Ngày đầu "phạt theo NĐ 71": Nhiều người bỡ ngỡ về quy định mới

Chủ Nhật, 11/11/2012, 09:56
Ngày 10/11, ngày đầu tiên Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành. Để nghị định sớm đi vào thực tế, từ sáng sớm, dù là ngày cuối tuần, trên nhiều tuyến đường Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chốt trực để hướng dẫn phân luồng giao thông cũng như xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì đa phần người vi phạm đều chưa biết nghị định mới sẽ tăng nặng hình phạt cụ thể là như thế nào.

Nhiều người vi phạm ngơ ngác

9h sáng thứ 7, ngã tư Giải Phóng - Lê Duẩn - Đại Cồ Việt - Kim Liên không còn cảnh ùn ứ như mọi ngày, dòng người di chuyển đã thuận lợi hơn theo đúng tín hiệu đèn giao thông. Tuy nhiên, không vì thế mà Đội CSGT số 4 (đơn vị phụ trách địa bàn) lơ là chủ quan. Từ 6h sáng, một tổ công tác gồm 4 đồng chí đã được bố trí chốt trực trên đường.

Chia sẻ với phóng viên, Trung úy Nguyễn Văn Hanh (Tổ trưởng Tổ công tác) cho hay, để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 71, dù là ngày cuối tuần, song lực lượng CSGT vẫn thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm. Trên thực tế, nhiều người dân hay nghĩ rằng, cuối tuần lực lượng Cảnh sát giao thông vắng mặt, nên họ tự cho phép mình vi phạm nhiều hơn.

Anh Lục Minh Tuấn (Hoàng Văn Thụ, Hà Nội), điều khiển xe máy BKX 30N1-5344 bị xử lý về lỗi vi phạm đi sai làn đường, thành thật nói rằng không hề biết gì về ngày đầu tiên nghị định mới có hiệu lực. Vì vậy, anh càng không biết lỗi đi sai làn đường thay vì bị phạt 200.000-400.000đ, từ nay sẽ bị nâng lên từ 400.000-800.000đ. Tương tự, anh Nguyễn Văn Khương (Gia Lâm - Hà Nội) điều khiển xe mang BKS 19G1-018.18 vi phạm lỗi đi không đúng làn đường, phần đường quy định, cũng không hay biết gì về việc tăng mức phạt đối với lỗi mình đã vi phạm.

Nhiều trường hợp vi phạm giao thông trong sáng 10/11 đã được lực lượng CSGT xử lý nghiêm.

Không chỉ có hai trường hợp trên bỡ ngỡ về quy định mới, chỉ đứng chứng kiến tổ công tác của Đội CSGT số 4 xử lý 5 trường hợp thì cả 5 khi được hỏi đều không hay biết gì. Cùng đó, đại diện một số Đội CSGT chia sẻ: Nhiều trường hợp vi phạm trong sáng 10/11 cũng nói rằng chưa biết về nghị định mới. Do đó, trước khi lập biên bản xử lý vi phạm, các chiến sĩ CSGT lại phải dành thời gian giải thích rõ về quy định mới cho người dân hiểu, để lần sau họ chấp hành Luật Giao thông nghiêm túc hơn.

Nâng mức phạt nhằm siết chặt các lỗi vi phạm

Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, trong ngày 10/11, các đơn vị trực thuộc phòng đã xử lý được gần 2.000 trường hợp vi phạm. Trong đó đa phần là các lỗi đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện không có gương, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho biết, ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT đã tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: "Trong những ngày đầu Cảnh sát sẽ chủ yếu là nhắc nhở chủ phương tiện vi phạm lỗi nhẹ, sau đó sẽ xử phạt theo đúng quy định”.

Quy định mới về xử phạt người điều khiển xe chạy quá tốc độ hoặc có nồng độ cồn vượt quá quy định:

Người điều khiển xe ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h sẽ phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng (quy định cũ là 300.000-500.000 đồng). Trường hợp ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 10-20km/h sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức phạt cũ là 800.000-1,2 triệu đồng).

Đối với người điều khiển phương tiện ôtô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá quy định cũng bị tăng mức xử lý. Cụ thể, phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 2-3 triệu đồng) với người điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe máy thì bị phạt từ 500.000–1 triệu đồng (mức phạt cũ từ 200.000-400.000 đồng)…

Nghị định mới cũng quy định, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71 với mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, riêng xe máy xử phạt 1 triệu đồng.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, theo điều tra xã hội học thì người đi xe không chính chủ chiếm 45%, xe máy là chủ yếu. “Ủy ban An toàn giao thông đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi lại mức phí sang tên đổi chủ vì mức phí hiện nay là quá cao nên cần hạ xuống mức thấp nhất và mức phí chuyển nhượng chủ xe không phải là nguồn thu mà chỉ là dịch vụ. Nếu nghiên cứu mức phí hợp lý đồng thời cơ quan Nhà nước đề nghị cho người dân một thời gian nhất định, khuyến khích người dân sang tên đổi chủ thì sẽ làm được tại Việt Nam”, ông Hiệp cho biết.

Đặng Nhật
.
.
.