giàu thì không giữ được "đạo đức cao thượng của nghề". Có lúc nhớ lại câu chuyện của cụ nội, tôi thấy sâu sắc vô cùng và nó giúp tôi càng vững tâm với lẽ sống của mình. Đó là đã xác định làm thầy thuốc thì đừng bao giờ suy nghĩ, đắn đo thiệt hơn, quan trọng nhất là mình làm được gì cho người bệnh.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết (thứ 5 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp sau khi thực hiện thành công ghép gan từ người chết cho não.

Cuộc đời làm nghề của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết là một chặng đường ông phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi. Miệt mài sáu năm đèn sách, chàng sinh viên Nguyễn Tiến Quyết đã tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội vào năm 1982 và được phân về công tác tại Bệnh viện Việt - Đức. Năm 1985, ông đi học nội trú tại Đức. Năm 1991, ông tốt nghiệp nội trú ở nước Đức. Các thầy giáo Đức động viên ông ở lại làm việc nhưng ông từ chối, bởi trong lòng ông, quê hương là một "khái niệm" linh thiêng và tuyệt vời nhất.

Đến bây giờ ngẫm lại, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn cho rằng, quyết định về Việt Nam làm việc là một trong những quyết định sáng suốt, đúng đắn và tuyệt vời nhất trong cuộc đời ông. Thời gian học ở Đức, trong ông luôn cháy bỏng một khát vọng được học cao hiểu sâu, để trở thành một bác sỹ ngoại khoa giỏi, có thể mổ xẻ được những ca bệnh khó nhất. Chuyên ngành mà ông đi sâu là phẫu thuật gan mật. Nhưng đây lại là một bệnh lý mà lúc nào ông cũng thấy mới, tức là nó quá phức tạp, muôn hình vạn trạng, đòi hỏi người thầy thuốc phải không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết tâm sự, cái đích cuối cùng của một phẫu thuật viên như ông là phấn đấu ghép gan, thì bây giờ ông và các đồng nghiệp của bệnh viện đã thành công. Ghép gan từ người sống và đặc biệt là ghép gan từ người chết não (một trong những thành tựu y học xuất sắc năm 2010 của y tế Việt Nam) đã được PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và các đồng nghiệp thực hiện thành công từ tháng 5/2010. Nói cách khác, đây là một hành trình hồi sinh sự sống từ cái chết giàu ý nghĩa nhân văn.

Nhớ lại "sự kiện đặc biệt" này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết xúc động tâm sự: "Nhiều đêm từ phòng mổ bước ra, toàn thân rã rời nhưng trong đầu tôi cứ ám ảnh câu hỏi, làm sao để cứu được bệnh nhân bị ung thư gan đây? Ở nước ta hiện nay có 10.000 người cần ghép thận, 1.000 người cần ghép gan, tim. Với người bệnh suy thận, chi phí chạy thận nhân tạo rất tốn kém. Còn với người bệnh suy gan, ung thư gan thì cơ hội sống khoẻ mạnh hầu như bằng không nếu như không được tiến hành ghép gan. Có nghĩa là, nếu không được ghép, họ chỉ chờ đợi cái chết.

Trong khi đó, mỗi năm ở Bệnh viện Việt - Đức có từ 1.450 - 1.500 bệnh nhân tử vong, nguyên nhân là tai nạn giao thông, tai nạn lao động (chiếm khoảng 70%). Và trong số này, bệnh nhân chết não khoảng 50%. Việc lấy tạng của người chết não ghép cho các bệnh nhân suy gan, thận, ung thư gan... không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống mà còn giúp họ sống khoẻ mạnh. Nhưng đặt ra trước chúng tôi biết bao khó khăn thách thức mà nếu chỉ một phút chán nản, mọi cơ hội sẽ trôi qua và chúng tôi sẽ phải tiếp tục chứng kiến những bệnh nhân tử vong vì bệnh gan khi cuộc đời họ còn quá trẻ. Và cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu. Đã có thân nhân đầu tiên được giác ngộ, đồng ý cho tạng từ người chết não. Và chúng tôi đã thực hiện thành công những ca ghép gan từ người chết não, mang lại sự sống cho một số người bệnh".

