Mùa Xuân sưởi ấm người già cô đơn

Thứ Sáu, 04/02/2005, 07:56
Chuẩn bị đón một năm mới thì các cụ trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) cũng bận rộn không kém. Bởi việc thịt lợn, gói bánh chưng, trang trí lại nhà cửa, mua sắm... cũng chiếm khá nhiều thời gian.

Chị Trần Thị Hải, Phó Giám đốc trung tâm đưa chúng tôi tới khu nhà ở của các cụ. Tại đây, mỗi gian phòng được kê hai chiếc giường xinh xắn, có đầy đủ chăn, đệm ấm. Một không gian ấm áp, tràn ngập tình yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ là những gì chúng tôi cảm nhận được ở nơi này.

Vừa nghe giọng nói của chị Hải, cụ Nguyễn Thị Tành lần tìm cánh tay chị và ôm lấy như người mẹ lâu ngày mới gặp con. Cụ Tành sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Nam, sớm lập gia đình và sinh được một cô con gái. Nhưng rồi, bất hạnh cứ liên tiếp đổ ập lên đầu người phụ nữ yếu ớt ấy.

Chồng mất bỏ người vợ trẻ mới 21 tuổi và đứa con nhỏ. Khi nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đứa con gái 5 tuổi cũng đột ngột ra đi. Sống cùng gia đình chồng thêm một thời gian, cụ Tành bắt đầu cuộc sống không gia đình ở Hà Nội. Khi trông con thuê cho một gia đình ở phố Bạch Mai, nhìn cảnh gia đình người ta hạnh phúc, cụ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình.

Sau đó, cụ lang thang khắp đất Hà thành, làm hàng mã, bán hàng rong... Rồi tháng ngày trôi qua, tuổi già sức yếu, cụ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ. Sự thiếu tự tin trong cuộc đời khiến cụ cứ một mực xưng “cháu” với chúng tôi: “Cháu ăn hại tiền của nhà nước 8 năm nay rồi”- (cụ đã sống trong trung tâm này được 8 năm).

Trò chuyện với chúng tôi, những cơn xúc động mà cụ Tành dồn nén bao năm cứ chực bật ra. Cụ khóc, những giọt nước mắt của người già được cô đặc theo năm tháng sao chua xót đến thế: “Cháu nhớ ông Huân (chồng cụ) nhà cháu lắm, cả con bé nữa...”. Câu chuyện quá khứ trở về trong ngắt quãng...

Cụ Tẹo, cụ Hưng, cụ Ngọ, cụ Thêu... và rất nhiều người khác đều là những người bất hạnh, cả đời đi tìm kiếm hạnh phúc gia đình nhưng số phận thật nghiệt ngã. Cụ Ngọ được đưa về trung tâm trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt nặng. Cụ chẳng nhớ mình ở đâu và cũng không còn ai thân thích. Nhưng chỉ một thời gian sau, được sự chăm sóc tận tình của bác sỹ, nhân viên và sự chia sẻ tình cảm của các bạn già, sức khoẻ của cụ đã khá lên rất nhiều.

Hầu hết các nhân viên đều coi trung tâm như gia đình, coi các cụ như ông bà, bố mẹ mình nên đã bù đắp được phần nào sự thiếu hụt tình cảm cho những người già cô đơn này. Mỗi độ xuân về, tình cảm nồng ấm giữa những con người cùng cảnh ngộ lại được nhen thêm bằng sự quan tâm và cách tổ chức đón tết đặc biệt của lãnh đạo trung tâm.

Ai bảo người già  không còn tình yêu khác giới? Nhiều cụ ở đây cũng đã cảm mến nhau và sưởi ấm lòng nhau bằng những hành động tưởng chừng rất nhỏ như giúp kê lại chiếc giường, khâu lại đường áo sứt chỉ... Những tiếng cười già nua nhưng chứa chan tinh thần lạc quan vang lên như món quà quý gửi tặng cán bộ, nhân viên trung tâm.

Đã nhiều tháng ngày trôi qua, nhưng chị Phó Giám đốc của trung tâm cứ băn khoăn mãi về một hình ảnh chị gặp được khi trực tết Giáp Thân. Cụ Nguyễn Thị Tẹo đã 78 tuổi ngồi im lặng trước món ăn ngày Tết mà nước mắt rưng rưng. Chị Hải thắc mắc: “Đồ ăn ngon như vậy sao cụ không ăn?”. Cụ trả lời mà lòng đau như cắt: “Tôi buồn và nhớ con lắm . Một đứa con trai đã chết, một đứa con gái lấy chồng xa, còn một thằng chẳng biết phiêu bạt nơi nào. Không biết chúng đón Tết ra sao...”.

Đêm 28 Tết, cả không gian trung tâm tràn ngập hương thơm của mùi lá dong. Các cụ già ngồi quây quần bên nồi bánh chưng nói chuyện tết và kể chuyện tiếu lâm. Dường như tuổi trẻ đang quay trở lại với các cụ khi ai đó đề cập đến chuyện sống chung, người nọ gán ghép người kia...

Đêm 30 Tết, không khí trong trung tâm nhộn nhịp hẳn lên bởi đây là ngày các cụ tổ chức đón Tết tập trung. Các cụ được sống trong không khí đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc. Sáng mồng 1 Tết, lãnh đạo trung tâm và nhân viên đến từng phòng chúc tết các cụ. Các anh, các chị đã đem thêm chút hơi ấm tình người, xoá tan cái giá rét tưởng chừng đã đóng băng trong tâm hồn những người già cô đơn

Việt Hà
.
.
.