Mùa vu lan báo hiếu: Hạnh phúc khi có bông hồng đỏ cài trên ngực

Thứ Bảy, 01/09/2012, 09:51
Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay thời tiết thật đẹp với nắng vàng trải rộng. Trên các tuyến phố rộn ràng sắc đỏ. Ở chùa, các nhà sư, phật tử tất bật chuẩn bị hoa hồng, lễ vật cho ngày lễ trọng đại. Trong không khí ấm áp của những ngày lễ báo ân sinh thành, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư về ý nghĩa của ngày lễ này và đạo hiếu ngày nay.

Phóng viên (PV): Thưa Thượng tọa, lễ Vu Lan có ý nghĩa như thế nào?

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Vu Lan là lễ quan trọng của Phật giáo, được mệnh danh là lễ báo ân. Theo thuyết nhà Phật, con người ta chịu 4 ơn sâu nặng. Đó là ơn: Tam bảo (đạo); quốc gia xã hội; cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy dỗ; đồng bào nhân loại. Trong đó, ơn sinh thành đặt vấn đề nặng nhất. Đức Phật ví, cha mẹ như Phật (“cha mẹ trong nhà tức là Phật ở đời”). Khi đạo Phật truyền vào Việt Nam đã hòa hợp với đạo hiếu của người Việt. Hạnh hiếu là hạnh đứng đầu. Trong trăm điều tội, tội bất hiếu là tội nặng nhất.

Trong sách nhà Phật có tích, Đức Mục Hiếu Kiền Liên là 1 trong 10 đệ tử của Đức Phật. Mẹ là Thanh Đề, lúc ở đời là người độc ác nên khi chết bị giam ở ngục tối. Mục Hiếu Kiền Liên khi đắc đạo muốn đi thăm mẹ nhưng tìm không thấy mới về hỏi Đức Phật. Khi đó, mới biết mẹ là người tội lỗi. Mục Hiếu Kiền Liên xuống ngục tối thăm mẹ, đem biếu mẹ một bát cơm. Nhưng bà Thanh Đề lúc này vẫn chưa tỉnh ngộ, một tay bê bát cơm, một tay che đi khiến bát cơm biến thành than hồng, không ăn được. Thương mẹ, ông về cầu Đức Phật. Phật dạy, ngày Rằm tháng Bảy tất cả các vị sư kết thúc 3 tháng nghiêm trì tu hành, về cầu sư tăng chú nguyện sẽ được giải thoát. Ông đã vâng lời và mẹ nhờ đó được thoát khỏi cảnh khổ đau, xin lên thiên giới. Từ đó, ông nguyện đời này, kiếp khác sẽ lấy lễ này báo ân cha mẹ. Tổ tiên người Việt Nam đón nhận tinh thần này, trở thành nghi lễ người Việt. Câu “tiết tháng Bảy xá tội vong nhân” xuất phát từ đấy.

PV: Bắt đầu từ tôn giáo, nghi lễ này đã cộng đồng người Việt hưởng ứng rộng rãi. Theo Thượng tọa, việc này được thể hiện cụ thể như thế nào ?

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Trong dân gian có câu, “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Bảy”. Thế nên đã thành lệ, cứ tháng Bảy người ta sắm sanh lễ vật hiến cho tổ tiên. Người Việt vốn có truyền thống thương người nên họ còn cúng cả cho những linh hồn đói khát, không cửa không nhà. Đó gọi là cúng cô hồn. Tôi thấy rằng, qua lễ Vu Lan nhắc nhở người sống phải biết hiếu kính cha mẹ, vâng lời cha mẹ, chăm sóc cha mẹ. Hiếu lễ, hiếu đức, hiếu sinh, hiếu đạo, hiếu kính là 5 đạo hiếu được người Việt rất coi trọng.

PV: Tại sao trong lễ Vu Lan lại có những bông hồng cài áo. Nếu ai đó có bông hồng đỏ trên ngực, người đó sẽ rất đỗi tự hào. Mong Thượng tọa lý giải về việc này.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Năm 1962, Hòa thượng Nhất Hạnh đem bông hồng cài áo từ Nhật Bản về Việt Nam. Hoa hồng đẹp nhưng chịu nhiều sóng gió và cả gai góc song là biểu tượng của sự thanh cao. Những ai còn có mẹ cài bông hồng đỏ. Những ai mất mẹ cài bông hồng trắng còn những người tu hành đã hiến thân đạo thì cài bông hồng vàng. Những người tóc đã bạc phơ mà còn được cài bông hồng đỏ trên ngực là người may mắn vì còn có mẹ trên đời.

