Ngàn vẻ cây xanh Hà Nội

Chủ Nhật, 04/10/2009, 17:10
Nếu không có những hàng cây xanh xòe bóng mát giữa buổi trưa hè khắc nghiệt, Hà Nội hẳn sẽ không còn dáng vẻ của một thành phố trầm mặc, cổ kính. Nếu chỉ có những con đường khói bụi, ngột ngạt mà thiếu đi sự tươi mát của những hàng cây, Hà Nội sẽ chẳng khác gì một người con gái không có tâm hồn.
>> Trách nhiệm với cây xanh

Mấy tháng nay, người ta nói rằng TP Hà Nội sắp lập bản đồ cây xanh, lại sắp quy hoạch mỗi con phố sẽ có một loại cây đặc trưng, thấy mừng vì cây xanh của Thủ đô giờ đã được quan tâm đích đáng.

Theo dõi báo đài, thấy những vụ trộm cây sưa diễn ra ngang nhiên, dù không phải người Hà Nội, tôi vẫn cảm thấy đau lòng. Những gốc cây quý mà biết bao người nâng niu bị hủy hoại bởi lòng tham con người. Rất may, mấy ngày vừa rồi, Công an Hà Nội đã tóm gọn nhóm thủ phạm hơn 20 tên đó. Tự nhiên tôi muốn viết về lịch sử cây xanh Hà Nội với những thăng trầm của nó theo những biến cố lịch sử của Thủ đô.

Những con đường in dấu cây xanh

Qua năm tháng, những hàng cây tỏa bóng mát trên những con đường dọc ngang Hà Nội vẫn mãi mãi là niềm tự hào của Thủ đô; là sự bình yên, dịu dàng cho những người đang ngày ngày khó nhọc mưu sinh trong lòng Hà Nội; là nỗi nhớ nhung khắc khoải của những người Hà Nội xa xứ.

Hà Nội có hơn 1.400 cây sấu cổ thụ, trồng ở khắp nơi trong thành phố, từ công viên, vườn bách thảo đến những ngõ nhỏ; nhưng nhiều nhất vẫn là ở phố Phan Đình Phùng. Thế kỷ XIX, con đường này được người Pháp đặt tên là đại lộ Boulevart Carnot. Năm 1945, khi cụ Trần Văn Lai lên làm Thị trưởng Hà Nội, chỉ trong một tháng trời, cụ đã đổi toàn bộ tên cho các con phố Hà Nội. Hà Nội có tên các danh nhân lịch sử của ta từ đó.

Đại lộ Boulervart Carnot được đổi tên theo tên của nhà yêu nước nổi tiếng Phan Đình Phùng và giữ tên đó cho đến ngày nay. Nhưng rất nhiều người Hà Nội từ hàng thế kỉ nay vẫn quen gọi con phố này là "phố cây sấu". Cây sấu đã được người Pháp trồng ở Hà Nội từ hàng trăm năm nay, biến con đường này thành một trong những con đường có hàng cây đẹp và đặc trưng nhất Thủ đô.

Một buổi trưa hè oi ả, bỗng nhiên "lạc" vào Phan Đình Phùng, người ta có thể quên đi hết tất cả những bụi bặm, ngột ngạt của xe cộ, của nắng nóng ngoài kia, để bình yên tận hưởng những bóng râm êm đềm do những cây sấu cổ thụ mang lại.

Tôi nhớ có đọc được đâu đó một câu nói của nhà văn Băng Sơn: "Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua". Càng ngẫm nghĩ càng thấy hay. Phải là người yêu Hà Nội lắm, thấu hiểu Hà Nội lắm mới có thể nói được nỗi lòng chung của tất cả người dân Hà Nội. Quả sấu tuy chẳng phải cao lương mĩ vị gì, cũng chẳng phải thức ăn bổ béo hàng ngày. Nhưng không một người Hà Nội nào lại không từng uống một bát canh rau muống dầm sấu, uống đến đâu, thấy những oi bức ngột ngạt của thành phố tan biến đi đến đó.

