Một sản phụ bị xét nghiệm nhầm có HIV

Thứ Ba, 11/12/2007, 12:30
Vì có cơn đau đẻ sớm hơn dự định nên chị Hương phải vào Viện Y học cổ truyền Hà Nội. Khi chị Hương đẻ xong cũng là lúc bác sĩ thông báo chị có HIV. Cũng kể từ đấy, hai mẹ con chị Hương "được" các y tá, hộ lý chăm sóc một cách thờ ơ và trong tiếng xì xào của những người trong phòng bệnh.

Vì đang trên đường về Hà Nam để chăm sóc bố bị ung thư nên qua điện thoại, anh Đạt giới thiệu về mình và bảo chúng tôi đến gặp bà ngoại cháu bé vì bà luôn có mặt tại viện lúc vợ anh sinh con: Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Nở - bà ngoại cháu bé không giấu được nước mắt kể lại.

Xét nghiệm HIV bằng nước tiểu?

Con gái bà là chị Đào Thị Hương (22 tuổi) phải vào Viện Y học cổ truyền Hà Nội vì sinh thiếu tháng (7 tháng 10 ngày). Bà Nở cho biết, khi vào Viện, vì chị Hương lên cơn đau đẻ nên các bác sĩ chỉ kịp lấy nước tiểu của chị đi xét nghiệm.

Chị Hương đẻ xong lúc 2h17' ngày 1/12/2007 cũng là lúc có kết quả xét nghiệm. Và bà Nở đã lặng người đi khi bác sĩ thông báo con bà đã có HIV. Thấy nghi ngờ, bà Nở hỏi lại bác sĩ Tâm liệu việc xét nghiệm bằng nước tiểu chính xác bao nhiêu phần trăm thì được bác sĩ Tâm trả lời khoảng hơn 90%.

Nói vậy nhưng bác sĩ Tâm cũng động viên bà là cứ bình tĩnh vì cũng có thể nhầm ở khâu test (kiểm tra) nhanh. Còn mấy người hộ lý mà bà không nhớ rõ tên còn quay ra nói với bà: "Thế mà bà cứ khăng khăng là con bà không bị làm sao".

Đau khổ nhưng bà Nở vẫn cố tìm ra lý do để không tin vào cái tin sét đánh đó. Bà kể về câu chuyện tình yêu của các con bà. Hương là một cô gái ngoan, còn chồng cô trước kia là sinh viên đại học từng trọ học tại nhà bà. Yêu nhau được hai năm thì anh Đạt có quyết định được vào bộ đội chính quy theo tiêu chuẩn ở trường đại học.

Anh vào Đà Nẵng công tác được 3 năm thì hai người nên vợ nên chồng. Nghe bà kể đến đây, có người ở Viện Y học cổ truyền Hà Nội liền nói ngay: "Đấy, 3 năm xa nhau thì bà làm sao mà biết được chuyện gì đã xảy ra. Không khéo lại lây từ chồng cũng nên".

Đến lúc này thì bà Nở chợt chững lại, quả thật là điều này thì bà không thể biết rõ được... Bà chỉ còn biết thương con gái và cháu ngoại của bà. Vì con bà bị như vậy thì liệu cháu ngoại của bà có tránh khỏi căn bệnh nghiệt ngã đó không.

Chỉ cần nghĩ đến chuyện nếu mọi chuyện vỡ lở, mọi người xa lánh nó là bà đã đứt hết cả ruột gan rồi. Bà còn nghĩ đến chuyện sau này nếu không có ai chăm sóc cháu thì bà sẽ nhận trách nhiệm đó.

Khi bà ngoại chăm cháu bị AIDS...

Vì sinh thiếu tháng nên cháu bé có tên là Nguyễn Văn Tiến được chuyển lên Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Xanh Pôn để các bác sĩ chăm sóc. Mẹ cháu còn yếu nên việc chuyển viện và chăm sóc cháu bé cũng do bà ngoại đảm nhiệm.

Lên đến đây, bà cứ ngỡ rằng chắc sẽ không ai biết việc đã xảy ra và hi vọng cháu mình sẽ được chăm sóc chu đáo. Thế nhưng, khi bà ngồi chờ đến giờ vào chăm sóc cháu thì đã nghe phải những tiếng xì xào bàn tán của những người ở phòng chờ cho các bà mẹ rằng ở đây có một bà ngoại đi chăm cháu bị AIDS.

Bà lặng người, đau đớn. Rồi đến khi thấy cháu mình bị nằm trên chiếc giường lạnh lẽo vì không được sưởi ấm, không được tắm rửa như các cháu khác vì theo như các y tá, hộ lý bàn tán là "Mẹ cháu 17A bị HIV", bà vừa đau khổ vừa lo lắng về tình trạng sức khỏe nếu cháu không được chăm sóc thì sẽ ra sao.

