Nghệ An, Hà Tĩnh: Lũ chồng lũ, người dân gồng mình trong nước
Đến thời điểm này, 100% hồ chứa vừa và nhỏ, các đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn mực nước đã dâng vượt quá cao trình và nguy cơ tràn qua thân đập rất lớn, đe dọa nguy hiểm tính mạng của người dân.
Sơ tán dân kịp thời là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và các lực lượng liên quan ở Hà Tĩnh trong những ngày qua. Tính đến sáng 18/10, tỉnh đã huy động 35 xuồng cao tốc của tỉnh, 5 xuồng cao tốc của Quân khu 4 và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng với dân quân tự vệ trực tiếp ứng cứu, sơ tán an toàn cho 17.000 hộ với 68.000 nhân khẩu của các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn...
Cùng đó, Hà Tĩnh đã huy động 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước uống đóng chai để kịp cứu trợ nhân dân các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, đồng thời trích ngân sách 15 tỷ đồng hỗ trợ các huyện mua lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.
Chở mì tôm cứu trợ vào vùng sâu xã Phúc Đồng, Hương Khê, Hà Tĩnh.Ảnh: TTXVN. |
Trước trận lũ mới này, Hà Tĩnh rất cần sự trợ giúp từ các Bộ, ngành của Trung ương, các nhà hảo tâm. Trước mắt, tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ 5.000 tấn gạo để kịp cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ; hỗ trợ 100 tỷ đồng cho dân sinh và khắc phục hậu quả; trang cấp 3 xuồng y tế và 500 cơ số thuốc y tế; trang cấp 30 xuồng máy loại ST 660.
Công an Hà Tĩnh: Dốc toàn lực lượng cứu dân trong lũ
Trước tình hình mưa lũ liên tiếp xảy ra tại địa phương, thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Công an và tỉnh Hà Tĩnh về phòng chống mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có các điện số 466, 467 về tăng cường công tác phòng chống mưa lũ.
Công an tỉnh đã tham mưu cho BCH PCLB tỉnh tiếp nhận 11 xuồng máy và 600 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Công an giúp Hà Tĩnh cứu hộ, cứu nạn và sơ tán nhân dân vùng ngập lụt; tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác phòng chống lũ lụt tại một số huyện trọng điểm: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ…
Tại huyện Hương Khê, đoàn công tác của lãnh đạo Công an tỉnh đã điều động 20 cán bộ, chiến sỹ các phòng PC67, PC68 cùng 80 cán bộ, chiến sỹ Công an huyện sử dụng 3 xuồng cao tốc để ứng cứu và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, với gần 1.000 dân, phát lương thực, thực phẩm cho hàng ngàn người dân.
Theo đó, Công an tỉnh đã bố trí 300 cán bộ, chiến sỹ, huy động 35 xuồng máy, các loại vật tư cứu hộ cùng với 11 xuồng máy và 600 cán bộ, chiến sỹ được Bộ Công an tăng cường, bổ sung kịp thời cho các huyện trọng điểm tham gia hỗ trợ cùng nhân dân và chính quyền địa phương.
Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh đã có mặt kịp thời tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là 2 huyện Vũ Quang và Hương Khê để ứng cứu, phòng chống mưa lũ. Chỉ đạo lực lượng CSGT đường bộ, đường thủy, tổ chức kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn để đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các cống ngầm qua sông, suối. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có các biện pháp phòng tránh, không để xảy ra tai nạn chết đuối, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trước tình hình mưa lũ bất thường, Công an Hà Tĩnh đã huy động lực lượng trực tiếp về các địa phương, khẩn trương ứng cứu nhân dân các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Phân công các đồng chí Phó giám đốc trực tiếp về các huyện bị ngập nặng chỉ đạo Công an huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân. Thượng tá Bùi Đình Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp lập "trung tâm chỉ huy tiền phương" tại Công an huyện Hương Khê để chỉ đạo lực lượng triển khai 8 xuồng máy cao tốc xuống các địa bàn trọng yếu như các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên.
