Nét buồn trong du lịch cố đô

Thứ Sáu, 07/07/2006, 10:00
Khi đoàn chúng tôi đến lăng Minh Mạng thì nhân viên quản lý các phần di tích ở bên trong mới uể oải mở cửa và xem chừng không hào hứng lắm.

Đến Huế mà không vào xem Đại nội, các lăng vua nhà Nguyễn thì coi như chưa tới Huế. Thời gian không nhiều, chúng tôi đã chọn thăm lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Tự Đức và Đại nội. Trời nắng chang chang, nhưng ai cũng háo hức được sớm vào xem các công trình rất nổi tiếng đó. Đầu tiên là lăng Minh Mạng. Quá 7h sáng mà sao vẫn vắng hoe, vắng hoắt. Giá vé làm chúng tôi hơi bị bất ngờ: 30.000 đồng/vé.

Có ai đó kêu lên: "Với giá vé cao như thế này làm sao người dân lao động bình thường vào tham quan nổi". Tính ra, chỉ cần đi xem 3 lăng thôi tiền mua vé cho một người đã 90.000 đồng. Nếu đi Đại nội nữa (mà chắc chắn có) thì số tiền mua vé phải cộng thêm 35.000 đồng, vị chi là 125.000 đồng.

Các hiện vật cũng không đặt bảng giới thiệu cho du khách tự đọc tìm hiểu. Bù lại, ở lăng Khải Định và lăng Tự Đức thì người tham quan khá tấp nập và các hiện vật đều có bảng giới thiệu rõ ràng. Không có người giới thiệu, chúng tôi vẫn nắm được những điều cốt yếu về các công trình, các hiện vật lịch sử.

Đến Huế, tôi bị ám ảnh nhiều hai câu thơ của Thu Bồn: "Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu". Chiều sâu của Huế có trong nhiều tầng vỉa văn hóa mà ca Huế là một đóng góp đặc sắc, riêng biệt, nhiều ấn tượng. Ca Huế "sinh ra" từ sông Hương, là một bộ phận của sông Hương, đẹp và buồn như dòng sông trong xanh phẳng lặng này.

Ca Huế thoát ra từ tâm hồn con người Huế, nhẹ nhàng mà sâu lắng, kín đáo mà đa cảm. Giữa người ca, người thưởng thức (tôi không muốn dùng từ người nghe) và sông Hương phải có mối giao hòa, đồng cảm mới tôn nâng được cái hay, cái đẹp của ca Huế. Với cảm nhận như thế, tôi lâng lâng bước xuống thuyền...

Không phải là chiếc thuyền nan có mái chèo gỗ nhẹ nhàng cắt nước trôi bồng bềnh trên sông Hương vắng vẻ như tôi đã từng hình dung qua thi ca. Không phải là một tấm chiếu cói sạch sẽ khách chủ cùng ngồi quanh bầu rượu, ấm trà thanh đạm. Cung đàn rung lên. Giọng ca bay lên. Xưa cũ như sông nước nghìn năm…

Một chiếc du thuyền khá lớn nổ máy ầm ĩ từ từ rời bến. Trong lòng thuyền đặt mấy chiếc ghế nhựa cho khách ngồi riêng. Trước mặt, có một chiếc bàn nhỏ bày ra mấy lon bia và nước giải khát.

Cứ như một cái quán xềnh xoàng trên bờ. Ra giữa sông, thuyền tắt máy. Cuộc ca bắt đầu. Nhóm chơi nhạc cụ ngồi một bên, nhóm ca ngồi một bên và "khán giả" thì mỗi người một ghế yên vị. Tôi thấy giữa người ca và người nghe cứ tách bạch ra, khó giao hòa, khó đồng điệu. Người ca hình như muốn "diễn" cho xong việc, vì vậy giai điệu lời ca cứ nhẹ tâng ít truyền cảm lắm. Chúng tôi là những người cầm bút sáng tác văn thơ, tâm hồn đâu đến nỗi chai sạn nếu không muốn nói là khá nhạy cảm với những làn điệu dân ca trữ tình nhưng sao chẳng hề rung động mấy.

Ca Huế trên sông Hương như cái đêm hôm ấy theo tôi có cái gì đó chưa ổn, chất "thương mại" lấn át nghệ thuật, gọi là thú chơi tao nhã mà sao nó gượng gạo, xơ cứng quá. Có quá ít chất Huế truyền thống được thể hiện mà du khách chắc ai cũng muốn được thưởng thức, được đắm mình vào trong những dịp thế này.

Tôi biết người Huế thường sống kín đáo, chừng mực. Nhưng thú thực chúng tôi cũng có chút ngại ngần khi thấy vài gương mặt người đàn, người ca khá lạnh lùng. Cởi mở, chan hòa, đừng quá dè sẻn các nụ cười chắc sẽ làm cho khách và chủ gần gũi, dễ đồng cảm nhau.

Thêm một chi tiết nhỏ này nữa là khi vào thuyền ngồi nghe ca Huế, chúng tôi thấy mấy chục bông hoa hồng đặt ở giữa bàn. Chúng tôi cứ hồn nhiên cầm hoa lên tặng người đàn, người ca. Chương trình sắp vãn, có một cô bé (chắc là con chủ thuyền) ra nói nhỏ vào tai tôi: "Chú ơi, cho tiền hoa". 20.000 đồng cho một bông hoa hồng, cô thủ quỹ của đoàn chúng tôi rút tiền trả mà có vẻ cũng không vui lắm.

Trong "bữa tiệc" du lịch Huế vừa qua có mấy "hạt sạn" như thế. Là người yêu xứ sở núi Ngự, sông Hương, tôi muốn nhặt ra với lòng mong Huế sẽ sạch hơn, trong hơn, đẹp hơn. Để Huế mãi mãi là tình yêu của muôn người…

Nguyễn Hữu Quý
.
.
.