Né trạm cân, xe quá tải cày nát đường giao thông nông thôn

Thứ Tư, 08/07/2015, 08:04
Đầu tháng 5/2015, tỉnh Bình Dương thành lập trạm kiểm tra tải trọng số 39 tại khu vực cầu Tham Rớt trên QL13 (ấp 1, xã Trừ Văn Thố, huyện Bầu Bàng) thực hiện kiểm tra các loại phương tiện chở quá tải trọng từ tỉnh Bình Dương và ngược lại.

Theo một số thành viên trạm kiểm tra, trước khi lập trạm, tuyến QL 13 đã phải oằn mình khi mỗi ngày có hàng trăm xe ben, xe tải chở đầy đất đá, vật liệu xây dựng, gỗ cao su… qua lại. 

Từ ngày có trạm đến nay, lượng xe quá tải qua trạm cân là rất ít. Để không bị phạt, các tài xế xe tải đã né trạm, chạy vào các đường giao thông nông thôn nên nhiều đoạn đường ở cái xã Cây Trường, Trừ Văn Thố… đã bị cày nát. Nếu không có những giải pháp kịp thời, không chỉ những đường giao thông nông thôn trong khu vực này bị xe quá tải cày nát mà cả QL13 cũng sẽ bị xuống cấp do xe quá tải lưu thông qua đây là rất nhiều. 

Đi thực địa một vòng, chúng tôi thấy rằng do trạm kiểm tra tải trọng nằm cách bờ kênh thủy lợi Phước Hòa - hồ Dầu Tiếng khoảng 200m nên để né trạm các phương tiện chở quá tải từ hướng tỉnh Bình Phước về đã rẽ trái, chạy theo bờ kênh thẳng về địa bàn các xã An Linh, An Long, Phước Hòa... (huyện Phú Giáo) ra đường ĐT741. 

Nếu không muốn chạy đường này, tài xế chỉ cần đi khoảng 10km đường giao thông nông thôn qua địa bàn xã An Linh rồi rẽ phải ra khu vực ngã ba Trừ Văn Thố đến QL13. Nếu xe quá tải chạy từ hướng Bình Dương đi Bình Phước, đến khu vực ngã ba Trừ Văn Thố rẽ trái, đi qua địa phận ấp 2, 4 xã Trừ Văn Thố gặp đường bờ kênh thủy lợi theo đó ra thẳng QL13.

Xe ben chở quá trọng né trạm.

Còn một đường né trạm khác an toàn hơn (tuy có hơi xa) là từ ngã tư Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) chạy xe qua địa bàn các xã Minh Hòa, Minh Tân (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Rồi chạy ra đường Nguyễn Chí Thanh, thẳng về TP Thủ Dầu Một. Được biết xe quá tải chọn con đường này chủ yếu xe chở củi, cao su. Vật liệu xây dựng và các hàng nông sản có giá trị lớn.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ kênh thủy lợi Phước Hòa - hồ Dầu Tiếng khoảng 4km (khu vực ấp 1 xã Trừ Văn Thố), ông Trần Văn Thắng, một người dân ở ấp 1 bức xúc: “Từ ngày chưa lập trạm cân trên QL13, những hộ dân chúng tôi ở đây sống thật yên bình. Nay thì, ngày cũng như đêm, nhiều xe quá tải trọng thường xuyên chạy qua, mặt đường bị cày nát, đi lại rất khó khăn, nắng thì bụi mưa thì sình lầy. Nhiều đêm, đang trong giấc ngủ bỗng tiếng còi ôtô vang lên inh ỏi, tiếng máy xe gầm rú làm chúng tôi mất ngủ. Sợ nhất là trên đoạn đường này rất dễ xảy ra TNGT, tính mạng con người như treo trên đầu sợi tóc. Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn phản ánh với chính quyền địa phương nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “UBND xã đã gửi công văn kiến nghị với các ngành chức năng của tỉnh nhưng chưa nhận được trả lời”. 

Đưa mắt nhìn dòng nước chảy xiết dưới bờ kênh sau những trận mưa lớn đầu mùa, ông Thắng lắc đầu: “Sợ nhất là xe quá tải gây sạt lở bờ kênh, công trình hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước và dân đóng góp đang có nguy cơ bị xuống cấp, gây lũ úng cho người dân trong vùng”.

Làm việc với chúng tôi, một số Công an viên xã Trừ Văn Thố thắc mắc: “Từ trạm cân đến bờ đê kênh thủy lợi chỉ cách khoảng 200m, nhưng không hiểu vì sao xe quá  tải trọng vẫn ngang nhiên né trạm? Xe ben, xe tải to như vậy chẳng lẽ anh em ở trạm cân không nhìn thấy hay sao? Lực lượng tuần tra của trạm sao không thấy ngăn chặn. Những thời điểm bức xúc như vậy, lãnh đạo địa phương yêu cầu chúng tôi tự dựng barie trên đường để hạn chế việc đi lại của xe quá tải. Barie mới dựng xong liền bị cánh tài xế lén tháo dỡ. Cây cầu qua kênh thủy lợi chỉ chịu  được 13 tấn nhưng xe quá tải nặng 30 - 40 tấn vẫn cứ vô tư đi qua. Nếu để lâu ngày, cầu bị sập, giao thương giữa những người dân ấp 4, xã Trừ Văn Thố với xã Cây Trường sẽ gặp khó khăn”.

Để cứu những con đường giao thông nông thôn tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng lập đoàn kiểm tra liên ngành, chốt chặn ở những đường giao thông nông thôn để kiểm tra, xử lý hạn chế xe quá tải đi vào những con đường này.

Ngọc Ánh
.
.
.