Một số giáo viên tha hoá: Không phải do lương thấp

Thứ Năm, 21/09/2006, 08:30

“Nguyên nhân sâu xa sự suy thoái đạo đức chính là quy mô đào tạo không tương xứng chất lượng chuyên môn của giáo viên và một số giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý không giữ được phẩm chất nhà giáo, bị đồng tiền lôi kéo”, một đại biểu QH nhận định.

Lần đầu tiên, một khảo sát kỹ lưỡng về yếu kém của giáo dục trên góc độ người thầy (bao gồm đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) được UBTV Quốc hội thực hiện, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. "Không thầy đố mày làm nên" - chấn chỉnh yếu kém, tồn tại từ góc độ người thầy được xem là liệu pháp cơ bản để chấn hưng giáo dục.

Giáo viên chuẩn nghiệp vụ: cấp nào cũng hổng!

Ngày 20/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đưa ra con số khảo sát: Tỷ lệ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ mới chỉ đạt 76-80%. Tỷ lệ giáo viên phổ thông không đáp ứng yêu cầu chuyên môn cấp tiểu học 23,8%, trung học cơ sở 11,6%, trung học phổ thông 19,1%. Giáo viên chưa đạt yêu cầu sư phạm chiếm 20%... Đội ngũ giảng viên đại học thiếu trầm trọng, trung bình có 27 sinh viên/giảng viên.

Một khảo sát của Ủy ban cũng cho thấy, đội ngũ giảng viên đầu đàn được đào tạo một cách hệ thống ở nước ngoài từ những thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước hiện là những giáo sư, tiến sĩ có kinh nghiệm sư phạm. Trong khi đó, đội ngũ kế cận số này chưa được chuẩn bị ngang tầm để thay thế.

"Giảng viên đại học phải dành thời gian lớn cho nghiên cứu, cập nhật thông tin, kiến thức mới. Thế nhưng có giảng viên dạy thêm tới 3.000 giờ/năm, vậy còn lấy đâu thời gian nghiên cứu, nâng cao kiến thức" - ông Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách lo lắng.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các nước số giờ giảng của giáo viên đại học chỉ khoảng 400 giờ/năm nhưng ở ta thường trên 1.000 giờ/năm, không kể giờ dạy thêm. Tỷ lệ nghiên cứu khoa học đạt rất thấp.

Cán bộ quản lý chưa mạnh dạn chống tiêu cực

"Cán bộ quản lý giáo dục có xu hướng buông lỏng quản lý, không kiên quyết, xử lý nghiêm túc và đấu tranh với biểu hiện tiêu cực... Nhiều người còn tiếp tay cho tiêu cực" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan lo ngại.

5 nguyên nhân của yếu kém được UBTV Quốc hội phân tích cũng là 5 vấn đề lớn xã hội đang quan tâm đối với đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục. Đó là tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngang tầm yêu cầu mới, thiếu quy hoạch, đào tạo bài bản. Công tác quản lý giáo dục, trong đó có đội ngũ nhà giáo lỏng lẻo, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm không nghiêm, kỷ cương kỷ luật nhà trường xuống cấp... Đáng chú ý "đại bộ phận nhà giáo ít có điều kiện cập nhật kiến thức và phương pháp giáo dục hiện đại".

Không phải do lương thấp

Một vấn đề lớn trở thành tâm điểm tranh luận trong phiên họp hôm qua: Nguyên nhân sâu xa các yếu kém, tồn tại là gì? Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhận định: "Nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái đạo đức một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lương và thu nhập của nhà giáo, cán bộ quản lý không đủ sống nên họ đều phải tìm cách làm thêm để tăng thu nhập".

Tuy nhiên, nhận định này không được tán thành. Ông Tào Hữu Phùng nhất quán quan điểm: Nguyên nhân sâu xa sự suy thoái đạo đức chính là quy mô đào tạo không tương xứng chất lượng chuyên môn của giáo viên và một số giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý không giữ được phẩm chất nhà giáo, bị đồng tiền lôi kéo.

Còn về lương thấp, phụ cấp thấp chỉ là nguyên nhân thứ yếu bởi nếu cái tâm, cái đạo người thầy không được đề cao thì lương tăng đến mấy cũng khó đáp ứng yêu cầu. Sự suy thoái nằm ở bản lĩnh người thầy bị sa ngã... Quan điểm này cũng là quan điểm chung của các thành viên UBTV Quốc hội.

Nhiều giải pháp cũng được đưa ra, đáng lưu ý là giải pháp "thép": bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo chất lượng, chuẩn hóa, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao trình độ của 20% giáo viên phổ thông còn yếu năng lực nghiệp vụ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải được đào tạo bài bản, trong đó 2 trường sư phạm lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng cường mở rộng hợp tác nước ngoài...

Những vấn đề này tiếp tục được chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới

Phan Đăng
.
.
.