Sáng 18/10, chúng tôi theo ca nô cứu hộ của Công an Hà Tĩnh do Đại tá Trần Công Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng 20 cán bộ, chiến sỹ đến cứu trợ tại các xã vùng ngập lụt ở huyện Đức Thọ. Chiếc ca nô vượt nước lũ đến với các xã vùng thượng đang bị ngập sâu, lúc này mưa vẫn một lúc một dày hạt, nước lũ vẫn đang một lúc một dâng cao, nhấn chìm toàn bộ nhà dân, công sở, trường học các xã: Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Đồng …--PageBreak--
Ông Nguyễn Văn Sơn ở xóm 5 xã Đức Lạng vừa được cán bộ, chiến sỹ Công an đưa từ nóc nhà đến chỗ an toàn cho biết: “Hôm qua đến giờ mấy cha con tui phải ngồi trên chái nhà, nhưng sáng ni trời vẫn tiếp tục mưa to, nên gia đình phải sơ tán trước khi ngôi nhà bị chìm trong nước lũ nhưng chưa biết di chuyển bằng cách mô, may mà có các anh Công an. Cả một vùng dân cư đông đúc là thế, bây giờ trắng bằng nước lũ”.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người vẫn đang kẹt trên các nóc nhà, cành cây… Chỉ tính riêng trong gần 2 giờ đồng hồ, cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh đã cứu được hơn 200 người dân đến nơi an toàn.
Chị Nguyễn Thị Hà, một người phụ nữ đang mang thai vừa được đưa từ nhà đến tầng hai trụ sở UBND xã Đức Đồng cho biết: "Lúc đầu mọi người cứ nghĩ nước lụt dâng cao lắm thì khoảng 1m, nên ai cũng trèo lên chái nhà tránh lụt. Ai ngờ lần ni nước cũng lại dâng cao kinh khủng ngập đến mái nhà. Rứa là nhiều người dân phải dỡ ngói trèo lên nóc nhà để kêu cứu".
Có mặt tại vùng lũ xã Vượng Lộc và khu vực Bắc Nghèn - thị trấn Nghèn (Can Lộc) chứng kiến hàng nghìn nhà dân nước ngập đến cửa sổ. Trên nhiều ngôi nhà, người dân ngồi trên nóc tránh lũ. Ông Trần Quốc Trung ở khối 12 thị trấn Nghèn cho biết: "Đã 2 ngày nay phải ngâm mình trong nước lũ, nước lên nhanh quá, chiếc giường của gia đình kê cao quá đã đổ xuống chìm trong nước lũ. Trời vẫn mưa to như ri (thế này) thì dân chúng tôi chỉ có nước chết thôi…".
Công an Nghệ An: Khẩn trương cứu trợ, không để dân bị đói
Đến 14h ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 10 người chết, hiện 2 người còn mất tích do mưa lũ. 5.271ha hoa màu bị ngập trắng, trong đó chủ yếu là ngô vụ đông, rau màu và diện tích nuôi trồng thủy sản, ước tính thiệt hại khoảng 372,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 21 xã bị ngập sâu, 15.166 nhà dân bị ngập nặng, sạt lở 6.700m đường giao thông tuyến QL1A, 7A và QL46; nhiều đoạn đường ngập cục bộ.
Nghiêm trọng nhất là đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, ngập sâu gây ách tắc giao thông trên QL1A nhiều giờ liền. Một số trụ sở Công an các đơn vị như Công an Diễn Châu, Phòng Quản lý XNC, Phòng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp bị ngập. Hệ thống điện thoại nhiều đơn vị bị hư hỏng, gián đoạn.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng CSGT tỉnh phối hợp Công an các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc phân luồng, phân tuyến để đảm bảo thông xe trên các tuyến quốc lộ. Lãnh đạo Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị ứng trực 100%, triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, phân công cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở bám địa bàn, theo dõi tình hình mưa lũ.
Đến chiều 18/10, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với bộ đội và chính quyền địa phương đã di dời 2.275 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn; đồng thời bố trí một bộ phận ở lại vùng lũ đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản cho nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội. Đặc biệt đến 7h ngày 18/10, sau một ngày tích cực mò vớt, Cảnh sát đường thủy, Công an xã và an ninh xóm 5 xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) đã tìm và vớt được thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi từ ngày 17/10. Công an huyện
Từ 10h đến 14h ngày 18/10, mặc dù trời mưa to nhưng với tinh thần không để người dân vùng lũ bị đói, Công an tỉnh đã cử nhiều tổ công tác phối hợp Công an các huyện dùng 3 ca nô chở 120 thùng mì tôm, nước uống tới các vùng dân đang sơ tán.
