Đà Nẵng:

Ngăn chặn hủy diệt thủy sinh vật vùng rạn san hô

Thứ Hai, 16/06/2014, 11:56
Vùng biển Đà Nẵng có khoảng 105ha rạn san hô, chủ yếu phân bố ở khu vực nam bán đảo Sơn Trà, đây là nơi sinh sống của các loài thủy sinh vật gần bờ có giá trị kinh tế cao: như tôm hùm giống, cá mú, cá dìa… Tuy nhiên, những năm gần đây thủy sinh vật tại vùng biển này đang dần cạn kiệt, do sự khai thác quá mức bởi ngư dân…

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng vừa thực hiện điều tra nghiên cứu nguồn giống của một số nguồn lợi thủy sinh vật, chủ yếu liên quan đến rạn san hô vùng ven bờ Đà Nẵng, để đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, hiện vùng rạn san hô ven bờ ở khu vực biển nam bán đảo Sơn Trà có 14 loại cá giống có giá trị kinh tế cao thuộc 3 họ, 1 bộ. Trong đó, họ cá mú (serranidae) có 8 loài, học cá dìa (siganidiae) có 3 loài, họ cá hồng (lutjanidae) có 3 loài… Loài cá mú nơi này có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng, nên ngư dân tìm kiếm đánh bắt và không chọn lọc kích cỡ khiến nguồn cá giống họ cá mú đang ngày càng ít đi; nhất là những con cá lớn bị ngư dân đánh bắt sẽ hủy diệt nguồn cá giống.

Bên cạnh đó, vùng rạn san hô ven biển Đà Nẵng còn có tôm hùm với chủng loại khá phong phú như: tôm hùm xanh chân trắng, tôm hùm bông, tôm hùm tre, tôm hùm đỏ, tôm hùm xanh chân dài, tôm mũ ni đà, tôm mũ ni đỏ… Đây là nguồn lợi thủy sản có giá trị lớn trên thị trường. Nhưng, ngư dân đánh bắt chỉ bán được loại tôm có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm bông, tôm hùm xanh chân ngắn, tôm hùm tre; còn những loại tôm hùm khác đánh bắt được họ đều vứt bỏ và phần lớn số này đã chết, làm hủy diệt nguồn giống đa dạng.

Để bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sinh vật ven bờ, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh cơ cấu nghề và ngư cụ khai thác tôm hùm giống, cải tiến kỹ thuật khai thác và lưu giữ con tôm hùm giống, phục hồi hệ sinh thái và tạo sinh cư bằng cách thả rạn nhân tạo tạo ra những hang hốc và sinh cảnh phù hợp cho nguồn giống thủy sinh vật cư trú, sinh sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và khai thác bền vững nguồn lợi, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái trong khu vực bán đảo Sơn Trà, nâng cao chất lượng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng, quy hoạch và xây dựng, cấp phép cho vùng khai thác, quy định đối với nguồn cá giống tại khu vực bán đảo Sơn Trà…

Theo TS Võ Văn Quang, Viện Hải dương học Nha Trang: Vịnh Đà Nẵng và khu nam bán đảo Sơn Trà tập trung các rạn san hô ven bờ, là nơi sinh sống của các loại giống thủy sinh vật. Nếu phát triển du lịch quá mức ở khu vực này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của rạn san hô. Vì vậy, cần có những giải pháp tích cực bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường nước biển khu vực này khi chưa quá muộn

Viết Nam
.
.
.