Nạn nhân chết trong bão Chanchu khó làm giấy chứng tử

Thứ Năm, 27/03/2014, 14:21
Theo đơn cầu cứu, chúng tôi tìm gặp bà Võ Thị Miên (SN 1969, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có chồng là ông Trần Minh Hùng (SN 1968) bị chết trong cơn bão Chanchu năm 2006 để tìm hiểu sự việc.

Thắp nén hương trên bàn thờ, trước di ảnh chồng, bà Miên nghẹn lòng: “Chồng tui là cựu chiến binh, không may bị chết trong bão Chanchu cùng với các ngư dân trong thôn là Nguyễn Tấn Quân, Trần Quang Tuyền, Huỳnh Công Tổng và Nguyễn Minh Quang. Nhiều năm qua, tui nhiều lần đến các cơ quan chức năng để làm giấy chứng tử cho chồng, song không có kết quả…”.

Bà Miên nói tiếp, đến tháng 10/2013, con gái đầu của bà là Trần Thị Giáng Trinh tốt nghiệp Đại học Bình Dương. Để cho con dễ dàng làm thủ tục khai lý lịch xin việc, bà lại có đơn yêu cầu cấp giấy chứng tử cho chồng và được Công an xã Tam Phú xác nhận ông Hùng bị mất tích trong bão Chanchu 2006 do đi câu mực khơi, làm chìm tàu. Sau đó, theo hướng dẫn, bà nộp hồ sơ lên TAND TP Tam Kỳ…

Nhưng, ngày 14/3/2014, TAND TP Tam Kỳ có Thông báo số 60/TB-TA viện dẫn Điều 330 của Bộ luật Tố tụng dân sự, cho rằng, yêu cầu của bà Miên thiếu chứng cứ để chứng minh, vì ông Hùng biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc còn sống hoặc đã chết (?!). Do đó, yêu cầu bà Miên phải bổ sung thủ tục thông báo tìm kiếm chồng. Cụ thể, thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải được đăng trên báo hằng ngày của báo Trung ương ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài Truyền thanh hoặc Truyền hình Trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp. Nếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo, bà Miên không bổ sung đủ chứng cứ, TAND TP Tam Kỳ sẽ trả lại hồ sơ.

“Ngoài ra, khi nhận thông báo, có một nhân viên của Tòa án nói rằng nếu làm thủ tục trên phải mất hơn 10 triệu đồng. Chồng tui chết mất tích ngoài biển khơi do bão Chanchu, xã đã xác nhận và cả nước cũng đều biết, để lại mình tui một thân, một mình nuôi 5 đứa con thơ dại, hiện gia đình là hộ nghèo của xã, tui lấy đâu ra số tiền lớn đó?...”, bà Miên ứa nước mắt trải lòng.

Ông Mai Ngọc Sơn, Trưởng thôn Tân Phú, cho biết: Không riêng gì trường hợp của bà Miên làm giấy báo tử cho chồng chưa được, mà 4 ngư dân khác ở thôn mất tích trong bão Chanchu cũng chưa làm được giấy báo tử, dù đã 8 năm trôi qua. Chính quyền địa phương thôn cũng như xã Tam Phú đã cố gắng xác nhận vào đơn yêu cầu của các nạn nhân là mất tích, chứ không thể xác nhận là chết, nếu chết phải có xác và chết như thế nào. Mong các ngành cấp trên có một quy định rõ ràng về làm giấy báo tử cho những trường hợp đặc biệt này…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quốc Lộc, Chánh án TAND TP Tam Kỳ, giải thích: Theo nguyên tắc thì TAND TP Tam Kỳ đã làm đúng quy định của pháp luật chứ không hề gây khó khăn cho người thân của các ngư dân mất tích trong bão Chanchu. Còn việc thông báo trên báo, đài Trung ương là do chính người thân của các nạn nhân tự làm, sau khi thủ tục thông báo mất tích xong, lúc này TAND TP Tam Kỳ tiếp tục ra thông báo thứ hai trong vòng 40 ngày để thông báo nạn nhân đã chết, sau đó mới làm giấy báo tử theo quy định.

“Vì cơn bão Chanchu xảy ra rất rõ và có thật. Nhưng lâu nay luật chưa quy định rõ về các trường hợp mất tích, như sự kiện thiên tai, địch họa, nhằm hỗ trợ việc làm thủ tục giấy báo tử cho họ như thế nào. Chúng tôi sẽ mời người thân các nạn nhân này lên giải thích cho họ hiểu hơn về thủ tục làm giấy báo tử, nếu họ khó khăn, TAND TP Tam Kỳ sẽ làm cầu nối giúp đỡ về thủ tục thông báo để họ hiểu”, ông Lộc nói

An Khang
.
.
.