Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc

Thứ Ba, 16/07/2013, 21:30
Ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp".

Nghiên cứu do Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Viện Khoa học Lao động Xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thực hiện từ tháng 11/2012 – tháng 5/2013, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của ILO.

Kết quả khảo sát 243 người lao động, trong đó có 100 lao động hợp pháp đang làm việc ở Hàn Quốc, 98 lao động hợp pháp đã về nước và 45 lao động không có giấy tờ hợp pháp đã về nước đã cho thấy: Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú, làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc, gồm 4 nhóm chính.

Thứ nhất là do hạn chế về nhận thức, ý thức của nhiều người lao động Việt Nam. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc.

Thứ hai, nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc còn quá chặt chẽ, mất nhiều thời gian, tốn kém hơn so với sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp. 

Thứ ba, liên quan đến công tác tuyển dụng và quản lý lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, do thiếu các ràng buộc pháp lý giữa cơ quan phái cử lao động (Trung tâm Lao động ngoài nước - OWC) và người lao động. 

Thứ tư, nhóm các nhân tố liên quan đến môi trường và thể chế, chính sách và công tác quản lý lao động di cư của Hàn Quốc. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc thực thi chế tài xử phạt của Hàn Quốc chưa hiệu quả, chưa có tính chất răn đe đối với cả chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp và người lao động không có giấy tờ hợp pháp, do mức xử phạt còn nhẹ.

Nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị như: Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc; tăng cường các ràng buộc pháp lý đối với người lao động; tăng cường bộ máy quản lý lao động ở Hàn Quốc; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở Hàn Quốc trở về; thành lập Văn phòng đại diện của Trung tâm Lao động Ngoài nước tại Hàn Quốc để trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc trong quản lý lao động ở Hàn Quốc, cũng như kịp thời hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc, tranh chấp của lao động Việt Nam ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý lao động Việt Nam ở Hàn Quốc

Hải Châu
.
.
.