Một thương binh nặng thành “thần y” chữa bỏng
Năm 1976, đang là công nhân Nhà máy Điện Uông Bí, Đào Viết Thoàn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính xe tăng Lữ đoàn 408. Cuối năm 1979, trong một lần đi công tác ở biên giới, Đào Viết Thoàn bị thương bất tỉnh nhân sự 20 ngày và được đưa về điều trị tại Quân y Viện 103 với những vết thương rất nặng.
Sau hai năm đánh vật với thương tật, nhiều vết thương đã thành sẹo nhưng riêng vết thương ở bàn chân phải mãi không lành. Viện Bỏng đã cấy ghép 4 lần mà vẫn không thể liền được. Thương binh Thoàn được các bác sỹ giới thiệu đến sư cụ Thích Đàm Lương trụ trì chùa Trắng, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội. Sư cụ cùng nhà chùa đã chế ra loại thuốc sinh cơ, nuôi thịt điều trị vết thương, vết bỏng cho các thương bệnh binh, bệnh nhân.
Bài thuốc mà sư cụ chữa cho Đào Viết Thoàn có những ưu điểm rất đặc sắc. Khi đắp vào vết bỏng hoặc bị chấn thương đều rất mát, không hề xót; thuốc nhanh chóng hút các chất bị hoại tử ra ngoài, đồng thời nuôi, kích thích tế bào còn sống. Đặc biệt khi bóc ra thay băng không hề dính vết thương. Sư cụ Đàm Lương lúc đó đã 96 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Sau 2 năm trời, vết thương ở bàn chân Thoàn mới lành lại được.
Thấy anh là người có quyết tâm, nghị lực, sáng dạ, chịu khó, sư cụ đã tận tình thụ giáo bí quyết chế thuốc và cách chữa bệnh bỏng. Từ đó, Đào Viết Thoàn xin đơn vị được chuyển về ở hẳn trong chùa để có điều kiện học tập.
Năm 1987, thương binh nặng Đào Viết Thoàn trở về quê hương với tài sản duy nhất là bài thuốc chữa bỏng bí truyền và vốn kiến thức y học tích lũy trong 5 năm. Hơn 20 năm qua, thương binh nặng Đào Viết Thoàn đã cứu chữa khỏi bệnh, giành lại sự sống, trả lại khả năng lao động và học tập cho hơn 15 ngàn bệnh nhân bỏng, chấn thương ở nhiều tỉnh, thành phố...
Riêng số bệnh nhân được "ông Thoàn bỏng" chữa trong 10 năm qua đều được ghi lại theo thứ tự bệnh án. Tính đến ngày 15/2 là 12.833 bệnh nhân.
Không thể kể hết được những bệnh nhân thập tử nhất sinh, bỏng nặng toàn thân, bỏng sâu vào tận xương, tận gân đã được ông cứu chữa khỏi, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là năm 1984, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ ở Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình bị bỏng do pháo nổ: Con trai mất trong bệnh viện, anh Sỹ và vợ cũng bị bỏng rất nặng. Sau 25 ngày, vợ chồng anh đã được chữa khỏi... Năm 1997, chị Vũ Thị Hương 19 tuổi ở Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Hưng bị tụt xuống lò vôi đang sôi sùng sục, cả hai chân và phần bụng chín thịt tận gân, bỏng 32% cơ thể, sâu độ 3. Sau 27 ngày đã khỏi. Bây giờ đã có gia đình chồng con đề huề...
Hiện tại lương y Thoàn đang điều trị nội và ngoại trú cho 67 bệnh nhân bỏng, trong đó có nhiều cháu nhỏ như Nguyễn Thị Nguyên 9 tuổi ở xã Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình ngã vào nước sôi bị bỏng vào mặt 16%, sâu độ 2-3; Vũ Văn Quyền khu I, thị trấn Ninh Giang, Hải Hưng bị bỏng hai tay, hai chân 14%, sâu độ 2 - 3...
Chỉ tính trong 10 năm gần đây, người thương binh này đã điều trị miễn phí cho gần 4.000 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; miễn phí hoàn toàn tiền thuốc, tiền công, tiền giường nằm, điện, nước cho tất cả bệnh nhân dưới 3 tuổi, cho 644 bệnh nhân là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, bệnh nhân bị tàn tật, bị tâm thần, động kinh, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.
Ông Thoàn cũng dành toàn bộ ngôi nhà tình nghĩa của mình làm cơ sở lưu trú và miễn hoàn toàn tiền giường nằm, tiền điện, tiền nước, tiền chất đốt cho 12.893 bệnh nhân với hơn 90 ngàn ngày người bệnh điều trị nội trú