Nạn lừa xin việc với nhiều thủ đoạn mới

Thứ Hai, 13/10/2008, 16:32

Sau khi Báo CAND đăng loạt bài phản ánh hiện tượng lừa lao động của một số công ty tư nhân trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều bạn đọc tìm đến đường dây nóng tiếp tục tố cáo. Điều đáng lo ngại, nguồn thông tin về doanh nghiệp đều được người lao động lấy từ Báo Mua và Bán và một trang web trên mạng Internet - những địa chỉ công khai và được đại đa số người lao động tìm kiếm thông tin...

"Vết chân giẫm vào vết chân"

Sáng 9/10, anh Lê Xuân Chính ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đến trụ sở Báo CAND. Anh kể cho chúng tôi nghe tỉ mỉ về quá trình gian nan đi xin việc của mình. Anh đã qua nhiều công ty đang tuyển nhân viên ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Hà Nội. Vất vả gần một tháng trời, tốn không biết bao tiền xăng xe, sức lực. Cuối cùng, kết quả anh nhận lại không phải là con số không, mà là một con số âm. Bởi, cùng với hành trình kiếm việc làm, anh Chính còn bị mất tiền cho cái gọi là phí tuyển việc và tiền đặt cọc...

Vốn sinh ra ở vùng ngoại thành Hà Nội và có cuộc sống khá vất vả, anh Chính phải bươn chải cuộc sống bằng nhiều thứ nghề khác nhau. Cầm trên tay tờ Báo Mua và Bán, anh Chính thấy cả loạt danh sách công ty đang tuyển người, điểm đầu tiên anh Chính đến là một công ty trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội có tên Công ty TNHH Phát triển thương mại HP. Anh Chính được nhận vào làm với công việc đi bán sim và thẻ điện thoại, rất phù hợp với khả năng của anh với mức lương cao bất ngờ: 3,2 triệu đồng. Nhưng trước hết, anh phải nộp 50.000 đồng phí chuyển hồ sơ (không hoá đơn và không hoàn lại). Tiếp theo, anh phải nộp 960.000 đồng là 30% lương tháng đầu. Nộp tiền xong cũng đồng nghĩa với việc giăng bẫy con mồi xong, công ty bắt đầu gây khó dễ khiến anh Chính không thể làm việc được, buộc phá hợp đồng. Sau nhiều lần đi lại kiên quyết đòi lại tiền, công ty này trả lại anh 526.000 đồng.

Tiếp tục hành trình kiếm việc, ngày 2/10, anh Chính đến phố Phùng Chí Kiên với một công ty khác. Lần này thận trọng hơn, anh hỏi: "Nộp hồ sơ có mất tiền phí  không" thì được trả lời: "Chỉ phải nộp 50.000đ phí hồ sơ". Nhưng ngày hôm sau đến, công ty này yêu cầu nộp trước 20% tháng lương đầu. Biết là vẫn mánh khoé cũ, anh Chính rút hồ sơ, chấp nhận mất 50.000đ.

Ngày 6/10, anh đến phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, một công ty khác dùng thủ đoạn tinh vi hơn: Không yêu cầu người lao động đóng phí mà "chỉ đóng 200.000đ tiền đồng phục, giấy khám sức khỏe và tiền thẻ". Và cũng bài cũ, hôm sau họ yêu cầu nộp 700.000đ đặt cọc. Ngay tại công ty này, anh Chính gặp một người khác đã bị mắc bẫy cảnh báo: không có việc và sẽ mất tiền. Mặc dù đã có kinh nghiệm, nhưng anh Chính vẫn bị lừa một cách dễ dàng bởi thủ đoạn của những đối tượng thay đổi liên tục. Vậy là, anh bị giẫm lên chính vết chân của mình.

