Mưu sinh trên bãi biển sớm mai

Thứ Năm, 10/06/2010, 11:03
Gần 200 con người đứng chật một bãi cát nhỏ trên biển Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, trong mớ âm thanh hỗn độn của cảnh mua bán, chúng tôi vẫn nghe những lời bông đùa, những tiếng cười nói. Có lẽ, nhờ vậy mà họ xóa được cơn buồn ngủ, sự mỏi mệt để có thể bước mau, bước khỏe trên con đường mưu sinh nhọc nhằn.

Chúng tôi đến bãi biển Thọ Quang khi mới canh 2 để tìm hiểu cuộc sống của những người lao động nghèo trên bãi biển. Tiếng sóng đêm vỗ hoà lẫn với những âm thanh lao động, trong ánh sáng lập lòe của đèn pin điện, chúng tôi tận mắt nhìn, nghe và cảm nhận về cuộc sống, hoàn cảnh của nhiều người phụ nữ đang nhọc nhằn mưu sinh mà thấy lòng mình thắt lại.

Như thường lệ, chị Nguyễn Thị Mai (47 tuổi), trú phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu phải thức dậy từ lúc 1h sáng để kịp đến bãi biển Thọ Quang chờ tàu cá. 4 chiếc rổ cá úp trên chiếc xe máy cũ kỹ, ngày nào cũng vậy, chị đến sớm để lấy cá tươi ngon đem về chợ Hoà Khánh bán kiếm lời.

Vất vả từ hơn 1 giờ sáng cho đến quá trưa, chị cũng chỉ kiếm được mấy chục nghìn. Trong khi đó, vật giá mọi thứ đều tăng, 2 đứa con tiền học mỗi tháng hàng trăm nghìn đồng nên gắng gượng lắm chị mới đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Đó là những ngày bán được, còn những ngày ế do cá nhiều coi như gạo không đủ đong. Vất vả nhọc nhằn, thân hình chị gầy nhom, khuôn mặt già hẳn so với tuổi. Nhìn thấy chị mà tôi chạnh lòng. Nhưng khi tâm sự, chị gạt phăng mọi điều khổ nhọc, chị nói: "Mình chịu khó để cho con cái có được cái ăn, cái mặc. Hy sinh đời bố củng cố đời con mà!".

Ngồi cạnh chị Mai, 2 mẹ con chị Hà, trú phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) nhặt nhạnh từng con cá bỏ vào rổ. Mớ cá, mực hôm nay 2 mẹ con chị mua được của một chủ tàu giã cào về sớm nên nhìn con nào con nấy tươi ngon. Tâm sự hồi lâu mới biết, mẹ chị Hà là bà Lan đã 20 năm nay mưu sinh trên bãi biển đêm với nghề buôn cá. Bà là người bám bãi biển này lâu nhất. Dù trời đêm đẹp hay những lúc rét đến run người, bà Lan vẫn miệt mài quang gánh ra bãi biển chờ tàu mua cá.

Bà tâm sự: "Tui mà buông gánh coi như cả nhà hôm ấy đói. Tất cả đều trông chờ vào một mình thân già này...". Hoàn cảnh gia đình từ xưa đến nay không mấy khá, để đỡ đần với mẹ, chị Hà cũng theo mẹ buôn cá. Chị tâm sự: “Dân ở đây không biết làm gì ngoài nghề biển. Đàn ông đi biển, phận đàn bà con gái như tui thì buôn thúng, bán bưng kiếm sống qua ngày”.

Cứ 2h30’ sáng, hàng trăm phụ nữ các nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đổ về bãi biển phường Thọ Quang, quận Sơn Trà để mua cá đem bán.

Gần 200 con người đứng chật một bãi cát nhỏ trên biển Thọ Quang, trong mớ âm thanh hỗn độn của cảnh mua bán, chúng tôi vẫn nghe những lời bông đùa, những tiếng cười nói. Có lẽ, nhờ vậy mà họ xóa được cơn buồn ngủ, sự mỏi mệt để có thể bước mau, bước khỏe trên con đường mưu sinh nhọc nhằn.

Không chọn nghề buôn bán cá, một vài người chọn nghề bán tạp hóa trên bãi biển cho bất cứ ai có nhu cầu dùng đến trong buổi chợ cá sớm. Nói là tạp hóa chứ chỉ một ít chè, sữa đậu nành, thuốc lá, cà phê, kẹo... Thế nhưng, đó chính là vốn liếng giúp họ mưu sinh nuôi sống gia đình, lo cho con cái ăn học.

Đã 64 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thảo, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cứ đến 12 giờ khuya là phải dậy chuẩn bị nước non, pha sẵn cà phê... để 2 giờ ra bãi biển bán. Khách hàng của bà là các thuyền viên và những người mua cá. Họ đến uống cốc sữa để bồi dưỡng sau một đêm vật lộn với biển, làm một ly cà phê, vài hơi thuốc lá cho tỉnh táo để làm việc. Cứ như vậy mà đêm nào bà cũng đều đặn gánh hàng tạp hóa như gánh cuộc đời nặng trĩu.

Bà cho biết, gia đình có 8 người con, họ đều không ăn học và chủ yếu đi làm thuê, chồng bà thì già yếu. Ở cái tuổi bà, nhẽ ra phải ở bên con cháu để hưởng thụ tuổi già, thế nhưng, bà không được diễm phúc đó bởi hoàn cảnh. Bà tâm sự mà lòng bà nặng trĩu: Phận già thức đêm hôm sướng ích chi, nhưng hoàn cảnh cuộc sống mình phải chấp nhận. Nếu đêm nào trời thương, mình bán hết hàng cũng kiếm được 20 đến 30 nghìn đồng, còn ế thì may ra đủ vốn, chỉ lấy công làm lời. Có điều, làm riết thấy quen và vui, bởi nhiều người làm nghề biển khi trở về đất liền họ muốn có cái gì đó để ăn, uống cho bù lại những vất vả, nhọc nhằn nơi biển cả. Mình phục vụ cho họ, họ quý lắm".

Cũng một gánh tạp hóa nặng trĩu như bà Thảo, chị Nguyễn Thị Vân (44 tuổi), trú cùng phường sớm khuya lấy buổi chợ sớm mai trên bãi biển làm nơi mưu sinh đã gần 5 năm. Gánh tạp hóa của chị cũng chỉ có sữa, cà phê, chè, thuốc lá và một ít kẹo bánh. Thế nhưng, ngoài việc lo cuộc sống cho gia đình, gánh hàng tạp hóa đêm của chị đã nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Sớm hôm trên bãi biển, mẹ bán hàng kiếm tiền, các con ở nhà lo học, phụ giúp mẹ. Nhờ đó, hiện chị đã có 1 đứa con học đại học, 1 đứa học cao đẳng và một đứa đang học cấp 3. Có lẽ đây là một điều quá kỳ diệu đối với người phụ nữ nghèo này.

Chị Vân tâm sự: Biết bao nhiêu gia đình ở đây, hết cha rồi đến con phải gắn mình bên chiếc thuyền, cái thúng. Nhưng các con tôi, tôi biết chắc một điều rằng, tương lai của chúng sẽ sáng sủa, sẽ không phải oằn mình bên bãi biển để nhọc nhằn kiếm từng đồng bạc lẻ. Gánh hàng nặng trĩu trên vai mỗi ngày như nhẹ tênh khi tôi nghĩ về gia đình

Ngọc Hà
.
.
.