Một người ở cùng toà nhà bệnh nhân 714 trốn cách ly
- Bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 10 tại Việt Nam
- Bắc Giang, Lạng Sơn ghi nhận ca mắc đầu tiên, Việt Nam thêm 41 bệnh nhân COVID-19
73/184 hành khách trên chuyến bay VN7198 cư trú tại Hà Nội
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thế Cương, Bí thư, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm cho biết, liên quan đến ca bệnh 714 (là nhân viên xí nghiệp xe buýt 10-10, bệnh nhân COVID-19 thứ 3 của Hà Nội trong giai đoạn này), đến 15h chiều nay đã xác minh được 73 trường hợp F1, 162 trường hợp F2. Theo ông Cương, khu chung cư bệnh nhân sinh sống có hành lang rất nhỏ, lưu thông không khí kém, diện tích trung bình mỗi phòng chỉ khoảng 40 m2. Bệnh nhân sống cùng gia đình ở tầng 3.
Quận này cũng đã lấy được 100% mẫu các trường hợp liên quan đến ca bệnh 714 và gửi cho CDC Hà Nội xét nghiệm. Đáng chú ý, trong các trường hợp F2 của bệnh nhân trên, ông Cương thông tin liên quan đến ông Đào Ngọc Toàn (SN 1960) làm việc tại bệnh viện Medlatec, sinh sống cùng tòa nhà với bệnh nhân, đi làm về lúc 5h30 sáng 6-8, nhưng không phối hợp khai báo y tế và bỏ trốn khỏi khu vực cách ly.
Ông Trần Thế Cương cho biết, đến nay quận Bắc Từ Liêm vẫn không liên lạc được với ông Toàn. “Lúc sáng nay, khi thấy các lực lượng phong toả tại đây, ông Toàn không phối hợp khai báo và lên xe máy bỏ trốn. Chúng tôi đã liên lạc với bệnh viện Medlatec để gọi người này quay trở lại cách ly”, ông Cương nói. Quận cũng hướng dẫn các hộ gia đình trong khu vực phong toả thực hiện đúng quy định cách ly. Lực lượng chức năng kiểm tra sức khoẻ người dân 2 lần/ngày. "Sáng nay phát hiện 2 người có dấu hiệu ho, rát họng, đã lấy mẫu chuyển CDC đi xét nghiệm", ông Cương cho biết thêm.
Khu vực bệnh nhân 714 sinh sống đã được phong toả. Ảnh: tienphong.vn |
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tất cả các trường hợp F1 với ca bệnh 714 đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển tiếp cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao (quận Nam Từ Liêm).
Hiện tại 40 mẫu bệnh phẩm các trường hợp F1 đã được các đơn vị gửi lên CDC Hà Nội và đang chờ kết quả. “Người từ Đà Nẵng về Hà Nội trong thời gian qua rất lớn, nhưng việc tuân thủ cách ly chưa được chặt chẽ. Như bệnh nhân 714 có lịch trình đi lại phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực và cho nhiều người tiếp xúc.
Theo nhận định trong thời gian tới có thể ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn TP”, ông Hiền nói. Qua điều tra xác minh các trường hợp trên chuyến bay VN7198 từ Đà Nẵng về Hà Nội ngày 24-7 có 6 hành khách dương tính với COVID-19 (4 tại Lạng Sơn, 2 tại Bắc Giang), ông Hiền cho biết, lực lượng chức năng của TP đã ghi nhận 73/184 hành khách là người dân trên địa bàn Hà Nội. “Hiện các trường hợp này sức khỏe bình thường. Trong số này xác định có 33/73 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (ngồi cùng hàng ghế hoặc trước/sau 2 hàng ghế).
CDC Hà Nội đã hướng dẫn các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm đối với 33 người tiếp xúc gần theo quy định của Bộ Y tế”, ông Hiền nói. Tính đến 14h ngày 6/8, toàn TP đã có 96.479 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7.
Xem xét việc đeo khẩu trang ra nơi công cộng thành quy tắc chung
Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt khuyến cáo, quá trình xác định các F1 ngày càng tăng lên và phức tạp. Bởi khi Đà Nẵng công bố các trường hợp dương tính thì sẽ xuất hiện thêm nhiều F1 tại Hà Nội. Các trường hợp F1 đều được cách ly tập trung và F2 được khuyến cáo cách ly tại nhà. Thông tin về năng lực xét nghiệm, ông Việt cho biết hiện CDC đang có 5 RT-PCR, nhân lực lấy mẫu xét nghiệm 30 người và 30 người chạy máy; Hơn 214 cán bộ y tế tại quận huyện, có thể lấy được 10.000 mẫu/ngày.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại cuộc họp. |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xảy ra nhưng cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP nghiên cứu để nâng mức cao hơn nữa cho một số khu vực có ổ dịch có rủi ro cao hơn mức chung của toàn TP; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc vẫn còn nhiều người dân không đeo khẩu trang, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: "Đợt này tôi thấy người dân tự tin, tin tưởng vào Trung ương và TP, đây là điều rất đáng quý nhưng chúng ta không được chủ quan. Tất cả mọi người nên đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tham gia giao thông. UBND TP cũng nên xem xét đưa việc này thành quy tắc chung, kể cả khi hết dịch. Đây là vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân lâu dài".