Ngành du lịch TP HCM thiếu khách sạn, hướng dẫn viên hạn chế

Thứ Hai, 14/01/2008, 10:05
Theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động du lịch thì một trong những điểm yếu hiện nay của ngành du lịch là khả năng giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế và việc đào tạo hướng dẫn viên sử dụng các ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Hàn, Thái, Nga… còn rất ít. Chưa kể khách sạn cũng không đáp ứng đủ cho khách du lịch.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế đến TP ước đạt 2,7 triệu lượt (tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2006), đạt khoảng 102% kế hoạch năm 2007. Trong đó, khách du lịch 1,6 triệu lượt (tăng 15%) và khách đến đầu tư thương mại 580 ngàn lượt (tăng 15%).

Có 10 thị trường khách được xếp vị trí hàng đầu trong ngành du lịch của TP: Mỹ (tăng 5%), Nhật (tăng 4%); Đài Loan (tăng 11%), Hàn Quốc (tăng 22%), Australia (tăng 33%), Trung Quốc (tăng 50%) Singapore (tăng 41%), Pháp (tăng 18%), Malaysia (tăng 28%) và Canada (tăng 15%). Tăng mạnh và ổn định nhất là thị trường Trung Quốc, Singapore, Australia, Malaysia và Hàn Quốc.

Thiếu phòng khách sạn cao cấp và hướng dẫn viên

Hiện, trên địa bàn TP có tổng cộng 948 cơ sở lưu trú du lịch với 23.940 phòng đã được phân loại, xếp hạng theo Quy định 39/CP (đạt 90%). Cơ quan chức năng tiến hành thẩm định các khách sạn từ 1-5 sao, đã có khuyến cáo một số khách sạn chưa đạt tiêu chuẩn. Còn với đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch, thì .

Tính đến nay, số HDV được cấp thẻ do Sở Du lịch quản lý là 1.391 người. Trong đó, HDV có ngoại ngữ tiếng Anh 43%, tiếng Nhật 20%, tiếng Hoa 14%, tiếng Pháp 13%… thấp nhất là tiếng Hàn chỉ có 1%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các thị trường khách quốc tế đến TP.

Do vậy, đã có tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng HDV nước ngoài, HDV không thẻ để hướng dẫn khách quốc tế, doanh nghiệp lữ hành cho người nước ngoài núp bóng hoạt động chui, trốn thuế… đã ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ du khách quốc tế đến với thành phố.

… Đâu là giải pháp?

Hiện các trường đại học và cao đẳng có các khoa đào tạo du lịch (8 trường với 964 sinh viên tốt nghiệp năm 2007), các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (7 trường với 1.957 học viên tốt nghiệp năm 2007) và hơn 9.000 sinh viên, học viên đang theo học sẽ là một lực lượng hùng hậu bổ sung HDV cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình đào tạo tại các trường vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng thực hành. Ngoài ra, kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên ra trường là điều đáng lo ngại.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động du lịch thì một trong những điểm yếu hiện nay của lực lượng chuẩn bị tham gia vào ngành du lịch là khả năng giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế và việc đào tạo HDV sử dụng các ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Hàn, Thái, Nga… còn rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu HDV tiếng Hàn, Sở Du lịch đã đề xuất và được Tổng cục Du lịch chấp thuận cho thực hiện thí điểm giải pháp đào tạo và sử dụng lực lượng chuyển ngữ viên tiếng Hàn.

Trên cơ sở đó, Sở Du lịch phối hợp với Trường Đại học Kinh tế xây dựng kế hoạch mở khóa bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức Việt Nam cho 37 người Hàn Quốc để sau khi được cấp chứng chỉ tốt nghiệp sẽ tham gia phiên dịch cho HDV du lịch Việt Nam phục vụ các đoàn khách thị trường Hàn Quốc.

Đồng thời, Sở Du lịch cũng đã làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc tiếp nhận tình nguyện viên Nhật Bản tham gia giảng dạy tiếng Nhật và các khóa chuyên đề về nghiệp vụ và quản lý du lịch, khách sạn, dự kiến sẽ triển khai vào giữa năm 2008.

Xây dựng chuyên đề về tình hình phát triển và nhu cầu về HDV đối với một số thị trường quan trọng. Kiến nghị giải pháp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung cầu HDV tiếng hiếm (Hàn, Tây Ban Nha, Đức, Nga…).

Song song đó, cùng với việc khắc phục tình trạng mất cân đối về cung cầu khách sạn cao cấp trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch cũng đã có báo cáo thực trạng cung cầu và dự báo tình hình sắp tới cho UBND TP cũng đã chỉ đạo khảo sát mặt bằng để xây dựng khách sạn cao cấp.

Hiện đã có 11 mặt bằng đủ điều kiện đầu tư xây dựng ngay khách sạn cao cấp, 8 mặt bằng tiếp tục giải quyết vướng mắc để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp giai đoạn 2 (2010 - 2020) và danh sách 19 khách sạn có khả năng mở rộng, nâng cấp hạng sao, để đáp ứng yêu cầu của khách đã được trình UBND TP. Trong giai đoạn 2007 - 2010, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp cũng được thực hiện.

Trong năm 2008, ngành Du lịch TP phấn đấu nâng lượng khách quốc tế đạt 3 triệu lượt (tăng 11% so với 2007) với các nhóm thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng gồm: Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, châu Âu, Australia và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để cân đối cung cầu và chất lượng phục vụ thì hai vấn đề đang nóng bỏng hiện nay là thiếu phòng khách sạn cao cấp và thiếu HDV chuyên nghiệp, là vấn đề cần sớm được bổ sung

Thúy Hà
.
.
.