Trong ơn sinh thành, tình mẫu tử là vô cùng. “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Núi Thái Sơn thì có thể đo được nhưng nước trong nguồn thì vô kể. Cho dù chẳng may sinh con nghịch tử, con tật nguyền thì mẹ không bao giờ bỏ con. Con khôn mẹ được nhờ, con dại mẹ phải chịu. Không có sách vở nào chép nhưng tôi thấy có 2 điều cấm kỵ với phụ nữ Việt Nam. Một là: Mẹ không đưa con đi chôn. Hai là: Mẹ không tiễn con về nhà chồng. Thế nhưng, người đón con gái họ lại là mẹ chồng. Mẹ chồng sẽ thay họ dạy dỗ, chỉ bảo cho con ... Tình mẫu tử, thiên chức làm mẹ là điều đặc biệt. Qua đây, giáo dục trách nhiệm cho những ai có quyền làm mẹ nhưng từ chối...

PV: Nghĩa là, Thượng tọa đang đề cập đến việc từ bỏ quyền làm mẹ của những cô gái trót dại...

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Đúng vậy. Tình mẫu tử rất thiêng liêng nhưng hiện nay có những người đã từ bỏ quyền làm mẹ. Nếu có chút lương tâm, họ còn đem con đến cổng chùa, bệnh viện để bỏ, cháu bé còn được người đời cưu mang. Có người, còn vứt bỏ núm ruột của mình ở bờ đường, bờ ruộng... Qua nghi lễ Vu Lan, cảnh tỉnh cho nhiều người, rằng đạo đức của phụ nữ Việt Nam không được làm như vậy. “Hổ dữ không ăn thịt con”, sao nỡ từ chối quyền làm mẹ.

PV: Trong xã hội hiện nay, không chỉ có hiện tượng những người phụ nữ từ chối quyền làm mẹ mà đạo đức gia đình đôi khi cũng đang có vấn đề, Thượng tọa có ý kiến gì? 

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Chùa Lý Triều Quốc Sư vừa tổ chức xong khóa tu báo hiếu 3 ngày cho các bạn trẻ. Chúng tôi đặt nặng vấn đề này cho con trẻ vì thấy, đạo đức gia đình đang có biểu hiện xuống cấp. Báo chí liên tục đưa tin, một đứa con giết cả bố mẹ; con để mẹ nằm ở ngoài hè, cách nhà mình hai số nhà; con cái để bố mẹ phải phải trại dưỡng lão... Dù không nhiều nhưng nếu không ngăn cản sẽ là vết dầu loang...

PV: Theo Thượng tọa, làm thế nào để những người làm con ngày nay coi trọng chữ hiếu?

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Không chỉ ở mùa Vu Lan mới đề cập đến chữ hiếu. Chữ hiếu phải được giáo dục trong gia đình, trong nhà trường. Tôn giáo kết hợp với nhà trường, xã hội để có những điều răn dạy thấm nhuần đạo hiếu ở đời. Tôi rất thích câu hát, “mẹ của em ở nhà, là cô giáo mến thương... Cô giáo như mẹ hiền”. Ông cha ta đề cao công ơn thầy như cha mẹ, đề cao tình thầy trò. Nếu thầy ra thầy, trò ra trò, tôi tin chắc rằng những điều hiếu nghĩa ở đời sẽ được truyền thụ chứ không chỉ những kiến thức.

PV: Ở góc độ tôn giáo, nhà chùa đã làm gì để truyền đạo hiếu cho đời, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Chúng tôi tổ chức các khóa tu tuổi trẻ (thường là sau kỳ thi đại học); khóa tu báo hiếu; khóa tu sinh viên. Nhiều ngày trong tuần, đều có những buổi giảng giáo lý cho các bạn thanh niên, trung niên, người lớn tuổi. Thông qua giáo lý nhà Phật, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp sống tốt đời đẹp đạo đến cho mọi người. Tôi cũng mong rằng, trong lễ Vu Lan sẽ được nhìn thấy thật nhiều người có bông hồng đỏ cài trên ngực.

PV: Chân thành cảm ơn Thượng tọa về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa về lễ Vu Lan báo hiếu

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.