Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII:

Mua bán, thuê tài sản Nhà nước phải theo giá thị trường

Thứ Bảy, 10/11/2007, 08:09
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, để tránh tình trạng lợi dụng việc mua bán, thanh lý tài sản Nhà nước để trục lợi, khoản 4, Điều 6 dự luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định: "Tài sản Nhà nước phải được quản lý, hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị tài sản trong các quan hệ mua, bán, thuê, cho thuê, liên doanh liên kết, thanh lý tài sản thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là cần thiết, tuy nhiên cần phân biệt tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp và tài sản của cơ quan, tổ chức khác.

Tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước: đất đai, trụ sở làm việc ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước xảy ra "phổ biến và quy mô tương đối lớn" (đánh giá của Bộ Tài chính). Việc sử dụng sai mục đích thể hiện ở chỗ: Các cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở làm việc sang mục đích khác như cho thuê kiếm lợi, cho mượn, cho làm nhà ở.

Chưa có chế độ cụ thể về duy tu, bảo dưỡng dẫn đến nhiều nơi trụ sở làm việc bị xuống cấp. Trong khi nhiều cơ quan, đơn vị khó khăn trong diện tích đất, nhà chật hẹp, không đủ nơi làm việc thì ngược lại, không ít cơ quan, đơn vị người ít nhưng đất đai quá dư thừa, bỏ hoang hoặc cho doanh nghiệp thuê, có khi xây kiot cho thuê kiếm lợi. Đối với nhà công vụ, khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy, quản lý thiếu chặt chẽ, việc bố trí sử dụng thu tiền để duy tu bảo dưỡng nhà công vụ chưa có quy định thống nhất.

Theo Bộ Tài chính, đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát lại hệ thống nhà công vụ, trụ sở làm việc, đất đai. Mặc dù kết quả rà soát chưa toàn diện nhưng con số tài sản công bị lạm dụng diễn ra khá phổ biến.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra, bố trí, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của cơ quan, đơn vị, kể cả cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn. Những vi phạm điển hình như: Nhà đất sử dụng không đúng mục đích, bị biến thiên muôn hình vạn trạng; đất đai ghi để sử dụng việc công nhưng trên thực tế lại bị "xẻo", lẫn lộn giữa công và tư; các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý, gần đây đã có phương án bố trí, sắp xếp lại.

Tuy nhiên, việc kiểm tra nói trên mới chỉ dừng ở mức thí điểm. Tại Hà Nội và một số thành phố khác, tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến.

Nếu như việc phát hiện, thống kê diện tích đất đai, nhà cửa công vụ bị sử dụng sai mục đích đã khó thì việc xử lý hậu thống kê lại càng phức tạp.

Kiểm tra tại Sơn La phát hiện việc sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh có diện tích sử dụng trái quy định lên tới 294,26ha. Cơ quan chức năng mới chỉ quyết định thu hồi 64,5ha (đất giao quá thời hạn nhưng vẫn "đắp chiếu").

Tại TP Hải Phòng, quyết định thu hồi 440,5ha của 3 tổ chức không triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định để giao lại cho tổ chức khác đang có nhu cầu bức xúc về đất đai.

Tỉnh Thái Nguyên thanh tra 22 tổ chức, phát hiện 8 tổ chức sử dụng đất đai trái quy định, kiến nghị thu hồi 223,7ha.

Tỉnh Bắc Ninh từ đầu năm đến nay thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với 59 hồ sơ, diện tích 263,3ha...

Trao đổi về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải thực hiện kiên quyết, thu hồi, xử lý dứt điểm, tránh tình trạng rà soát rồi để đấy vì trong thực tiễn, tổ chức, cá nhân vi phạm cũng đủ lý do để biện bạch. Sự nhập nhằng này gây bức xúc và không ít kiện cáo kéo dài

Phan Đăng
.
.
.