“Nếu em thi trượt kỳ thi ĐH này…”

Thứ Ba, 06/07/2010, 11:10
Kỳ vọng của gia đình, người thân, thầy cô giáo như một “khối nặng” trên lưng các sĩ tử vừa thi đợt 1 kỳ thi vào ĐH, CĐ năm 2010. Nỗi lo của các em sau kỳ thi chỉ là: Gia đình có hiểu, thông cảm nếu các em thi trượt. Và những “ngã rẽ” nếu sĩ tử hỏng thi ĐH…

Thí sinh Lý Văn Thanh dự thi vào trường Đại học Kiến trúc.

1. Kỳ thi đại học đợt 1 đã kết thúc. Nhận định chung của nhiều thí sinh, để có được điểm khá giỏi không phải dễ. Đây cũng là đánh giá của Bộ GD-ĐT về cách ra đề trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2010. Theo đó, đề thi sẽ có những phân khúc nhằm phân loại học sinh ở sức học trung bình, khá và giỏi.

Thí sinh Lý Văn Thanh, học sinh lớp 12A2, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đăng ký thi vào trường Đại học Kiến Trúc tại hội đồng thi trường THCS Lê Quý Đôn thì không quá đặt niềm tin vào bài làm của mình: “Đề thi có nhiều bất ngờ cho bản thân em dù không quá khó. Tuy nhiên, em đã định hướng trước cho mình, nếu lần thi này không đậu, năm sau em sẽ tiếp tục dự thi”.

Đối với các sĩ tử vừa tốt nghiệp THPT, vì thời gian dành để ôn bài chỉ có 1 tháng sau khi thi tốt nghiệp, bấy nhiêu thôi chưa đủ để trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất cho kỳ thi quyết định này. “Đây là kỳ thi để em lấy kinh nghiệm, biết được cảm giác vào phòng thi và quy cách thi. Nếu có cơ hội, năm tới em sẽ đặt hết kỳ vọng cho năm sau”.

Đi thi Đại học, đằng sau mỗi thí sinh là kỳ vọng rất lớn của gia đình, họ hàng và thầy cô. Mỗi khi bước đến phòng thi, bước chân nghe nặng nề hơn, tim đập mạnh hơn. Áp lực này chỉ tạm giải tỏa sau khi các em hoàn tất 3 môn thi. Dù kết quả có thể không như mong muốn.

Nhưng ngay sau đó là nỗi lo về kết quả thi. Thí sinh Thanh tâm sự: “Mong rằng gia đình, mọi người đừng đặt quá nhiều hy vọng vào chúng em và thông cảm cho bản thân em cũng như các bạn nếu kết quả thi không như mong muốn”. Thanh ngừng lại, nhìn ra xa, như lảng tránh như ngẫm ngợi về tương lai của mình.

2. Đó là giấc mơ. Có những giấc mơ cháy bỏng nhưng rất giản dị là mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp. Thí sinh Phạm Thị Thanh Tâm (Đồng Nai) và Phan Thị Tâm (TP HCM) gặp nhau khi cùng mang một giấc mơ đến phòng thi. Cả 2 đều thi vào trường Đại học Sư phạm TP HCM, khoa Sư phạm Mầm non.

Thí sinh Phạm Thị Thanh Tâm (Đồng Nai) và Phan Thị Tâm (TP HCM) cùng thi mang ước mơ trở thành giáo viên dạy trẻ trong kỳ thi này (từ trái qua).

Những ngày làm hồ sơ dự thi, các em ấp ủ hình ảnh cô giáo trẻ mặc tà áo dài thướt tha, xung quanh là những đứa trẻ với những câu hỏi tò mò. Ước mơ này chỉ đơn giản vì cả 2 em đều rất thích trẻ em vì bọn chúng hồn nhiên, vô tư và rất đáng yêu.    

Sau khi hoàn tất bài thi, cả hai đều nhận xét, có nhiều công thức các em chưa từng học tới. Đưa ra nhận định về kết quả đáp án với bài làm, hai thí sinh cùng tên Tâm ước chừng chỉ đúng được dưới 50%.

