Năm học mới, giao thông Hà Nội ùn tắc nặng

Thứ Sáu, 10/09/2010, 14:45
Bắt đầu vào năm học mới tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu có chiều hướng gia tăng phức tạp. Với số lượng người tham gia giao thông tăng nhanh do lưu lượng học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn nhập học ngày càng tăng nên số lượng các điểm nút ùn ứ giao thông tăng lên.

Căng sức để chống ùn tắc giao thông

Làm việc với Đội CSGT số 3 - đơn vị đảm trách nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn quận Đống Đa - một địa bàn trọng điểm về giao thông chúng tôi được Trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: trên địa bàn quận Đống Đa có khoảng 14, 15 điểm nằm trong nguy cơ ùn ứ giao thông phải bố trí lực lượng. Đặc biệt đơn vị đã xây dựng kế hoạch vào thời điểm bắt đầu năm học mới nguy cơ ùn tắc sẽ tăng thêm một số điểm nút cần phải bố trí lực lượng. Quân số đơn vị hiện có 60 CBCS, tuy nhiên riêng để đảm trách được gần 20 điểm nguy cơ ùn tắc phải mất tới 40 CBCS thay phiên nhau ứng trực.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tài ngay từ trước thời điểm bắt đầu Tháng ATGT, lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn tiến hành nhiều biện pháp như xây dựng các phương án, kế hoạch, tập trung truyên truyền, xử lý tình trạng vi phạm đến TTATGT. Tuy vậy, Trung tá Nguyễn Văn Tài cho biết: Để giải quyết nạn ùn tắc, đặc biệt dịp đầu năm học mới giải pháp hiện tại là phải tung hết quân và căng sức ra mặt đường. Đặc biệt để giải quyết nạn ùn tắc thì CBCS được bố trí tại các điểm nút giao thông phải là những người có kinh nghiệm xử lý tình huống…

Điều đáng chú ý là mặc dù mức phạt theo quy định mới khá nặng và nghiêm khắc, tuy nhiên trên thực tế tình trạng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo Trung tá Nguyễn Văn Tài điều đó cho thấy ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa có những chuyển biến mạnh. Một số người tham gia giao thông không chỉ thiếu ý thức chấp hành luật mà còn có những hành vi phản ứng, chống đối gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Nhiều tuyến đường Hà Nội thường xuyên đối mặt nạn ùn tắc giao thông.

Quy hoạch manh mún, thiếu đồng bộ

Không phải ngẫu nhiên, vấn đề quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được xếp là giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 16/2008/NQ-CP. GS,TS Nguyễn Quang Đạo - Trường Đại học GTVT cho rằng: hiện nay quy hoạch và tổ chức giao thông trong đô thị tồn tại tình trạng không phân biệt đường chính với các đường khác, các ngõ chợ, ngõ từ nhà dân, cổng trường học, cổng doanh nghiệp… đều được đấu nối trực tiếp ra các trục đường phố chính. Đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ùn tắc giao thông. Trong khi vấn đề quy hoạch chưa thể một sớm một chiều giải quyết được, việc tổ chức giao thông hợp lý đang là vấn đề cấp bách đặt ra…

Tại Hà Nội, hiện tại 80% đường nội đô có mặt cắt ngang dưới 11m, đây cũng là thách thức đối với sự vận hành xe buýt lớn hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, với mạng lưới giao thông và hạ tầng hiện nay ở các đô thị lớn, nhìn chung xe buýt đã phát triển đến điểm bão hoà, nếu tiếp tục phát triển như thời gian qua sẽ dẫn đến ùn tắc và người dân sẽ quay lưng lại với xe buýt.

Với Hà Nội và TP HCM, xe buýt không chuyên chở hết khách trên các tuyến chính, bởi sức chở có hạn, nếu đưa nhiều vào càng tắc đường. Ví dụ, làn xe 3,5m vào giờ cao điểm thông được 4.000 xe máy, tức là hơn 4.000 hành khách, nếu làn xe đó dành riêng cho xe buýt 3 phút có 1 chuyến, mỗi chuyến 50 khách, vậy 1 giờ chỉ chở được 1.000 khách, bằng 1/4 so với xe máy… Chính vì vậy, hiện trên nhiều đường Hà Nội, xe buýt đang lại là nguyên nhân gây tắc đường. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến của người dân và CSGT cũng cho rằng để giảm bớt tình trạng ùn tắc trong khu vực nội thành nên chỉ sử dụng loại xe buýt cỡ nhỏ thay vì xe buýt lớn như hiện tại.

Bên cạnh đó vấn đề quan trọng nhất là phải tạo dựng được văn hoá khi tham gia giao thông. Người tham gia giao thông không chỉ hiểu biết Luật, chấp hànhLuật một cách tự giác mà còn thái độ đúng  đối với các hành vi không tuân thủ luật pháp và chuẩn mực xã hội. Chỉ khi nào xây dựng và tạo lập được văn hóa giao thông trong ý thức của mỗi người dân và cả cộng đồng thì mới có thể tạo ra được sự chuyển biến mạnh về TTATGT, đặc biệt tại các đô thị lớn

Xuân Luận
.
.
.