Muối mặn…vị đắng mồ hôi

Thứ Năm, 23/10/2014, 19:03
Thêm một niên vụ sản xuất muối ở vùng đất Nam Trung bộ đã tạm khép lại, nhưng nhiều cánh đồng vẫn còn tồn đọng một khối lượng muối rất lớn chỉ vì giá muối tụt xuống, trong khi đầu ra vẫn vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại…

Tiếp cận các cánh đồng muối ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tôi mới thấu hiểu phần nào nỗi trăn trở lo toan của diêm dân khi vụ muối năm nay liên tục rớt giá. Đến cuối vụ, giá mỗi cân muối sản xuất thủ công trên đồng đất chỉ còn 800-900 đồng, muối sản xuất theo phương pháp trải bạt 1.100-1.200 đồng. So với cùng kỳ năm trước, giá muối giảm sút từ 25-30%, nhưng thương lái vẫn không muốn mua. Diêm dân Nguyễn Văn Thành, trú ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát cho biết, gia đình ông sản xuất 15 vuông muối gồm 750m2, đến cuối vụ thu được gần 32 tấn muối hạt, sản lượng cao hơn nhiều so với niên vụ trước nhưng muối rớt giá…

Phòng Chế biến nông lâm sản và Nghề muối thuộc Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho hay, niên vụ này toàn tỉnh sản xuất 214ha muối, tính đến cuối tháng 9/2014, tổng sản lượng thu được khoảng 30.000 tấn, tăng gần 80% so với năm trước. Thế nhưng, điệp khúc “được mùa, rớt giá” tái diễn nên diêm dân chỉ mới tiêu thụ hơn 22.300 tấn, lượng muối còn tồn đọng hơn 6.700 tấn. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cánh đồng muối Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa rộng lớn hơn 500ha. Đầu vụ, giá muối sản xuất thủ công trên đồng đất 900 đồng mỗi cân, nhưng từ giữa vụ đến cuối vụ giá muối biến động tụt xuống 800 đồng, thậm chí có lúc chỉ còn 650 đồng.

Dù vất vả, giá cả bấp bênh nhưng diêm dân khu Nam Trung bộ vẫn bám ruộng muối để mưu sinh.

Trăn trở trước thực trạng muối rớt giá, ông Đặng Thọ Phúc - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã 1-5 ở Ninh Diêm tâm sự: “Dù giá muối tụt xuống, bán không có lãi, nhưng hợp tác xã vẫn phải bán để có tiền chia cho xã viên với mức thu nhập bình quân mỗi người chỉ được 800.000 đồng/tháng”. Ông Đặng Hữu Tiến, trú ở khu phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa “bật mí” rằng, những niên vụ trước đây, mỗi tháng, gia đình ông thu mua, vận chuyển lên Đắk Lắk không dưới bảy chuyến xe tải, nhưng niên vụ này phải tính toán dè dặt, mỗi tháng chỉ mua bán hai, ba chuyến vì giá cước vận chuyển tăng gấp đôi, trong khi giá bán ra vẫn giẫm chân tại chỗ.

Dù giá muối rớt xuống, cước phí vận chuyển không giảm, lượng muối tồn đọng khá nhiều nhưng diêm dân ở ven biển Nam Trung bộ vẫn thấp thỏm hy vọng trong vài tháng tới giá cả sẽ nhích dần lên, nên họ vẫn bám ruộng muối để kiếm cơm. Trong mỗi hạt muối của diêm dân, tôi cảm nhận có cả vị đắng mồ hôi!

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.