Tôi vẫn nghĩ, quả sấu là một món quà tuyệt diệu mà tạo hóa ban tặng cho Thủ đô. Quả ô mai sấu vừa ngọt vừa giòn từ lâu đã trở thành thứ quả bình dân được người Hà Nội yêu thích nhất; và cũng là món quà quý gửi bạn bè, người thân ở phương xa. Chẳng thế mà mỗi mùa sấu đến, nhiều gia đình Hà Nội lại tỉ mẩn đóng đóng, gói gói dăm ba cân sấu, gửi tàu xe hoặc máy bay chuyển đi biếu bà con họ hàng ở xa.

Có đi vào Sài Gòn, mới biết người miền Nam trân trọng món quà biếu đó như thế nào. Dẫu một cân sấu chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng với những người thực sự biết thưởng thức, thì vị ngon của nó là một thứ không thể tính bằng tiền; và cái tình, cái công của người gửi mới đáng quý làm sao.

Bây giờ, những người làm nghề hái sấu ở Hà Nội chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đã có một thời, trẻ lang thang ở Hà Nội sống bằng nghề hái sấu; đã có một thời, cái cụm từ "kẻ trèo me, hái sấu" được dùng với nghĩa miệt thị những người nghèo. Bây giờ cụm từ "trèo me, hái sấu" cũng đã đi vào quên lãng. Nhưng những con đường rụng vàng lá sấu, hay vị chua chua mát mát của cốc nước sấu uống vội trong cơn khát sẽ là những ký ức không dễ quên của bất cứ người Hà Nội nào.

Qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, những hàng sấu vẫn đứng hiên ngang dọc phố Phan Đình Phùng, để nhuộm vàng vỉa hè mùa lá rụng, để xoa dịu lòng người trong những ngày hè oi bức, để rì rầm kể với gió những câu chuyện về Hà Nội mỗi buổi bình minh…

Nếu Phan Đình Phùng có sấu thì Lò Đúc có cây sao đen. Những cây sao đen  ở Lò Đúc cũng đã trở nên già cỗi theo thời gian, không còn cái vẻ mượt mà, Lò Đúc vẫn là cái tên đầu tiên gợi ra trong trí nhớ của những người yêu Hà Nội khi nghĩ tới loại cây này.

Trước năm 1945, thực dân Pháp đặt tên cho phố Lò Đúc là Rue de L'Abattorie, rồi lại được đổi thành Armand Rouseau. Đó là con phố duy nhất trồng sao đen ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. 50 cây sao đen mọc thẳng vút lên trời cao, với những tán um tùm đã từng là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò. Cái tên "phố cò ỉa" cũng từ đó mà ra. Mỗi buổi chiều hè, khi ánh mặt trời bắt đầu vàng vọt, những con cò đi kiếm ăn từ các đầm hồ bay trở về tổ rợp cả góc phố Lò Đúc.

Những người già sống ở Lò Đúc đều không thể quên cái thời mình chỉ là những đứa bé mặc quần đùi, đi chân đất, cầm rổ chạy dọc phố để lượm lặt những con cá, con tôm mà cò mẹ đi kiếm ăn về lỡ đánh rơi. Phố Lò Đúc khi ấy lúc nào cũng trắng xoá phân cò. Người dân ở đây đã quen việc đi bộ trên đường với cái đầu lốm đốm một ít… phân cò. Nhưng đó dường như là thương hiệu của con phố này, chẳng ai than phiền về điều đó.

Sau những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, còi báo động hú suốt ngày đêm, đàn cò ở Lò Đúc rủ nhau bỏ đi và không bao giờ quay trở lại. Không còn bị làm phiền bởi nạn cò ỉa, nhưng những người dân ở Lò Đúc vẫn ngậm ngùi vì mất đi một thứ vốn dĩ đã quá quen thuộc với cuộc sống của mình.

Những con phố lâu đời nhất ở Hà Nội đều gắn với một loài cây. Lý Thường Kiệt có cây cơm nguội. Đường Hoàng Diệu lừng lững những tán xà cừ cổ thụ. Đường Điện Biên Phủ bí ẩn với những gốc đa hàng trăm tuổi, còn đường Hùng Vương thì lại thơ mộng với hàng hoa ban tím được mang về từ đất Tây Bắc xa xôi. Nếu những cây liễu đem lại sự mềm mại, thướt tha cho hồ Gươm, thì hàng sao đen thẳng tắp khiến phố Lò Đúc lúc nào cũng có vẻ nghiêm trang, kín đáo.

