Nạn nhân duy nhất trong vụ tai nạn máy bay ở Hòa Lạc hồi tháng 7/2014 đã hồi phục

Thứ Năm, 06/11/2014, 08:40
Thượng úy Đinh Văn Dương, 31 tuổi, công tác tại Tiểu đoàn đặc công –Bộ Tư lệnh Thủ đô, nạn nhân duy nhất còn lại trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc (Hà Nội) sáng 7/7/2014 đã hồi phục sau gần 4 tháng “chiến đấu” với tử thần.
>> Nỗ lực tối đa cứu chữa 3 chiến sĩ bị thương trong vụ tai nạn máy bay

Bác sĩ Lê Quang Thảo (Khoa Hồi sức cấp cứu), người trực tiếp điều trị cho anh Dương từ khi anh nhập viện, cho biết: Anh Dương nhập viện trưa 7/7 trong tình trạng rất nặng: đa chấn thương, bỏng lửa diện rộng, độ sâu lớn, 60% diện tích cơ thể, trong đó, toàn bộ bỏng độ 4 và 5; bỏng hô hấp kết hợp; hội chứng sóng nổ, tổn thương phổi do bị áp lực lớn, khiến nhu mô phổi bị tổn thương, đụng dập các cơ. 2 ngày đầu tiên, bệnh nhân trong tình trạng sốc nhược, huyết áp tụt và đã 2 lần ngừng tim. Ngày thứ 77, anh còn bị suy đa phủ tạng (suy hô hấp, tuần hoàn, thận, cơ quan tạo máu và gan). Những trường hợp nặng thế này, các chuyên gia đều không tin rằng bệnh nhân có thể bình phục.

Với quyết tâm cao trong cứu chữa các nạn nhân, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đã tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị và phương tiện, thuốc men để cứu chữa. Các chuyên gia giỏi về hồi sức cấp cứu, phẫu thuật của các Bệnh viện (BV) Việt Đức, Bạch Mai, BV 108, BV 103… được đưa về đây. Mỗi BV đều cử một kíp thầy thuốc cùng trang thiết bị chuyên ngành đến đây trực tiếp điều trị, hội chẩn với các bác sĩ của Viện Bỏng Quốc gia.  

Bác sĩ Lê Quang Thảo khám bệnh cho Thượng úy Đinh Văn Dương.

Suốt gần 4 tháng, anh Dương luôn trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng và đã 2 lần sốc nhiễm trùng, huyết áp tụt, trong khi xét nghiệm không  tìm ra loại vi khuẩn trong máu. Nhưng các thầy thuốc đều tận tình cứu chữa với phương châm “còn nước còn tát”. Tại vết thương bỏng, các bác sĩ phải rạch hoại tử, giải phóng chèn ép khoang tứ chi, phẫu thuật tháo khớp gối 2 chân và 10 ngón tay cho bệnh nhân, rồi che phủ tạm thời các vết bỏng bằng da đồng loại và màng sinh học. Sau 2 tuần, mới tiến hành ghép da của chính bệnh nhân từ những vùng da còn lành, như da dầu, bụng và lưng. Nhờ thiết bị chuyên biệt hiện đại, cùng kỹ thuật lấy da vốn là thế mạnh của Viện Bỏng Quốc Gia, chỉ sau 1 tuần các vùng cho da sẽ lành và không để lại tổn thương, các đợt ghép da đều thành công. Trong 120 ngày điều trị thì có hơn 80 ngày các bác sĩ phải dùng thuốc trợ tim, vận mạch cho anh Dương cùng với thở máy và sử dụng thuốc an thần. Ngoài ra, còn kết hợp phương pháp lọc máu liên tục trong những ngày đầu và giai đoạn sốc nhiễm trùng, suy đa tạng với tổng thời gian hơn 30 ngày. Nhiều loại thuốc kháng sinh toàn thân và thuốc đắp tại chỗ mới nhất còn chưa có ở Việt Nam cũng được đặt mua từ nước ngoài về để điều trị cho các nạn nhân. Suốt 100 ngày, anh Dương hoàn toàn không biết gì. Cách đây 15 ngày, anh Dương mới tỉnh và dần hồi phục các chức năng tuần hoàn, hô hấp vv... và được cai thở máy, không dùng các thuốc trợ tim nữa.  

Bác sĩ Lê Quang Thảo cho biết: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, suốt 90 ngày liền, cứ 4 đến 6 tiếng, các bác sĩ phải làm xét nghiệm tổng thể về công thức máu, sinh hóa máu và chức năng hô hấp. Cho đến nay, anh Đinh Văn Dương đã vượt qua 17 cuộc phẫu thuật và lần phẫu thuật gần nhất mới cách đây 2 tuần. Hiện nay, anh Đinh Văn Dương đã có thể ăn được mà không cần ăn qua sonde dạ dày, hay truyền qua tĩnh mạch, thỉnh thoảng, anh đã ngồi dậy và trò chuyện với mọi người. Thời gian tới, anh vẫn tiếp tục được tập luyện phục hồi chức năng và tăng cường nuôi dưỡng tích cực

Thanh Hằng
.
.
.