Mùa lễ hội 2014: Nhiều biến tướng về nghi lễ

Thứ Sáu, 21/02/2014, 13:21
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái vào chiều 20/2, khi nhận xét về mùa lễ hội năm 2014 còn chưa đi được nửa chặng đường. Không thể phủ nhận, việc tổ chức lễ hội 2014 đã có những chuyển biến, khi ổn định hơn và thu hút đông du khách. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận bất cứ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Song, hiện tượng rải tiền, áp tiền lên tượng, đốt đồ mã… vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt năm nay xuất hiện nhiều biến tướng trong nghi lễ và thực hành lễ hội.

Điều này, theo lý giải của Bộ VH-TT&DL, có nguyên nhân trước hết là sự phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa rõ ràng, chưa phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong các lễ hội lớn. Như ở đền Trần, dù việc tổ chức lễ hội giao cho thành phố Nam Định, nhưng tỉnh Nam Định mới là đơn vị thực sự phụ trách và chủ trì. Vai trò của ngành văn hóa trong lễ hội này mờ nhạt và không biết ai là người thực sự chịu trách nhiệm.

TS. Lương Hồng Quang, Viện phó Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đơn vị chủ trì Đề án đổi mới phát ấn đền Trần 3 năm qua, thẳng thắn thừa nhận: Không thể tượng tượng ra hành vi của người đi lễ lại có nhiều biến tướng đến như thế. Tại lễ hội khai ấn đền Trần vừa qua, sau khi hành lễ, người dân lại ào ào xô nhau vào xoa tiền vào kiếm trên ban thờ cũng như bất cứ đồ thờ cúng nào ở trong đền... Vì thế, ông Quang cho rằng, từ thực tế ở đền Trần cũng cần phải nghiên cứu và tìm giải pháp với các lễ hội “nở”, tức là các lễ hội trước đây vốn chỉ là của một làng, một địa phương, nay trở thành quy mô toàn quốc, để từ đó có có mô hình hay giải pháp ứng xử cho phù hợp với loại hình này…

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng đầy trăn trở trước việc, ở lễ khai ấn, phát ấn đền Trần, nhà đền lại nhìn vào số tiền người dân đưa để dựa vào đó mà phát số ấn nhiều hay ít, là phản cảm và làm sai lệch ý nghĩa của lễ hội văn hóa này...

Từ những biến tướng trong mùa lễ hội này, chúng tôi cho rằng, ý kiến của TS. Đặng Hữu Sơn, Sở VH-TT&DL Lào Cai cần được lưu ý. Đó là phải nghiên cứu sự biến đổi của lễ hội, khi lễ hội giờ không như xưa nữa, nên không thể áp đặt bằng các mệnh lệnh hành chính, nhất là khi cả nước mỗi năm có khoảng 8.000 lễ hội; phải xác định rõ từng loại lễ hội để quản lý; cần cụ thể việc đốt vàng mã cũng như đặt hòm công đức.

Một số nhà khoa học kêu gọi trả lễ hội cho dân, nhưng thiếu sự tham gia của chính quyền thì không làm được. Nhưng, cũng không thể cái gì chính quyền cũng đòi quản lý là không đúng qui luật. Do vậy, phải có mô hình BQL từng loại lễ hội, di tích để phân cấp quản lý. Sau rất nhiều năm, đến nay, vấn đề quản lý tiền dầu, tiền công đức vẫn là điều Bộ VH-TT&DL chưa tìm được “lối ra”, cho dù, số thu ở các điểm văn hóa tâm linh là không hề nhỏ: Mùa lễ hội 2013, tại 46 di tích thuộc 17 tỉnh, thành: đền Mẫu Đồng Đăng, chùa Bái Đính, Tây Thiên, đền Trần… đã có 25 triệu lượt du khách với số tiền công đức là 231 tỷ đồng. Vì thế, mô hình quản lý ở những nơi này là vô cùng cần thiết, nhằm tránh việc nhiều chủ thể cùng quản lý, hình thành đa lợi ích, làm cho hoạt động lễ hội dễ sai phạm...

Trước những hiện tượng không lành mạnh trong mùa lễ hội này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ VH-TT&DL phải đề xuất những giải pháp, nhằm từng bước hướng dẫn người dân trong việc thực hành các nghi lễ trong các di tích, lễ hội, như giảm tính thương mại phản cảm trong việc xin - cho ấn ở đền Trần (Nam Định). Việc dần siết chặt hơn, để rồi xóa bỏ các điểm đổi tiền lẻ, hoàn thiện quy hoạch lễ hội, tăng cường tổ chức các đoàn, thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các biến tướng trong tổ chức lễ hội đang là những vấn đề được Bộ VH-TT&DL ráo riết thực hiện

Dạ Miên
.
.
.