"Đi lạc" dưới những hàng cây này, là cách nhiều người Hà Nội chạy trốn khỏi thế giới ồn ào, náo nhiệt, để lấy lại sự thanh thản cho tâm hồn đang mệt mỏi, lấy lại sức sống cho những cái đầu đã cạn kiệt ý tưởng và sự sáng tạo… để có đủ can đảm quay trở lại đời thực và cháy hết mình cho đến cuộc đào thoát tiếp theo.

Nếu không có những hàng cây xanh xòe bóng mát giữa buổi trưa hè khắc nghiệt, Hà Nội hẳn sẽ không còn dáng vẻ của một thành phố trầm mặc, cổ kính. Nếu chỉ có những con đường khói bụi, ngột ngạt mà thiếu đi sự tươi mát của những hàng cây, Hà Nội sẽ chẳng khác gì một người con gái không có tâm hồn. Nếu không có "Hà Nội ơi, xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm/ cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng..." thì những bài hát về Hà Nội liệu có khiến trái tim những người xa Hà Nội bồi hồi, run rẩy với bao nhiêu nỗi nhớ?

Nơi khởi đầu cho những con đường cây

Nhắc đến cây xanh Hà Nội, không thể không nhắc đến cây đa cổ thụ lớn nhất Đông Nam Á trong sân Báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống; rồi cây bồ đề do Thủ tướng Ấn Độ tặng Hồ Chủ tịch, được lấy từ một nhánh của cây bồ đề tổ nơi Phật Thích Ca đắc đạo, giờ được trồng trong chùa Một Cột. Nhưng trước khi người Pháp đô hộ, Hà Nội không có những con đường cây xanh đẹp như bây giờ. Hầu hết cây xanh Hà Nội đều được trồng trong 100 năm trở lại đây. Suốt những năm tháng nắm quyền cai trị Thủ đô, người Pháp không ngừng tiến hành công cuộc đô thị hoá của mình, trong đó có việc trồng lên những hàng cây xanh tuyệt vời.

Vườn Bách thảo từ một khu vườn hoang ở phường Khán Văn, cây cối mọc um tùm, được người Pháp quy hoạch thành một vườn thảo mộc, với nhiệm vụ cung cấp cây xanh cho toàn TP Hà Nội. Vì thế, hầu hết những cây cổ thụ trăm năm tuổi đang ngày ngày xòe tán rộng hơn trên khắp các con phố đều được sinh ra ở đây.

Bà Nguyễn Thị Thạch (Giám đốc vườn Bách thảo Hà Nội) cho biết: "Ông Le-marie, Giám đốc đầu tiên của vườn Bách thảo chính là người có công đưa những loại cây quý, hiếm trong và ngoài nước về đây, biến nơi đây trở thành khu vườn có hệ thực vật đa dạng như hôm nay". Những hạt giống tốt nhất đã được chọn về đây, được chăm sóc kĩ lưỡng và khoa học nhất. Qua năm tháng, những hạt mầm được ươm tại đây mọc thành những cây con và cuối cùng trở thành những cây cổ thụ lực lưỡng trên các đường phố.

Có thể nói vườn bách thảo là khu vườn cổ xưa nhất và nhiều cây xanh nhất Hà Nội, nhưng cũng là nơi ít biến đổi nhất thành phố. Qua nhiều năm, khu vườn này vẫn giữ nguyên hình hài, dáng vẻ của nó; là nơi bất cứ người Hà Nội nào dù xa quê mấy chục năm, vẫn có thể nhận ra những nét thân quen một thuở. Tuy không còn là nơi ươm giống cây để cung cấp cho toàn thành phố, nhưng vườn Bách thảo Hà Nội vẫn là lá phổi xanh lớn nhất, là khu vườn đẹp nhất của Hà Nội; là nơi bắt đầu cuộc hành trình của màu xanh Hà Nội

Nguyên Mộc
.
.
.