Các cơ quan chức năng không thể thờ ơ

Sau khi Báo CAND số 1168 ra ngày 7/10 đăng bài phản ánh về việc tuyển dụng lao động của Công ty cổ phần Thương mại EMS DMC ở ngõ 3, phố Thái Hà, chiều 10/10, anh Đỗ Hữu Nghĩa ở phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cũng tìm đến Báo để tố cáo hành vi giăng bẫy, lấy tiền đặt cọc của người lao động bằng công việc phát thư. Sau khi thấy hoạt động của công ty này có dấu hiệu không minh bạch, anh Nghĩa đòi lại tiền và vấp phải sự phản ứng mạnh của những người gọi là nhân viên công ty này. Thậm chí, họ còn thách thức anh Nghĩa tố cáo sự việc với cơ quan Công an.

Anh Trần Hoàng Phương ở phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội cũng đến trụ sở Công ty DMC nộp hồ sơ, kèm tiền đặt cọc 500.000 đồng để làm việc chuyển phát nhanh. Theo hẹn, ngày 25/9, anh Phương đến làm việc thì một nhân viên của công ty "mượn lại" hợp đồng lao động và phiếu thu tiền "để làm bảng lương". Suốt một ngày ròng rã tìm địa chỉ giao phong bì thư, anh Phương chỉ đến được 4 địa chỉ có thật. Còn lại, 11 địa chỉ "ma".

Trong lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng, anh Phương phân tích rõ thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Công ty DMC bằng hình thức hợp lý: "Một mặt họ vẫn bố trí công việc cho tôi làm là chuyển phát nhanh thư từ. Nhưng nhiều địa chỉ không có, làm cho tôi chán nản và sẽ phải xin nghỉ, công ty sẽ chiếm đoạt luôn tiền thế chấp của chúng tôi".

Đây là thời điểm sinh viên ra trường mới được vài tháng. Nhiều người không về quê mà cố trụ lại Hà Nội tìm kiếm cơ hội cho mình. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều đối tượng tập hợp nhau lại, tạo ra những chiếc "bánh vẽ" nhằm thu hút người lao động nộp hồ sơ, nộp tiền rồi tạo tình huống khiến người lao động tự vi phạm hợp đồng để chiếm đoạt tiền.

Theo đánh giá của cơ quan Công an, các đối tượng này sử dụng thủ đoạn khá tinh vi để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Việc thu tiền của người lao động chỉ là thoả thuận dân sự. Người lao động vì tâm lý cần việc mà mất cảnh giác, ký hợp đồng không có lợi cho mình để rồi mất tiền oan.

Không chỉ thế, các đối tượng còn lợi dụng việc tuyển nhân viên để tạo vây cánh, lôi kéo những người khác cùng làm việc bất chính với mình. Gần đây nhất, ngày 11/10, một sinh viên ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng tố cáo một công ty có trụ sở tại đường Nguyễn Trãi tuyển dụng lao động rồi huấn luyện sinh viên này trở thành trưởng đại diện một trụ sở khác để dẫn khách về. Nhận việc, nhưng sinh viên này không làm theo ý họ mà cảnh báo giúp người lao động không mắc bẫy. Sinh viên này sau đó đã bị đe dọa.

Trước hiện tượng này, lực lượng Công an cũng đã vào cuộc và bắt nhiều đối tượng lừa đảo tuyển việc làm. Nhưng con số đó là rất ít so với thực tế đang diễn ra. Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì không thể quản lý được các trung tâm môi giới, giới thiệu việc làm hay tuyển dụng lao động. Nhiều đối tượng vì không có việc làm mới nghĩ ra trò kiếm tiền bằng hình thức này. Đề nghị người lao động phải thận trọng và cảnh giác khi đi kiếm việc làm. Bên cạnh đó, đơn vị cấp phép kinh doanh, Báo Mua và Bán, website rao vặt cũng cần thiết phải có cách loại trừ thông tin, tránh việc vô tình tiếp tay cho các công ty lừa đảo hoạt động

Việt Hà
.
.
.