Ngăn chặn 'cát tặc' trên sông Hồng

Chủ Nhật, 03/05/2015, 09:26
Cuối tháng 4/2015, Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã liên tiếp bắt giữ, xử lý 14 vụ/30 đối tượng; tạm giữ 16 tàu, thuyền hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng…
Nhằm tăng cường công tác phòng chống tội phạm (PCTP) khai thác cát trên đường thủy, đồng thời thực hiện Kế hoạch số 80/KH-CAHN-PV11 ngày 26/3/2015 của Giám đốc Công an TP Hà Nội về tổng kiểm tra, xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố, tổ công tác đặc biệt gồm Đội 3, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường; Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Công an các quận, huyện Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Gia Lâm… tuần tra từ 20h đến 4h sáng hôm sau. Hơn 10 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên mật phục, bắt quả tang 16 tàu, thuyền đang tổ chức hoạt động khai thác cát từ lòng sông Hồng, sông Đuống lên khoang tàu. Thu giữ hàng trăm mét khối cát, thu 14 đầu nổ cùng sên vòi hút.

Điển hình, trong một đêm tại địa bàn quận Long Biên, tổ công tác đặc biệt đã bắt giữ vụ 4 vụ/8 đối tượng có liên quan đến khai thác cát trái phép trên sông Đuống, tạm giữ 4 tàu, thuyền. Các lái tàu gồm: Nguyễn Văn Duy, trú tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội); Đào Văn Viễn, trú tại  TP Bình Giang  (Hải  Dương); Nguyễn Văn Chung, trú tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh); Nguyễn Thị Mỵ, trú tại Việt Yên (Bắc Giang).

Tất cả lái tàu này đều  không có bằng thuyền trưởng. Đặc biệt, trong 4 lái tàu có một chủ tàu là nữ. Theo Nguyễn Thị Mỵ, gia đình ăn, ở sinh hoạt luôn trên tàu, số cát hút trộm dưới lòng sông sẽ đem bán cho những người có nhu cầu để làm vật liệu xây dựng, với giá thành khoảng 19 đến 20 triệu đồng/m³.

Trung tá Nguyễn Khắc Hòa, cán bộ Đội 3 cho biết, hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thời gian gần đây có nhiều diễn biến mới phức tạp. Ngoài tập trung đấu tranh đối tượng lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp danh khai thác cát trái phép, còn đấu tranh đối với đối tượng lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản, nạo vét luồng đường thủy, tận thu sản phẩm trên sông để khai thác cát trái phép, khai thác ngoài phạm vi, vượt khối lượng được cấp phép…

Cơ quan Công an kiểm tra tàu hút cát trái phép.

Theo đó, cuối tháng 4, tổ công tác đặc biệt bắt quả tang 5 vụ, gồm 7 tàu đang tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.Các lái tàu gồm: Lái tàu hút, số hiệu HT-0641: Nguyễn Hoàng Sơn, trú tại huyện  Ba Vì  (Hà Nội); lái tàu hút, số hiệu BN-1027: Nguyễn Văn Tuyên, trú tại Lạng Giang (Bắc Giang); lái tàu sang mạn không số: Nguyễn Văn Đỉnh, trú tại Kim Sơn  (Ninh Bình); lái tàu chở hàng, số hiệu NĐ-0069: Nguyễn Văn Đỉnh, trú tại Thuận Thành (Bắc Ninh); lái tàu sang mạn không số: Phạm Văn Luân, huyện Hải Hậu - Nam Định; lái tàu chở hàng, số hiệu BN - 1139: Trần Vy Quý, trú tại Gia Bình (Bắc Ninh); lái tàu sang mạn không số: Nguyễn Văn Sơn, trú tại Bắc Từ Liêm  (Hà Nội).

Những tàu hút, tàu sang mạn không số sẽ hút cát từ lòng sông lên các phương tiện tàu chở, mua cát đưa về các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình… tiêu thụ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ các phương tiện, công cụ liên quan đến việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng đưa về trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.

Thực tế hiện nay, nhiều tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ, phạt tiền xong lại tái phạm do mức lợi nhuận lớn từ cát. Việc lợi dụng địa hình sông nước, lại giáp ranh với nhiều tỉnh, thành phố, nên các đối tượng khai thác cát thường xuyên di động trên sông, không theo thời gian và địa điểm nhất định. Họ thường lợi dụng đêm tối để hoạt động nhằm cố tình né tránh sự kiểm soát của các đoàn kiểm tra.

Trên các phương tiện vi phạm phần lớn là những người làm thuê trực tiếp khai thác, chủ phương tiện thường vắng mặt, nên việc xử lý, tạm giữ phương tiện lâu ngày gặp nhiều khó khăn, tốn kém…; chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản còn thấp, chưa đủ sức răn đe - Trung tá Nguyễn Khắc Hòa cho biết thêm.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần sự quyết liệt hơn nữa của các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương, không để các đối tượng lợi dụng đặc thù giáp ranh để hoạt động.

M.Hiền
.
.
.