Ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em

Thứ Hai, 16/06/2014, 12:31
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, toàn quốc phát hiện 4.723 vụ xâm hại trẻ em, tăng 370 vụ gồm 5.204 đối tượng, xâm hại 5.026 em. Trước tính chất, mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các cơ quan chức năng để  tìm ra nguyên nhân, giải pháp nhằm giảm thiểu những nỗi đau cho con trẻ trong thời gian tới...

Những con số giật mình

Trẻ em còn non nớt cả về thể chất và trí tuệ, cộng với khả năng tự vệ chống lại các hành vi xâm hại yếu ớt, do đó bọn tội phạm lợi dụng yếu tố này để xâm hại các em. Trong phần phân tích nguyên nhân, chúng tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em (tăng lên 502 vụ đến mức báo động). Đối tượng thực hiện hành vi đa số có mối quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân. Đó là hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, anh em, thậm chí là bố đẻ, bố dượng. Chính vì thế mà không mấy gia đình cảnh giác, đề phòng trước những đối tượng này. Nạn nhân thường là các cháu nhỏ không có đầy đủ khả năng để tự bảo vệ mình, trước sự xâm hại của các đối tượng, cũng như trước pháp luật. Nhiều cháu vì bị đối tượng đe dọa nên đã giấu gia đình và mặc nhiên trở thành nạn nhân của hành vi xâm phạm tình dục trong thời gian dài.

Thêm vào đó, trong các vụ án, gia đình cũng ít có sự quan tâm đến con cái mình, cũng như những biểu hiện không bình thường của con cái. Nhiều vụ việc diễn ra trong một thời gian dài gia đình cũng không hay biết, chỉ đến khi con gái mang thai gần đến ngày sinh, cha mẹ mới tá hỏa mang con đến cơ sở y tế thì đã quá muộn. Môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại tình dục. Những ấn phẩm đồi trụy, Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm… cùng các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội đã tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận lớp trẻ.

Nhiều mục tiêu cụ thể quan trọng trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2008 – 2010 thực hiện chưa đạt, đạo đức và lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận người dân dẫn đến hành vi phạm tội; công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn nhiều tồn tại, đặc biệt là công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường, cửa hàng Internet còn lỏng lẻo. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm của các cơ sở hoạt động kinh doanh này còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, do tâm lý của người Á Đông thường kín đáo, không muốn nhiều người biết chuyện đời tư nên các vụ hiếp dâm cũng như xâm hại tình dục trẻ em ít bị gia đình tố cáo. Họ sợ ảnh hưởng đến tương lai con gái khi tất cả mọi người đều biết. Điều này đã dẫn đến hậu quả là nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Mặt khác, trong một số trường hợp, khi bị hiếp dâm, do xấu hổ nên nạn nhân không tố cáo (tự dàn xếp bồi thường...) hoặc sau khoảng thời gian dài, nạn nhân mới dần trở lại trạng thái tĩnh tâm mới làm đơn tố cáo. Trong những trường hợp này việc thu thập chứng cứ cũng như xử lý rất khó khăn, phức tạp, mặc dù lực lượng Cảnh sát hình sự đã cố gắng điều tra, xác minh nhưng vẫn không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm.

Chung tay bảo vệ các em

Hằng năm, Cục Cảnh sát hình sự tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát PCTP mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, tội mua bán người và tệ nạn xã hội trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời mở các kế hoạch chuyên đề theo từng thời gian để đấu tranh ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.

Hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em đã được đẩy mạnh, tổ chức UNICEF Việt Nam đã hỗ trợ cho 3 địa phương là Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum xây dựng “Phòng điều tra thân thiện với trẻ em”... cử chuyên gia về lĩnh vực Cảnh sát phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, xâm hại tình dục. Các tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, ASEANpol và các tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ cho Cảnh sát Việt Nam truy bắt nhiều tội phạm, giải cứu, hỗ trợ cho nhiều trẻ em bị mua bán cũng như phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là phải làm tốt công tác phòng ngừa, không để các vụ án xảy ra, bởi sau mỗi vụ án lại có một nỗi đau, một tâm hồn trẻ thơ bị hủy hoại. Muốn như vậy thì bên cạnh lực lượng Công an, cả xã hội phải vào cuộc. Gia đình là nơi gần gũi nhất với các em. Cách tốt nhất là cha mẹ phải thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết. Và ở một chừng mực nào đó, cha mẹ cũng cần phải dạy con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Để phát hiện sớm các nguy cơ, nhằm can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục, lực lượng Công an cần phối hợp với các lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh, Đài truyền hình, các loại hình báo chí...

Qua hoạt động truyền thông, lực lượng chức năng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giúp mọi người có kinh nghiệm tự phòng ngừa tội phạm và khuyến khích người dân tham gia tố giác tội phạm, cung cấp kịp thời các thông tin tội phạm cho lực lượng Cảnh sát hình sự để có biện pháp điều tra, làm rõ...

Hiền - Hòa
.
.
.