Ngăn chặn tình trạng di tích bị xâm hại: Phải song hành cả Tuệ và Tâm
Công tác quản lý di tích hiện nay khá bề bộn, khi mỗi nơi một cách, làm ảnh hưởng tới di tích, mất cắp hiện vật, cổ vật của di sản. Cần tìm một mô hình hiệu quả, để áp dụng thống nhất trong cả nước, là điều được Bộ VH, TT&DL mong mỏi thông qua hội thảo về quản lý di tích tổ chức tại Hà Nội ngày 6/12.
Đúng như Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đặng Thị Bích Liên, sự thiếu rõ ràng trong quản lý di tích hiện nay, đã dẫn đến những vấn đề gây ồn ào dư luận, điển hình là việc đưa hòn đá lạ vào đền Hùng, hay đưa tượng Hồ Chủ tịch vào chùa, dù quy định không cho phép. Có nơi, còn đặt tượng Bác Hồ ngay cửa đình, đền hoặc để ở vị trí bên cạnh. Chính vì không có người chịu trách nhiệm nên vi phạm vẫn diễn ra. Đã đến lúc phải có người chịu trách nhiệm nhằm ngăn chặn vi phạm.
Đây cũng là vấn đề được các đại biểu bàn bạc sôi nổi. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý Di sản, tình trạng chồng chéo trong quản lý đang diễn ra: Quảng Ninh hiện nay có trách nhiệm quản lý 4 di tích lớn, nhưng địa phương nào có di tích cũng có BLQ nên mặc dù được gọi là trọng điểm nhưng lại không có “chân”. Nhiều di tích, tiền trên ban thờ do các cụ quản lý, còn tiền trong hòm công đức lại do chính quyền quản lý.
Việc phân cấp quản lý không rõ ràng, nên khi các vi phạm xảy ra, như ở chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, Sở VH,TT&DL Hà Nội dường như đứng ngoài cuộc, khi cho rằng, đã phân cấp quản lý cho địa phương, trong khi với Di tích quốc gia, Bộ VH, TT&DL còn phải vào cuộc. Hay đợt kiểm tra di tích đền Trần -
Di tích Quốc gia chùa Trăm Gian từng bị xâm hại vì sự thiếu hiểu biết của người quản lý. |
Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết, việc quản lý di tích còn nhiều bất cập, dẫn đến việc đưa thêm, hoặc di dời hiện vật ở di tích, khá dễ dàng, đặc biệt là di tích chưa xếp hạng. Có trường hợp sư trụ trì không muốn di tích được xếp hạng, vì bị quản lý chặt,...
Ông Nguyễn Thế Chính - Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Giang cho rằng, văn bản mà Bộ VH, TT&DL xây dựng chưa có căn cứ pháp lý hướng dẫn để quản lý di tích, chưa có hướng dẫn bài trí trong di tích. Trong khi ở Bắc Giang đang nhức nhối việc đưa đồ thờ mới vào di tích, tới 30%, rồi thờ Hồ Chủ tịch, anh hùng liệt sĩ trong chùa, thậm chí, đưa cả Phật Bà quan âm trắng vào chùa, làm phá vỡ không gian cổ kính. Đa phần người cung tiến có chức quyền, hay quen biết, nên BQL khó lòng từ chối. Hiện có BQL cấp tỉnh, huyện, xã, có nơi lại có cả BQL cấp thôn, nhưng trách nhiệm chưa rõ ràng.
GS. Trần Lâm Biền cho rằng, với di sản văn hóa, hiện chúng ta vẫn bị ám ảnh là gắn với tín ngưỡng tôn giáo, nên ứng xử theo kiểu tín ngưỡng nhiều hơn là di sản văn hóa, nên đã có nhiều sai lầm. Vì thế, dù có phân cấp thì vẫn phải thống nhất từ trên xuống và lãnh đạo cấp trên có trách nhiệm chung với di sản. Vụ việc ở Đường Lâm hoặc chùa Trăm Gian gây náo động từ Bộ xuống địa phương, nên không thể giao trách nhiệm theo kiểu khoán trắng.
Cũng cần phân định rõ ràng BQL trực tiếp là ai, trách nhiệm và quyền lực thế nào, nếu không thì chỉ có tính hình thức. Chính vì nhầm lẫn về chủ nhân của di sản, dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo, khiến di tích bị thay đổi kiến trúc. Nhiều người dân đã thốt lên: trước đây đến chùa của làng, như đang về nhà mình, nhưng nay, chùa của sư, của người khác, không còn là của chúng tôi nữa.
Hiện nhiều người quản lý lễ bái trong di tích lầm tưởng họ là chủ nhân, nên đứng bên ngoài pháp luật, coi thường việc xếp hạng di tích, dẫn đến tu bổ méo mó theo ý thức chủ quan của họ. Do không hiểu biết, nhiều chùa xây bình phong, là đi ngược lại tính chất, giáo lý Phật giáo. Đang có hiện tượng “hảo tự, ố tăng” (chùa càng lớn, sư càng dễ sa đọa). Vì thế, để bảo vệ di tích, phải song hành giữa Tuệ và Tâm. Nếu chỉ Tâm mà không có Tuệ thì dễ mù quáng.
Tình trạng lầm lẫn quyền chủ nhân di tích khiến nhiều tượng cổ bị mất, mà không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, khi lập hồ sơ di tích phải xác định cái gì quý giá và giao cho người cụ thể chịu trách nhiệm.
GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh: chúng tôi đã nói với sư ở chùa Dâu, Bắc Ninh rằng nếu 3 pho tượng ở chùa mà mất thì sư nên bỏ chùa mà đi. Nhưng tôi vẫn cứ ngờ rằng chính chúng tôi nói 3 pho tượng ấy quý nên người ta đem bán mất. Do vậy, giờ đi đâu, thấy tượng có giá trị, chúng tôi cũng không dám nói, mà chỉ dặn riêng người quản lý di sản rằng cái này, cái kia rất quý phải gìn giữ. Ở chùa Vàng (Gia Lâm) những tượng cũ đã bị thay một dàn tượng mới, dù tượng cũ rất quí. Đến khi được giải thích, dân mới hiểu và đem tượng cũ trả lại.
Do vậy, điều đầu tiên cần phải quan tâm là hiểu và quản lý di tích như thế nào. Dù có văn bản, chỉ thị khuyến cáo không được đưa tượng Phật quan âm trắng, Phật di đà vào thờ mới trong chùa, mà không giải thích cho dân hiểu những tượng này là biểu hiện của sự cứu rỗi, thì cũng khó. Hay tượng trong di tích nhỏ nhưng đầy đủ chân tay, còn tượng bán thân chỉ đặt tưởng niệm, nhưng nhiều di tích vẫn đặt lên bàn thờ. Nhiều di tích không hiểu là mỗi loại hình cần phải bày biện thờ cúng riêng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý di tích gặp nhiều khó khăn là do năng lực, kiến thức của người trông nom di tích còn yếu. Do vậy, cần chuẩn hóa cán bộ quản lý di sản, đội ngũ trực tiếp trông nom và quản lý di tích, cũng như phải có chế độ cụ thể để ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm của họ với di tích