Mang chung một ước mơ đến phòng thi, hai thí sinh này còn có những chiến lược thi tương đồng nhau. Ở đợt thi lần 2, các em đều đăng ký dự thi vào trường Đại học Y Dược TP HCM và cùng ngành điều dưỡng. Bởi thế, ngay từ buổi đầu gặp mặt và trò chuyện, hai thí sinh cùng tên Tâm cứ như những người bạn tri kỷ.

Chia tay nhau ở kỳ thi không mấy thành công vào trường Đại học Sư phạm, hai nữ sinh hẹn gặp lại nhau ở đợt thi tới. Toan tính, dự định là vậy, thế nhưng, cả 2 đều đã chuẩn bị cho mình những ngã rẽ của cuộc đời.

Với thí sinh Phạm Thị Thanh Tâm (Đồng Nai), nếu thất bại ở 2 kỳ thi, em sẽ về quyết dồn hết tâm trí để “chiến đấu” ở kỳ thi vào trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh nhà. Riêng em Phan Thị Tâm (TP HCM) cố gắng làm bài thi thật tốt và đặt hy vọng, nếu không đậu được Đại học Y Dược thì một cơ hội nhỏ nhoi sẽ được chuyển điểm đậu ở hệ Trung cấp của trường. Chỉ đơn giản, cả 2 sĩ tử đều nhận thức rằng, chỉ có tri thức mới là chìa khoá mở cánh cửa vào cuộc đời.

3. Trước giờ thí sinh hoàn tất bài thi môn Hóa, chúng tôi có dịp trò chuyện với phụ huynh Trần Văn Đen (Long An), đang đợi con gái đang thi tại hội đồng thi trường THCS Lê Quý Đôn trên đường Võ Văn Tần. Anh Đen cho biết, năm nay đứa con gái út của anh đăng ký dự thi vào trường Đại học Kiến trúc.

Thí sinh Nguyễn Thị Kim Hằng ước mơ trở thành nhà nghiên cứu Vật lý.

“Gia đình chỉ có 3 người con, cả hai đứa đầu đều đã học xong và thành tài, duy còn một đứa, tui cũng ráng lo cho nó đến nơi đến chốn dù hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khá giả gì”, anh Đen trần tình. Niềm vui lớn nhất của gia đình anh Đen là 2 môn đầu đứa con gái thi xong và dò đáp án đều thấy đúng được trên 60%. Thế nên, thoáng thấy cánh cửa trường Lê Quý Đôn sắp mở, phụ huynh Trần Văn Đen cứ nhấp nhỏm “đứng ngồi không yên” ngóng con gái ra để báo kết quả thi.

Bên hàng rào của cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, một cô gái xinh xắn, đôi mắt sáng long lanh đang dõi theo những con số trên tờ giấy đáp án vừa mua được. Bắt chuyện, thí sinh này cho biết mình tên Nguyễn Thị Kim Hằng (Tân Phú, Đồng Nai), vừa thi xong vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên. So sánh với đề thi năm trước, Hằng nhận định, có vẻ khó hơn và mang tính tư duy cao hơn.

Đặt hết hy vọng vào môn Lý, Hằng học bài kỹ nhất trong số các môn còn lại nhưng kết quả bài làm không như mong muốn. Ước mơ của Hằng là phải cố gắng đậu vào ngành Vật lý của trường. Bao hoài bảo gần như đã khép lại sau một kỳ thi khi đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT phát hành.

Hằng cho biết, trước mắt chỉ còn một kỳ thi vào trường Cao đẳng, và đây sẽ là cơ hội cuối cùng của mùa thi năm nay để chinh phục con đường học vấn. Tuy nhiên, “trường hợp xấu nhất, có lẽ em sẽ đi học Trung cấp thuộc khối ngành Tài chính Ngân hàng”, thí sinh Nguyễn Thị Kim Hằng cho biết thêm.

Khi hỏi về sự kỳ vọng của gia đình trước ngày lên Sài Gòn để dự thi, một thoáng u buồn trên đôi mắt, gằng giọng, Hằng mới có thể tâm sự: “Trước khi thi, em đã làm công tác tư tưởng cho gia đình, cho bố và mẹ. Em biết sức học của mình có hạn, sẽ rất nỗ lực vào kỳ thi nhưng kết quả đến đâu thì hay đến ấy. Có thể, bố và mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho em nếu lỡ không đậu trong lần thi này”

Đỗ Hưng
.
.
.