Nâng cao năng lực nhận diện các thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại mới

Thứ Hai, 12/07/2021, 06:47
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong khi đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả có thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.


Gia tăng hàng giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ

Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố tổ chức thanh kiểm tra 15.647 vụ; xử lý hành chính 13.369 vụ (tăng 6,18% số vụ xử lý hành chính so với cùng kỳ năm 2020); khởi tố 60 vụ đối với 92 đối tượng; trong đó, xử lý hành chính 2.205 vụ hàng cấm, hàng lậu; 717 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 10.447 vụ gian lận thương mại.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau. Trong khi đó, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra.

Hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Điển hình Công an thành phố đã khởi tố vụ án buôn bán khoảng 2 tấn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam; Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hà Nội khám phá vụ án buôn bán gần 40.000 sản phẩm phụ kiện cửa giả nhãn hiệu KIN LONG được bảo hộ tại Việt Nam...

Ở tuyến hàng không, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19, số chuyến bay hành khách giảm, nhưng lực lượng hải quan Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về hải quan.

Cụ thể, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, xử lý 595 vụ vi phạm pháp luật hải quan, với số tiền phạt nộp ngân sách 10,62 tỷ đồng, phát hiện, bắt giữ 9 vụ buôn lậu. Đặc biệt, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ vận chuyển trái phép ma tuý, thu giữ 157kg ma túy các loại (150,5kg ma tuý tổng hợp và các loại ma túy khác), trong đó có 12 vụ bắt giữ 27 đối tượng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Trường Giang, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó lường. Các đối tượng cất giấu ma túy qua tuyến đường này thủ đoạn ngày càng tinh vi như cất trong quà biếu, tân dược, sữa hộp… nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, ma tuý, Cục Hải quan Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt tập trung vào công tác phòng, chống ma tuý qua đường hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh.

Cục Hải quan Hà Nội đã xây dựng 4 chuyên án phòng, chống ma túy, trong đó đặc biệt là Chuyên án về phòng chống ma tuý từ châu Âu về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài do Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện 8 vụ, bắt giữ gần 127,5kg ma tuý các loại và 16 đối tượng thuộc 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh). Đây là những thành tích xuất sắc của Cục Hải quan Hà Nội trong công tác chống buôn lậu và phòng, chống ma tuý được lãnh đạo các cấp ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, thư khen.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ bằng nhiều thủ đoạn như thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hoá nên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2021, các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.

Tập trung kiểm tra mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm

Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 là khoảng thời gian các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường.

Do vậy, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội xác định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Đặc biệt, các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

“Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với tuyến, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; đồng thời nhận diện các mặt hàng mới và thủ đoạn mới để kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong thành phố, ở trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai…, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.

Lưu Hiệp
.
.
.