Ngành Y tế Tp.HCM và những thành tựu sau 30 năm giải phóng

Thứ Năm, 14/04/2005, 08:43
Tp. Hồ Chí Minh là nơi duy nhất trên cả nước trả lương cho nhân viên y tế cơ sở phường, xã.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mạng lưới y tế của chế độ cũ đã được "công lập", trừ một số bệnh viện của người Hoa được hưởng qui chế "tự quản" cho tới năm 1978. Một trong những khó khăn lớn nhất của giai đoạn sau chiến tranh này, đó là việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Những bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, nha sĩ… dưới chế độ cũ do chịu ảnh hưởng của lệnh tổng động viên, họ trở thành sĩ quan "trù bị". Sau giải phóng, họ đều phải đi học tập cải tạo dài hạn.

Việc làm được coi là "động trời" của những người lãnh đạo Sở Y tế lúc đó là xin thành phố cho những người này được về ngành Y tế công tác. Sau đó họ đã trở thành một trong những lực lượng chính tại các bệnh viện, xí nghiệp dược…

Một trong những ví dụ sinh động nhất về chính sách hòa hợp của ngành, đó là năm 1977, Sở Y tế đã nhận 400 dược sĩ đi cải tạo về vào làm việc tại Công ty Dược cấp II. Rất nhiều bác sĩ, giáo sư dưới chế độ cũ đã được trọng dụng và họ cũng góp một phần không nhỏ vào những thành công của ngành Y tế thành phố cho đến ngày hôm nay, như Giáo sư - Bác sĩ Ngô Gia Hy, Giáo sư Phạm Biểu Tâm.

Từ năm 1978, do chính sách cấm vận cùng với sự khó khăn chung của thành phố sau chiến tranh, một cơn sốt chảy máu chất xám diễn ra. Hơn 1.000 bác sĩ vượt biên trong 2 năm (1979 - 1980) đã làm đau đầu các vị lãnh đạo Sở Y tế.

Một giải pháp "động trời" thứ 2 được thực hiện: cho phép các bác sĩ được "làm việc ngoài giờ có nhận thù lao". Thực chất là một dạng của phòng mạch tư. Các "phòng khám tập thể ngoài giờ" được tổ chức tại các bệnh viện nhằm tăng thu nhập cho những bác sĩ không có điều kiện làm ngoài. Việc làm này đã làm giảm bớt cơn sốt "chảy máu chất xám" trong ngành Y tế, nâng cao đời sống vật chất cho CBCNV, tạo sự yên tâm làm việc.

Trung tâm Me-dic là một mô hình thành công trong chủ trương xã hội hóa của ngành Y tế. Tuy mới được thành lập và là một đơn vị tư nhân, nhưng chỉ một thời gian ngắn nơi đây đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy với câu cửa miệng của bệnh nhân: "Lên Hòa Hảo (Me-dic) mà chụp phim" - để chỉ nơi đây là một địa chỉ đáng tin cậy trong việc làm các xét nghiệm chẩn đoán y khoa.

Thành lập các trung tâm chuyên sâu là một trong những chiến lược quan trọng của ngành Y tế thành phố. Hàng loạt trung tâm như: chấn thương chỉnh hình, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu… hoặc điển hình như Bệnh viện Ung bướu - một trong hai trung tâm chuyên khoa ung thư lớn nhất nước, vừa chữa bệnh đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức những chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư. Đồng thời còn hỗ trợ các địa phương khác xây dựng khoa ung bướu.

Chương trình chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hiện đại giữa Sở Y tế thành phố và hiệp hội Alain-Carpentier (Pháp) tuy mới được thành lập vào năm 1992, nhưng đã đạt nhiều thành quả. Gần 8.000 ca mổ tim trong 9 năm của Viện Tim thành phố là một con số đáng được ghi nhận. Riêng bác sĩ Phan Kim Phương - Anh hùng Lao động với 3.600 ca mổ tim hiện đã trở thành kỷ lục với giới phẫu thuật tim trên thế giới.

Vào những thời điểm khó khăn nhất, ngành Y tế thành phố đã làm được những việc cho các đồng nghiệp trên thế giới phải ngưỡng mộ như: thực hiện thành công ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức (1988). Hay như việc khống chế kịp thời, hiệu quả những trận dịch nguy hiểm đã được thế giới công nhận.

Vào thời điểm này cũng đang có rất nhiều cán bộ, chuyên gia nước ngoài tới các bệnh viện chuyên sâu tại Tp. Hồ Chí Minh để nghiên cứu và học tập đã minh chứng cho những thành công của ngành Y tế thành phố trong suốt 30 năm qua

Huyền Nga
.
.
.