Một nữ Công an 40 năm bảo vệ hài cốt thủy thủ tàu không số

Thứ Năm, 26/07/2012, 20:03
Kể lại việc làm âm thầm lặng lẽ của mình suốt 4 thập kỷ qua, người phụ nữ tuổi đã ngót 70 nghẹn ngào: "Thương lắm, ngày đó (16/4/1972) chú ấy còn trẻ, mặc quần áo hải quân, nằm sấp dưới bãi cói…"

Tròn 40 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Binh nhất Dương Thành Hiến, chiến sĩ đoàn  tàu "không số" hy sinh ngày 16/4/1972 đã được trở về nghĩa trang quê nhà, bên những người thân. Tại buổi lễ truy điệu anh, bát hương bỗng cháy bùng lên như một sự "ứng nghiệm" thiêng liêng của người đã khuất. Cảm ơn một nữ cán bộ Công an TP Cảng Hải Phòng đã mấy chục năm ròng gìn giữ phần mộ của liệt sỹ.

Chúng tôi gặp bà Đào Thị Minh tại lễ truy điệu liệt sỹ Dương Thành Hiến, chiến sĩ đoàn tàu không số hy sinh cách đây 40 năm, được bà giữ gìn hài cốt cho đến tận ngày nay.

Xuất thân từ gia đình nghèo ở huyện Ninh Giang, Hải Dương. Năm 1967, vừa mới kết hôn, bà Minh đã phải tiễn chồng là ông Trần Văn Uông (tức Min), sĩ quan của một Cục Nghiệp vụ thuộc Bộ Công an lên đường chi viện An ninh miền Nam và  tình nguyện tham gia lực lượng dân quân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng "chia lửa" với chồng ở chiến trường.

Trong một lần vác đạn phục vụ trận địa pháo, không may bà bị sẩy thai. Nhưng ba ngày sau, người ta lại thấy bà xông xáo tiếp đạn trận địa pháo trong khói bom mịt mùng. Thế rồi bà Minh được tuyển vào làm nhân viên khối Văn phòng Bộ Công an cùng với mẹ chồng là cụ Lê Thị Cuông (tức Côn), chuyên phục vụ tại nơi làm việc và tiếp khách cho cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.

Tới năm 1982, bà Đào Thị Minh được chuyển về Phòng PX15 - Công an TP Hải Phòng. Cư trú cùng chồng, con tại số nhà 507, đường 5-2, phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho tới ngày hưu trí.

Kể lại việc làm âm thầm lặng lẽ của mình suốt 4 thập kỷ qua, người phụ nữ tuổi đã ngót 70 nghẹn ngào: "Thương lắm, ngày đó (16/4/1972) chú ấy còn trẻ, mặc quần áo hải quân, nằm sấp dưới bãi cói…". Rồi bà kể, khi ấy đang công tác tại Văn phòng Bộ Công an, nghe tin B52 rải thảm ở thôn Cam Lộ, ruột nóng như lửa không biết tin tức người thân, bà xin phép cơ quan về thăm nhà 5 ngày. Khoảng 10h sáng 16/4/1972, trong lúc tranh thủ đi bắt cáy ở bãi gần bến Lâm, sông Cấm, bất ngờ bà thấy một thanh niên mặc quần áo đại cán hải quân nằm sấp giữa bãi cói mọc cao vượt đầu người. Bà Minh vội chạy về gọi bà con ra cùng giúp. Xem kỹ, trên ngực áo ngoài của nạn nhân còn rõ hàng chữ: "Bộ đội Củ Chi - Đoàn tàu không số vận tải hàng Bắc Nam".

Bỏ hết việc nhà, bà Minh tất tả chạy đi mua áo quan, kiếm vải sô, áo mưa, thùng múc nước… cùng với 2 người trong thôn đưa chiến sỹ tầu không số lên một chiếc áo mưa, tắm rửa sạch sẽ, làm các thủ tục an táng cẩn thận cho anh ngay sát khu mộ họ tộc chồng bà phía sau nhà.

Bà Đào Thị Minh trong lễ tiễn đưa hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang.

Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, bà Minh chỉ cố gắng làm được như vậy rồi lại vội vàng lên đơn vị. Biết bao vất vả trên vai, song mỗi lần bà tranh thủ về thăm nhà, bà vẫn dành thời gian chăm sóc phần mộ của chiến sỹ vô danh và không quên báo cáo chính quyền xã quan tâm tìm kiếm thân nhân người đã hy sinh.

Chiến tranh qua đi, từ ngày được chuyển công tác về Hải Phòng, bà Minh mới có điều kiện thăm nom, hương khói rất chu đáo, cẩn thận phần mộ người chiến sĩ, nhất là những ngày lễ, Tết, mùng "Một", hôm "Rằm". Trong bà luôn đau đáu một nỗi niềm, phải bảo vệ cẩn thận hài cốt và sớm tìm được thân nhân người đã hy sinh.

Trong rất nhiều năm, bà liên tục gặp chính quyền phường để đề nghị, song tất cả vẫn vô vọng. Đầu năm 2011, sau nhiều đêm trăn trở, bà gặp ông Vũ Xuân Hiếu, Chủ tịch mới của UBND phường bàn kỹ phương án. Bằng nhiều kênh thông tin, cho tới đầu năm 2012, Cục Chính sách thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân đã đến tận Cam Lộ, khẩn trương lập hồ sơ.

Kết quả giám định mẫu ADN tại Viện Pháp y, Bộ Quốc phòng cho thấy, người được bà Minh tìm thấy và giữ gìn hài cốt chính là liệt sỹ Dương Thành Hiến, SN 1950, quê gốc tại tổ 3, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Liệt sỹ Hiến là một trong 8 sĩ quan, chiến sỹ của con tàu không số có trọng tải 200 tấn, thuộc Đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân. Con tàu này đã xuống đủ hàng, chuẩn bị nổ máy vào miền Nam đã bị trúng bom Mỹ. Đến nay, duy nhất mới tìm được hài cốt của liệt sỹ Dương Thành Hiến...

Suốt 40 năm qua, bà Đào Thị Minh hết lòng chăm lo, bảo vệ phần mộ và giữ gìn cẩn thận hài cốt của liệt sỹ, ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long, có một người mẹ hàng chục nghìn ngày đêm khắc khoải mong chờ tin của đứa con trai. Ông Dương Thanh Hiên- một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu và là anh cả trong số 7 anh em của gia đình kể lại: hè năm 1970, Dương Thành Hiến lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Trung đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân, đóng ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

2 năm sau, cũng vào một ngày hè năm 1972, mưa tầm tã, cụ bà Đỗ Thị Gái gọi ông Hiên nói "Không hiểu em Hiến thế nào mà mẹ nóng cháy cả ruột gan". Quả nhiên, gia đình ông ngay đó nhận được giấy báo tử từ Bộ Tư lệnh Hải quân gửi về ghi rõ: "Không còn thi hài và di vật". Người mẹ chỉ nhận được duy nhất tấm ảnh 4x6 của con trai mặc quân phục. Trong nỗi đau, cụ Gái đã âm thầm nhờ người lập một ngôi mộ giả theo cách "xương dâu, đầu gáo" (xương làm bằng thân cây dâu, còn đầu làm bằng gáo dừa già) để có nơi thắp hương tưởng nhớ con.

Cũng theo ông Hiên, những người còn lại trong gia đình hầu như tuyệt vọng, không nghĩ rằng sẽ tìm được hài cốt của người thân. Cho đến khi nhận được thông báo, cả nhà xúc động không thể tin được đó là sự thật, không thể nói hết sự cảm động, biết ơn tấm lòng của "bác Minh Công an". Gia đình ông đã quyết định nhận bà là chị cả trong nhà.

Còn ông Dương Quý Lợi, em ruột liệt sĩ - nguyên sĩ quan Công an tỉnh Quảng Ninh tâm niệm: "Chuyện bác Minh đáng được coi như một... huyền thoại giữa đời thường. Gia đình tôi không biết làm gì để xứng đáng với công lao của bác. Mẹ tôi nơi suối vàng hẳn vợi đi nỗi khắc khoải chờ con"

Quốc Phòng - Văn Thịnh
.
.
.