Quản lý một bệnh viện đầu ngành, nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, nhiệm vụ chính của ông vẫn là một phẫu thuật viên, tham gia mổ xẻ, điều trị bệnh nhân. Ông đặt ra một quy tắc "bất thành văn" đó là, bệnh nhân đến phải chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời, không được gây bất cứ điều gì phiền hà cho người bệnh. Người bệnh tìm đến mình thì phải san sẻ khó khăn và tìm cách đẩy lùi nỗi đau trong họ, chứ đừng làm họ thêm đau đớn, mất niềm tin. Rồi ông kể, hàng ngàn bệnh nhân là hàng ngàn nỗi đau, với ông cũng là rất nhiều cảm xúc khác nhau. Dù đã cầm dao mổ mấy chục năm nhưng mỗi lần bước chân vào phòng mổ, trong ông lại là những lo lắng thường trực. Nếu ai đó nói rằng, bác sỹ bị chai sạn với nỗi đau thì hoàn toàn sai lầm, bởi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, không cứu được người bệnh ông buồn vô cùng, có cả cảm giác ấm ức, bất lực ám ảnh. Điều duy nhất ông tự an ủi mình lúc ấy là mình đã làm hết sức rồi. Ông quan niệm, nghề y là một nghề làm phúc, mình cứu được người bệnh là có tất cả tâm phúc của mình ở đó.

Nói đến đây, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại: "Có một phụ nữ bị ôtô cán ngang người, khi tôi được mời đến thì bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, huyết áp gần như bằng không, mạch rất nhỏ. Tôi và các đồng nghiệp đưa vội chị vào phòng mổ, nhưng gan của chị gần như vỡ nát. Nếu cắt bên nào bệnh nhân cũng sẽ chết. Ngay lập tức, chúng tôi quyết định áp dụng phương pháp phẫu tích gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng mổ vào các rãnh của gan, khâu mạch máu, nối đường mật. Bệnh nhân đã được cứu sống trong gang tấc". Còn vô vàn những ca bệnh khó, mà nếu không được đội ngũ y bác sỹ dày dạn kinh nghiệm, giàu bản lĩnh cấp cứu kịp thời, chắc khó qua khỏi.

Nhắc đến phương pháp mổ gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bỗng trầm giọng xuống. Ông lặng nhớ về người thầy của mình. Đó là năm tháng học ĐH Y, ông được nghe thầy Tôn Thất Tùng giảng bài. Thầy giảng về y học hay đến nỗi, có lúc ông ngỡ thầy như một vị đạo sĩ giảng đạo đã "mê hoặc" những chàng bác sỹ trẻ, không chỉ bởi kiến thức uyên thâm, về kỷ luật nghề nghiêm khắc, sự nhạy cảm về lâm sàng của thầy mà còn vì tấm lòng và đạo đức trong sáng vô ngần ở Giáo sư Tôn Thất Tùng. Chàng sinh viên Nguyễn Tiến Quyết lúc đó luôn có một cảm giác rằng, kiến thức đi vào Giáo sư Tôn Thất Tùng một, thì ông truyền ra cho học trò của mình mười. Đến bây giờ, ở một lẽ nào đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn tôn thờ, đi theo lẽ sống, lý lẽ làm nghề cũng như cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng…

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vừa trở về từ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Ông cứ xuýt xoa với tôi rằng, có đi dự đại hội mới thấy đất nước có nhiều người phi thường đến vậy. Có người chỉ với hai bàn tay trắng nhưng đã sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chuyên xuất khẩu khoai lang ra nhiều nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Lại có những em bé học giỏi đến kinh ngạc. Còn Bệnh viện Việt - Đức, nơi ông đã thủy chung gắn bó thì cũng có bề dày thành tích. Năm 2004, bệnh viện chỉ có 430 giường bệnh thì đến năm 2010, đã tăng lên thành 906 giường bệnh. Năm 2004, bệnh viện thực hiện 16.000 ca mổ thì năm 2010, đã có 34.000 ca mổ được thực hiện. Hơn 70% bệnh nhân mổ ở Việt - Đức là những phẫu thuật đặc biệt và phẫu thuật loại một. Bệnh viện đã tổ chức ghép thận thường xuyên, đã chinh phục được kỹ thuật ghép gan từ người chết cho não. Hiện nay, bệnh viện đã chống được tình trạng quá tải, bệnh nhân đến điều trị gần như không phải nằm ghép…Trong 5 năm vừa qua, Bệnh viện đã đón danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hai lần được Cờ thi đua của Chính phủ và trong năm 2010, Bệnh viện được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh…

Thu Phương
.
.
.