Dù vậy, bà vẫn nén đau đớn, cùng với bác ruột và bà nội của cháu Tiến chăm sóc cháu. Thế rồi, chỉ được có mấy hôm, khi tình trạng sức khoẻ của cháu vẫn chưa khá lên, gia đình xin cho cháu xuất viện thì may sao, Viện Y học cổ truyền Hà Nội có thông báo với Bệnh viện Xanh Pôn là trường hợp xét nghiệm đó là không chính xác.

Theo như lời bà nội của cháu Tiến là bà Đặng Thị Cán thì sau khi biết thông tin đó, cháu Tiến mới được chăm sóc chu đáo. Bà Nở kể rằng, đến hôm chị Hương ra Viện, các bác sĩ mới mời Trung tâm xét nghiệm HIV về xét nghiệm cho chị Hương và bảo rằng hôm sau quay lại Viện để lấy kết quả.

Nhưng về đến nhà thì bác sĩ Tâm, người trực tiếp điều trị cho chị Hương đã gọi điện báo rằng kết quả xét nghiệm lần trước là không chính xác, nhưng gia đình bà Nở không nhận được lời xin lỗi nào.

Khi đến lấy giấy ra Viện, gia đình bà Nở đề nghị được xem phiếu xét nghiệm máu đợt trước đã xét nghiệm nhầm thì các bác sĩ từ chối mà chỉ đưa phiếu xét nghiệm máu mà Trung tâm xét nghiệm HIV thử lại mà thôi. Nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, cả bà Nở và chị Hương đều khẳng định là việc lấy máu để thử chỉ được lấy 1 lần duy nhất vào ngày chị Hương ra viện.

Chúng tôi đến Viện Y học cổ truyền Hà Nội để tìm hiểu thực hư thì được bác sĩ Tâm cho biết: "Mọi việc chỉ là hiểu lầm, người này truyền thông tin cho người kia nên thành "tam sao thất bản" thôi".

Theo bác sĩ Tâm thì Viện đã lấy máu xét nghiệm cho chị Hương chứ không phải xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ Tâm cũng nói với bà ngoại của cháu rằng đây chỉ là test thử nhanh nên chưa thể kết luận được.

Khi chúng tôi hỏi, thế bao lâu sau thì các bác sĩ cho chị Hương đi xét nghiệm lại thì chị Tâm khẳng định là ngay sau khi có kết quả xét nghiệm lần trước, tức là ngay sau khi chị Hương sinh cháu. Nhưng chị lại không nhớ được chính xác là vào thời điểm nào.

Chị Tâm cho chúng tôi xem hồ sơ bệnh án của chị Hương, ngoài các xét nghiệm khác, chúng tôi thấy có phiếu xét nghiệm tế bào máu ngoại vi. Trong phần xét nghiệm HIV thấy ghi số 0, phần kết luận ghi: "HIV: đã thử bằng test HIV 1/2. Kết quả không xác định. Đề nghị thử lại ở 50C Hàng Bài". Phiếu xét nghiệm có ghi ngày 1/12/2007 nhưng phiếu xét nghiệm không có số.

Bác sĩ Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Viện Y học cổ truyền Hà Nội cho biết: "Viện chỉ được phép thông báo với gia đình bệnh nhân là nghi ngờ nhiễm HIV chứ không được kết luận là có hay không. Vì nếu nghi ngờ thì phải thử thêm 3 phản ứng nữa mới kết luận được". Bác sĩ Bình cũng khẳng định: "Không phải là xét nghiệm nhầm vì chúng tôi chỉ mới nghi ngờ thôi"

Dù là nhầm lẫn hay nghi ngờ thì các y, bác sĩ Viện Y học cổ truyền Hà Nội đã thiếu sót trong việc truyền đạt lại cho gia đình bệnh nhân khiến họ lâm vào tình trạng hoang mang, lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến danh dự của bệnh nhân khi thông tin đó lọt ra ngoài.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị của một số y, bác sĩ và những người xung quanh với người có HIV cũng là điều đáng lên án. Trước đây, cũng đã từng có trường hợp mà hậu quả đáng tiếc xảy ra cũng vì bị xét nghiệm nhầm HIV như trường hợp của một cô giáo ở Quảng Ninh bị xét nghiệm nhầm HIV, dẫn đến việc cô phải bị cách ly con rồi hậu quả là cháu bé bị tử vong.

Thiết nghĩ, ngành Y tế nên xem xét và thận trọng hơn trong việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện để tránh tình trạng nhẫm lẫn đáng tiếc dẫn đến những hậu quả khôn lường

Hồng Hạnh - Nguyễn Hương
.
.
.