Ngày đầu đổi giờ làm, giờ học: Giao thông đã thông thoáng hơn

Thứ Năm, 02/02/2012, 09:12
Ngày 1/2, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm việc để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuy chưa thể căn cứ vào một ngày để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án trên nhưng có thể thấy, các tuyến phố đã thông thoáng hơn.
>>Điều chỉnh giờ học, giờ làm, CSGT phải trực nhiều hơn

Đây đó, vẫn còn nhiều tuyến được coi là điểm nóng về ùn tắc nhưng trong sáng đầu tiên thực hiện đổi giờ học, giờ làm, với sự cố gắng của lực lượng CSGT, chỉ còn ùn chứ không tắc nghẽn như thường thấy.

CSGT “căng” sức tại các điểm nóng

Từ sáng sớm, nhóm phóng viên Báo CAND đã có mặt tại một số chốt vốn được coi là “điểm nóng” về giao thông để ghi nhận thực tế. Nhìn chung, tình hình trật tự giao thông đã được cải thiện. Vào khoảng thời gian cao điểm, hầu hết các đường mà ngày thường được xem là những điểm nóng về tắc nghẽn thì nay đường tuy có đông, nhưng không xảy ra ùn tắc.

Theo Quyết định của TP, nhóm đối tượng các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường THPT bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7h, kết thúc giờ học chiều sau 19h. Vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên đổi giờ, từ 5h15 phút sáng, lực lượng CSGT Hà Nội đã có mặt tại các đơn vị điểm danh để 6h kém bắt đầu xuống đường làm nhiệm vụ.

Đúng 6h, Thượng sỹ Phạm Quang Vỵ cùng hai đồng chí của Đội CSGT số 4 đã có mặt tại chốt trực Kim Liên-Giải Phóng. Dù là một trong những trục giao thông chính của Hà Nội, song giờ này lượng người lưu thông trên đường còn khá vắng. Thượng sỹ Vỵ chia sẻ: Đã từ lâu, nút giao thông này đã không còn cảnh ùn tắc kéo dài, song tình trạng ùn ứ vẫn thường xảy ra, nhất là giai đoạn 7-8h sáng và 5-7h chiều. Tuy nhiên, từ sáng nay cảnh ùn ứ cũng đã được cải thiện đáng kể, thay vì kéo dài 1 tiếng thì nay chỉ diễn ra trong vòng 15 phút.

Việc đổi giờ học, giờ làm sẽ giảm áp lực giao thông

7h15 phút nhóm phóng viên di chuyển đến nút giao Thái Hà-Chùa Bộc, một trong những nút giao được coi là điểm nóng trong địa bàn do Đội CSGT số 3 quản lý. Dù đang trong khung giờ “nóng”, dòng phương tiện lưu thông qua ngã tư này khá thuận lợi, trái hoàn toàn với hình ảnh các phương tiện chen chân nhích lên từng bước, từng hồi còi inh ỏi vang khắp đường, nhiều người lao xe lên cả vỉa hè nhằm thoát khỏi ùn tắc giao thông mà phóng viên từng có dịp chứng kiến trước kia.

Không có cảnh ùn ứ hay tắc nghẽn, trời thì đang mưa, song Trung úy Trịnh Viết Cường (Đội CSGT số 3) vẫn không rời bục chỉ huy giao thông. “Để có được đường đi thông thoáng thế này, ngoài việc ngành Giao thông bố trí đèn tín hiệu hợp lý, mỗi ca trực tại nút này có tới 3 Cảnh sát giao thông và 4 thanh tra giao thông cùng đứng ra điều tiết giao thông. Sơ sẩy một chút là sẽ có ùn tắc, nên ngày nắng cũng như ngày mưa, anh em CSGT lúc nào cũng phải bám chốt”, Trung úy Cường bộc bạch.

Trường học và gia đình: Chủ động điều chỉnh giờ nghỉ và sinh hoạt

Tình trạng đường thông thoáng cũng được ghi nhận tại hầu hết các đường mà ngày thường được xem là những điểm nóng về tắc giờ cao điểm. Đôi chỗ đường tuy có đông, nhưng không tắc như đường Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc, Láng, Láng Hạ, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Giải Phóng…

Việc thay đổi giờ học, giờ làm đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá được hết tính hiệu quả của phương án đổi giờ, vì hiện nay vẫn còn rất nhiều sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… vẫn đang nghỉ Tết ở quê. Để đánh giá chính xác nhất hiệu quả phải sau ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 6/2/2012), lúc đấy sinh viên đi học hết mới có thể thẩm định được.

