Triển khai chính sách hỗ trợ các hộ dân nuôi tu hài chết hàng loạt tại Vân Đồn:

Một năm trôi qua, chưa ai nhận được tiền

Thứ Sáu, 20/09/2013, 15:01
Dịch bệnh trong năm 2012 đã khiến tất cả các doanh nghiệp, hộ nuôi tu hài tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trắng tay với tổng số bị chết lên đến 200 triệu con, thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

Tháng 9/2012, tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 2322/UBND quy định về chính sách hỗ trợ khẩn cấp tiền mua con giống để khôi phục sản xuất. Kèm theo quyết định này, tỉnh cũng đã bố trí nguồn tiền hỗ trợ hàng chục tỷ đồng giao cho Sở tài chính thực hiện giải ngân hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay đã tròn một năm nhưng chưa có hộ nào nhận được được tiền.

Nguyên nhân chậm trễ giải ngân không có gì mới so với thời điểm triển khai hỗ trợ đã gặp ngay vướng mắc. Nghĩa là, các ngành chức năng vẫn chưa thống nhất cách xác định giá trị thiệt hại của từng hộ nuôi, nên hỗ trợ theo bình quân theo hạng mục hộ cá thể, tập thể, doanh nghiệp hay căn cứ vào hóa đơn chứng từ mua con giống, hay xác nhận của chính quyền địa phương về quy mô nuôi.

Theo Sở tài chính, để nhận được hỗ trợ ít nhất các hộ nuôi phải xuất trình văn bản, chứng từ có giá trị thanh toán về việc mua con giống tại mùa vụ trước khi xảy ra dịch bệnh (2012). Nếu không có các loại giấy tờ này thì Sở Tài chính không thể nào xuất chi, tất toán được, vì đây là tiền ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do nghề nuôi tu hài tại Vân Đồn phát triển và hình thành như một nghề truyền thống, tập quán nuôi thả không căn cứ vào quy định, hướng dẫn nào.

Việc mua con giống hoàn toàn tự do, có khi chỉ là trao đổi: Nhận giống của các đơn vị cung cấp và sau đó bán lại bằng tu hài thương phẩm. Một số hộ mua giống tại các trung tâm sản xuất giống thủy sản địa phương nhưng cũng không hề nghĩ đến việc lấy hóa đơn chứng từ, đơn giản chỉ vì sản xuất và kinh doanh hoàn toàn tự do, từ trước tới khi xảy ra dịch chưa hề có cơ quan nào nhắc nhở, kiểm tra về hóa đơn chứng từ.

Ngay sau khi có quy định của Sở Tài chính về hóa đơn xác nhận mua giống, Cty TNHH Đỗ Tờ, doanh nghiệp lớn nhất tại Vân Đồn chuyên về sản xuất giống và nuôi tu hài liên tục bị các hộ đến đặt vấn đề xin được cấp lại "hóa đơn". Song, Cty này khẳng định chỉ xuất hóa đơn cho những trường hợp thực mua của họ nhưng số này rất ít. Đặc biệt, ngay cả khi các hộ đã "xoay" được hóa đơn GTGT về việc mua giống thì cách tính hỗ trợ của Sở tài chính cũng không đáng kể. Hộ thiệt hại 200 triệu đồng nhưng chỉ có thể nhận hỗ trợ chừng vài triệu nên người dân đã không mặn mà.

Trước những vướng mắc này, UBND huyện Vân Đồn đề xuất nên hỗ trợ theo đầu hộ ở mức đại lượng bình quân. Như thế, số tiền hỗ trợ dao động từ 30-50 triệu đồng/hộ. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để mua con giống tiếp tục chăn nuôi. Huyện cũng đã giao cho Phòng NN-PTNT thay mặt các hộ nuôi thực hiện các việc điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, lên danh sách số hộ để huyện xác nhận. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không được chấp nhận. Vì hộ thiệt hại nhiều hay ít, doanh nghiệp to hay nhỏ đều được hỗ trợ mức như nhau. Quan trọng hơn là vẫn không thể quyết toán được nếu không có hóa đơn chứng từ. Do đó, công tác hỗ trợ lại quay về theo cách cũ: Nhất định phải theo Quyết định 2322/UBND, tức là bắt buộc phải có hóa đơn chứng từ mua giống.

Thực hiện quyết định trên, UBND huyện Vân Đồn đã tiếp nhận 888 hồ sơ của các cơ sở nuôi tu hài bị thiệt hại trên địa bàn. Tuy nhiên qua thẩm tra, xác minh hầu hết các hóa đơn, chứng từ mua bán con giống tu hài của các cơ sở đều không có đủ căn cứ. Cụ thể, trong số 912 hóa đơn kê khai, có rất nhiều hóa đơn bán lẻ ghi số tiền mua con giống tu hài có giá trị từ 200 triệu đồng cho đến hơn 10 tỷ đồng. Đây là điều rất bất bình thường, Bởi không có hộ nào có đủ quy mô lồng để thả nuôi cùng lúc hàng tỷ đồng tu hài giống.

Tìm hiểu vấn đề này, nhiều hộ nuôi cũng thẳng thắn thừa  nhận với PV Báo CAND, hầu hết các hộ dân đều thẳng thắn thừa nhận việc hợp thức hóa hóa đơn là theo yêu cầu của tỉnh, của huyện nhằm đủ điều kiện nhận hỗ trợ chứ bản thân họ không hề có ý định trục lợi. Việc kê khai cao số tiền mua giống chỉ với suy nghĩ giản đơn: Họ tính tỷ lệ giảm trừ, chỉ hỗ trợ một phần nào trong tổng vốn đầu tư là vừa chứ không có ý định gian dối.

Nghịch lý ở chỗ, dân thiệt hại, nhà nước chia sẻ hỗ trợ nhưng một năm đã trôi qua, chính sách kịp thời như thế mà đến nay chưa hộ nuôi nào nhận được tiền đền bù. Thực tế này cũng đủ để UBND tỉnh cần thay đổi quy định về thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện để người dân sớm được nhận tiền tái đầu tư sản xuất

Lê Minh Triết
.
.
.