Ngoài ra, Công an tỉnh cùng Tòa Giám mục Xã Đoài do linh mục Võ Thành Tâm dẫn đầu đến các xứ đạo Bùi Chu, hạt Xã Đoài để cứu trợ cho bà con giáo dân tại các khu vực đang bị lũ chia cắt. Lúc 14h ngày 18/10, Đoàn công tác Bộ Công an do Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật dẫn đầu đã trực tiếp đến cứu trợ, phát mì tôm, nước uống cho nhân dân xóm Trung Hòa, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc là khu vực đang bị ngập nặng.
Trong đợt mưa lũ này, hơn 3.000 ngôi nhà của CBCS và thân nhân CBCS các đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh và lực lượng CA xã bị ngập sâu, nhưng với trách nhiệm cứu dân là trên hết, 100% CBCS đã có có mặt tại đơn vị, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. |
Theo Văn phòng BCH PCLB Hà Tĩnh, đến hôm qua 18/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn. Lũ không chỉ làm ngập lụt các địa phương miền núi mà còn gây ngập lớn ở nội đồng, làm 12/12 huyện, thành phố, thị trong tỉnh bị ngập, trong đó nhiều địa phương ngập sâu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên ngập lụt 91 thôn của 11 xã, ảnh hưởng trực tiếp đến 30.000 nhân khẩu của 8.571 hộ dân. Huyện Hương Khê lũ lụt chia cắt hoàn toàn 14/22 xã, thị trấn; trên 30.000 hộ dân bị ngập... Huyện Hương Sơn, mưa lũ đã làm đập Khe Mơ (trữ lượng 0,75 triệu m3 nước) bị vỡ khoảng 25m tại địa phận xã Sơn Hàm, 23/32 xã với khoảng 15.000 hộ dân; 40 trường học, 12 trạm xá, 90 hộ quán, 2 trạm bưu điện văn hóa xã bị ngập… Huyện Kỳ Anh, nước đã làm ngập cục bộ một số xã trong vùng tái định cư: Kỳ Liên, Kỳ Long; các xã Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn bị chia cắt; nước cuốn trôi 1,5km kênh và làm ngập cống chính đập Khe Chọ (xã Kỳ Bắc), cuốn trôi cống ngầm tràn khe Cấy (tuyến Kỳ Lâm - Kỳ Thượng) và cầu tạm nối 2 khu vực tái định cư thuộc xã Kỳ Long. Thị xã Hồng Lĩnh: 4/6 phường, xã với hơn 1.900 nhà dân, 6 trường học, trạm xá bị ngập lụt; hơn 1.000 người dân phải sơ tán đến các nơi an toàn. Huyện Vũ Quang: 85 thôn của 12/12 xã, thị trấn bị nước lũ cô lập; 3.721 hộ bị ngập; 7.255 họ bị ảnh hưởng; di dời 2.000 hộ dân. Huyện Đức Thọ khoảng 20.000 nhà dân bị ngập, trong đó 7 xã vùng thượng bị cô lập hoàn toàn. Huyện Lộc Hà, 3.505 nhà/10.519 nhân khẩu phải sơ tán, 4.897m3 đê và nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Can Lộc, hơn 20.000 hộ dân bị ngập từ 0,8 - 2m. Huyện Thạch Hà ngập hoàn toàn 31/31 xã, thị trấn; hơn 17.000 hộ dân bị ngập. Huyện Nghi Xuân có 7 xã bị ngập, trong đó 20 thôn với khoảng 300 hộ bị ngập nặng, 8 nhà dân ở xã Xuân Lam bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất. TP Hà Tĩnh hiện 1.130 hộ dân ở các xã Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Môn… bị ngập hoàn toàn. |
Giao thông Nam - Bắc, Đông - Tây gần như tê liệt bởi các tuyến quốc lộ 1, Quốc lộ 8, Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Hà Tĩnh bị lũ làm ngập nhiều đoạn sâu từ 0,5 -1,5m (Đường Hồ Chí Minh ngập sâu 1,5 từ km 808 đến km 817 đoạn Phúc Đồng (Hương Khê); đặc biệt, quốc lộ 1A ngập nhiều đoạn sâu hơn 1m như đoạn qua xã Vượng Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Xuân Lam (Nghi Xuân)... Quốc lộ 8 đoạn thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn cũng không thể qua lại được. Các tuyến đường 15A, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 5 cùng hàng trăm kilômét đường liên huyện, liên xã cũng bị biến thành sông có độ sâu từ 1-3m. Giao thông tại Hà Tĩnh giữa các địa phương bị tê liệt hoàn toàn. |