Nâng cao năng lực và trách nhiệm cho đội ngũ nhà báo trong môi trường số
Bà Sasi-on, chuyên gia dự án Phát triển truyền thông của UNESCO tại khu vực Đông Nam Á đã đưa ra định nghĩa về đạo đức báo chí và khuyến cáo hậu quả từ những vi phạm về đạo đức báo chí. Bà Sasi-on cũng đưa ra 5 tiêu chuẩn về đạo đức báo chí để thích ứng với môi trường số gồm tính chính xác, tính độc lập, công bằng, tính bảo mật và nhân văn.
Báo chí phải vì lợi ích của công chúng. Đồng quan điểm này, ông Mogens Blicher Bjerregård, Chủ tịch Hội Nhà báo Liên minh châu Âu cũng đưa ra tiêu chuẩn về đạo đức báo chí với các tiêu chí: Chính xác, độc lập và minh bạch.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Khẳng định việc xây dựng và triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số là hết sức phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cũng thừa nhận ranh giới giữa cái đúng và cái sai trên môi trường mạng rất mong manh. Điều này đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình, với nghề nghiệp của mình.
“Môi trường số đang tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta, bao gồm nhà báo do vậy chúng ta phải biết được những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường số để khai thác hợp lý. Mỗi nhà báo nên nắm rõ 10 quy tắc đạo đức của người làm báo và quy tắc ứng xử trên không gian mạng để áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam” - Cục trưởng Cục báo chí chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng: Những năm gần đây, mặt trái của môi trường mạng đã tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trở thành vấn đề nhức nhối, báo động. Nhiều loại vi phạm đã được chỉ ra như: Thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, giật gân, câu khách; bỏ qua các nguyên tắc hành nghề, không kiểm chứng độ tin cậy, chính xác của nguồn tin; phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội; “nhà báo xa lông”, xa rời thực tiễn, ngại đi cơ sở, chỉ lấy thông tin trên mạng xã hội để viết bài ngày càng nhiều.
Hiện tượng nhà báo “hai mặt” làm nhiễu loạn hoạt động báo chí, họ viết bài trên báo chí với một nội dung, quan điểm, nhưng khi chia sẻ, đăng tải trên mạng xã hội thì lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Hơn lúc nào hết, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cần được những người làm báo tuân thủ nghiêm ngặt. Quy tắc đạo đức nghề báo của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở thống nhất với báo chí quốc tế và thực tiễn hoạt động của báo chí Việt Nam, đã trở thành la bàn dẫn đường cho nhà báo.
Thực hiện Điều 8 của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016, đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí. Ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã ký quyết định số 483 ban hành và tổ chức thực hiện quy định này. Như vậy từ 1/1/2017, cùng với Luật Báo chí 2016 thì Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Bên cạnh đó, sau khi ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội trong đó có 4 điều quy định khuyến khích sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 7 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp.
Theo Báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, kết quả hoạt động từ các tổ chức Hội trên cả nước cho thấy, việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.
Ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Với các quy tắc này, bản thân các nhà báo sẽ hiểu sâu sắc hơn về đạo đức nhà báo, các cơ quan báo chí cũng sẽ quản lý phóng viên, hội viên của mình tốt hơn, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam và tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí.
Đặc biệt, kể từ khi Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam có hiệu lực, đã có 11 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội đã phải chịu các hình thức kỷ luật của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp. Thường trực Hội đồng cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.
Để các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà báo thực sự đi vào đời sống, đặc biệt trong môi trường số, nhiều ý kiến đề xuất các cơ quan báo chí, Hội nhà báo các cấp cần tiếp tục chủ động tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo.
Truyền thông rộng rãi 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; thực hiện tập huấn, phổ biến bản quy tắc đến các chi hội nhà báo thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, buổi nói chuyện… để nâng cao nhận thức của những người làm báo về đạo đức báo chí.
Bên cạnh đó, đưa các học phần về đạo đức báo chí vào chương trình đào tạo báo chí của các trường đào tạo báo chí - truyền thông để nâng cao nhận thức của đội ngũ sinh viên báo chí - những nhà báo tương lai. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khen thưởng, tôn vinh những tấm gương đạo đức trong đội ngũ những người làm báo; Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý kỷ luật nhằm chấn chỉnh kịp thời những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên không gian số của nhà báo.