Trước mắt, hầu hết các trường học đều đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của UBND TP Hà Nội. Với một số trường THCS phải chia ca để học, thời gian giao giữa 2 ca chỉ có 15 phút, rất dễ gây lộn xộn trong việc về và đến học của học sinh. Nhưng mỗi trường cũng đã có sự điều chỉnh phù hợp. Đơn cử như Trường THCS Ngô Sỹ Liên, Ban giám hiệu đã nghĩ đến việc rút ngắn giờ ra chơi của các em từ 20 phút xuống 15 phút để tăng thời gian nghỉ giao ca. Chỉ có sự xáo trộn trong từng gia đình, nề nếp sinh hoạt cũ gần như phải thay đổi.

Tuy nhiên, phần lớn người dân cũng đều thực hiện ổn thỏa, tự sắp xếp hợp lý để không muộn giờ làm việc và giờ đưa đón con. Với sự thực hiện nghiêm túc từ các trường, sự đồng thuận và cố gắng của mỗi gia đình, người dân, hy vọng việc ùn tắc sẽ được cải thiện đáng kể nhờ phương án áp dụng lệch giờ như hiện nay.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội):


Theo tôi, giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng chỉ làm thay đổi 70% lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Khi triển khai Hà Nội nên nghiên cứu rất kỹ chuỗi chuyến đi, hoạt động trong ngày của các nhóm dân cư, sau đó đưa chuỗi chuyến đi lên mô hình giao thông để xem hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra trên tuyến đường nào, giờ nào, từ đâu đến đâu, sau đó mới tính toán điều chỉnh giờ làm, giờ học của nhóm đó…


Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết:


Về phương án triển khai điều chỉnh giờ học, giờ làm, Sở Giao thông Vận tải đã có thông báo rộng rãi đến các trường. Các trường phải có trách nhiệm thông báo với học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Đánh giá tác dụng của việc thay đổi giờ, ông Tân cho rằng, giờ cao điểm của giao thông Hà Nội sẽ được nới rộng ra. Trước đây, giờ cao điểm là 6 giờ 30 thì hiện nay sẽ lùi xuống từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, chiều từ 16 giờ đến 20 giờ.


TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải: Bất ngờ vì kết quả ngày đầu đổi giờ học, giờ làm


Tôi cũng hơi bất ngờ với những sự thay đổi này, vì lúc đầu tôi nghĩ việc đổi giờ sẽ không làm giảm tải cho giao thông bao nhiêu. Nhưng hôm nay, quả thật đường phố đã thông thoáng hơn nhiều. Cá nhân tôi ủng hộ phương pháp này, trên thế giới họ cũng làm rồi, và cũng không tốn bao nhiêu tiền. Chỉ cần giảm sự trùng lặp trong giờ đi lại thì ùn tắc rõ ràng sẽ giảm, người dân thực hiện tốt sẽ có hiệu quả.


Chẳng hạn, 45 vạn học sinh tiểu học, rồi 40 vạn học sinh phổ thông, chỉ cần 2 cái đó lệch nhau đã giảm được 40 vạn người cùng ra đường. Nếu tất cả cùng xuất phát lúc 8h thì hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ phải gánh khoảng 10 triệu lượt đi lại/ngày, gồm cả học sinh, sinh viên, công chức, khách vãng lai, buôn bán…


Trong khi xe buýt chỉ đảm đương được khoảng 1 triệu lượt người (1/10 nhu cầu), 9 triệu lượt đi lại còn lại phải dùng phương tiện cá nhân. Thực tế hạ tầng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, như vậy ùn tắc sẽ xảy ra. Tôi cũng hiểu là người dân bức xúc trong việc đưa đón con, cháu đi học, nhưng người dân cũng cần thông cảm với ngành Giao thông vận tải.

Thanh Huyền - Ngọc Yến
.
.
.