Ngày tiễn đưa nhạc sĩ Hoàng Hiệp về cõi xa

Thứ Sáu, 11/01/2013, 09:25
Ngày 10/1, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiều thế hệ lần lượt đến nhà tang lễ TP HCM tưởng niệm người nghệ sĩ lão thành, tài hoa: nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Giữa bảng lảng khói hương, tác giả của một khối lượng tác phẩm âm nhạc và văn học đồ sộ Việt Nam với những ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ như sống lại trong ký ức rưng rưng của bạn bè, đồng nghiệp.
>> Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời

Có mặt khá sớm,  thắp nén nhang trước linh cữu của người quá cố, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Kính viếng hương hồn nhạc sĩ, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: Nhạc sĩ Hoàng Hiệp ra đi, để lại niềm thương tiếc lớn lao trong giới nhạc sĩ và công chúng cả nước. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi còn trong tâm trí của các nghệ sĩ, nhạc sĩ. Kính trọng ông, biết ơn ông, yêu quý ông, người nhạc sĩ tài năng, gạo cội. Người nhạc sĩ của nhân dân.

Rất nhiều văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, dù tuổi đời còn rất trẻ hay đã bạc trắng mái đầu đã đến để vĩnh biệt người bạn vong niên, người đồng nghiệp, người thầy hay đơn giản chỉ là với tư cách người hâm mộ. Lụm cụm cùng người bạn đời lặn lội đến từ quận 7, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ lặng lẽ thắp hương, chia buồn cùng gia quyến. Niềm tiếc thương người nhạc sĩ tài hòa chỉ lặn trong tiếng thở dài.

Cất tiếng gọi thân thương: Anh Tư Hoàng Hiệp, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM nắn nót ghi từng dòng trong cuốn sổ tang: Thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ kế tục sự nghiệp của anh không thể thực hiện hết những gì anh mong đợi. Nhưng khối lượng tác phẩm kiệt xuất và đồ sộ của anh, nhân cách lớn của anh mãi mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào cho Hội Âm nhạc, cho các đồng nghiệp trẻ của anh...

Đến cùng đông đảo nghệ sĩ nhiều lĩnh vực, nhạc sĩ Ca Lê Thuần nhấn mạnh: Đảng Đoàn, Đảng ủy, thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM luôn ghi nhớ công lao, tài năng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Anh ra đi nhưng đã để lại rất nhiều tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, đi vào lòng người, của công chúng cả nước. Thương nhớ nhạc sĩ Hoàng Hiệp, giới văn học nghệ thuật TP HCM luôn nhớ anh là Tổng Thư ký Hội Âm nhạc, thành viên trong mái nhà chung của Liên hiệp hội.

Tuổi đã cao nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn đến chia buồn với gia quyến nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Những tình cảm nhớ tiếc, trân trọng và cả sự biết ơn theo nhau làm dày thêm những cuốn sổ tang. Nhiều người không quản ngại đường xá xa sôi, lặn lội đến từ Hà Nội, các tỉnh, thành. Bên linh cữu của người nhạc sĩ quá cố, vòng hoa đến viếng xếp lớp ngày càng dày thêm. Ngoài bạn bè, người hâm mộ, các đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể... khá nhiều trong số đó là của lãnh đạo TP HCM.

Đại diện lãnh đạo TP HCM, trong cuốn sổ tang ngày 10/1, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM viết: Mãi nhớ người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, người nhạc sĩ tài hoa đã thể hiện tiếng lòng, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng độc lập thống nhất, niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, nhịp đập trái tim với Thủ Đô, sự cháy bỏng nhiệt huyết cách mạng của bao lớp người của Tổ quốc, của miền Nam. Gắn bó với nhân dân, miệt mài sáng tạo, làm nên những tác phẩm xuất sắc, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhiều thế hệ, đặc biệt là các thế hệ trẻ sau này...

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, nguyên là Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP HCM. Sinh năm 1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, là tác giả của hàng trăm ca khúc, trong đó có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, được công chúng nhiều thế hệ yêu thích: Trở về dòng sông tuổi thơ, Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Viếng lăng Bác... Cùng với sáng tác ca khúc, ông còn tham gia sáng tác cho các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh...

Những đóng góp của ông cho nhân dân, cho đất nước đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận dưới nhiều hình thức: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh

PV
.
.
.