Một gia đình có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Ngày cuối tuần, tôi về Cai Lậy (Tiền Giang) thăm mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Mến (má Sáu Mến) một gia đình có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Mẹ VNAH Trần Thị Mến năm nay đã ngoài 88 tuổi, da của má trổ đồi mồi theo quan niệm của người xưa đó là dấu hiệu sống thọ. Có ai đến thăm, má vui lắm, mừng hệt như con cháu về chơi. Thường ngày, má Sáu sống trong căn nhà tình nghĩa ở TP Mỹ Tho, gần chân cầu Bến Tre. Được mươi hôm thì buồn, thấy tù túng nên má về trên quê sống với chị Năm.
Mẹ VNAH Trần Thị Mến. |
Ngồi bên chái hiên nhà, xung quanh nhà là vườn cây trái sum suê, đung đưa, gió mát lồng lộng thổi từ bờ kinh tràn vào, không khí trong lành, thanh tịnh hợp với người cao tuổi, má Sáu kể chuyện, người con trai đầu của má là Lê Văn Mum, sinh năm 1948, thoát li năm 1961 thuộc đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 514A tỉnh Mỹ Tho. Anh bị thương và bị địch bắt trong một trận đánh giáp lá cà với địch vào ngày 2/3/1963. Bọn địch tra tấn dã man, đày khắp các nhà tù Mỹ Tho, Chí Hòa rồi Côn Đảo và anh đã hy sinh, nằm lại nghĩa trang Hàng Dương.
Con gái thứ ba của má là chị Lê Kim Hoàng, 59 tuổi, thương binh 3/4, thoát li cách mạng làm giao liên từ năm 16 tuổi, sau đó theo Đoàn Văn công tỉnh đến năm 1980 nghỉ hưu.
Anh Lê Văn Đạt sinh năm 1952, tham gia cách mạng từ năm 1967, là trinh sát Tiểu đoàn 261, hy sinh trong một trận công đồn ngày 9/3/1969…
Kể đến đây, đôi mắt má rơm rớm vì xúc động. Ngày Út Đạt cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày chồng má, ông Lê Văn Chăn, chiến đấu với giặc hy sinh tại kinh Chà Là, tỉnh Kiến Tường (Long An).
Má Sáu nói: “Chắc là hai cha con đã gặp nhau dưới suối vàng, không biết có nhận ra con không?”. Cơn sóng xúc động tràn qua và dần lắng dịu xuống như cơn sóng Rạch Gầm ngoài sông Tiền chồm lên trong gió bão và lắng dịu nhẹ nhàng vỗ bờ. Chồng và con trai má đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Má chôn chặt nỗi đau trong lòng, hăng hái đi vận động bà con tiếp tế, nuôi giấu cách mạng.
Có hai lần má Mến bị địch bắt đánh đập, khảo tra, nhưng quyết không khai nửa lời. Cuối cùng, chúng phải thả ra, vì không làm gì được “bà già Việt cộng”. Năm 1995, má Sáu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Mẹ của má Sáu là cụ Nguyễn Thị Hiển, sinh năm 1898, nhà ở ngay bến đò ngang qua rạch Bà Thửa. Theo lời má Sáu kể, năm 1916 cụ Hiển lập gia đình với cụ Trần Văn Hoanh, sinh hơn 10 người con. Cụ bà Nguyễn Thị Hiển có 3 người con liệt sĩ là các ông Trần Thanh Liêm, sinh năm 1929, cán bộ Tỉnh đội Mỹ Tho hy sinh trong một trận chống càn ngày 9/11/1967, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Người con kế là ông Trần Văn Thanh, sinh năm 1932, là Xã đội trưởng Tân Bình, huyện Cai Lậy, chiến đấu và hy sinh trong một trận chống càn tại quê nhà ngày 2/10/1969. Con gái út là bà Trần Thị Minh (Út Xiếu) sinh năm 1940, Tiểu đội trưởng Hậu cần Tỉnh đội Mỹ Tho, đã hy sinh ngày 1/2/1970. Chồng của cô Út Xiếu cũng là một cán bộ cách mạng đã hy sinh trước đó không lâu.
Cụ Hiển đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay sau vườn nhà, thường xuyên tiếp tế cách mạng. Căn hầm bí mật vẫn còn như một di tích lịch sử của gia đình. Một lần địch đi càn, dùng cây nhọn xăm hầm bí mật để tìm nơi ẩn nấp của cán bộ nằm vùng. Trong tình thế nguy cấp, một đồng chí cán bộ nấp dưới hầm bật nắp lên, tung lựu đạn tiêu diệt mấy tên địch gần đó rồi chạy thoát về mé kinh an toàn.
Trong kháng chiến, cụ Hiển là Hội trưởng Hội mẹ tiếp tế Việt Minh, con gái Sáu Mến là Hội trưởng Hội chị tiếp tế Việt Minh. Cả gia đình từ ông bà đến con cháu đều làm cách mạng. Vì thế, CIA Mỹ và ngụy thường gọi gia đình má Sáu Mến là “đại gia đình Việt cộng”. Cụ Nguyễn Thị Hiển mất tháng 9/1973, ngày 17/12/1994 Nhà nước truy tặng cụ danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong nhà cụ Hiển, con gái đầu lòng là bà Trần Thị Đấu. Chồng bà Đấu là đồng chí Lê Văn Cưỡng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường, bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Bà Đấu cho hai con là Lê Văn Điểm và Lê Thị Tám tiếp gót cha chiến đấu, hy sinh để trả thù nhà, nợ nước.
Mẹ VNAH Đặng Thị Biểu. |
Con dâu thứ tư của cụ Hiển là bà Đặng Thị Biểu, sinh năm 1920 ở ấp Cầu Dừa, xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy (Tiền Giang) trong số năm người con tham gia cách mạng, có ba liệt sĩ. Ngày 17/12/1994, bà Biểu được Nhà nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng lúc với mẹ chồng là cụ Nguyễn Thị Hiển. Cụ Hiển, còn có con gái thứ bảy là bà Trần Thị Ngộ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Tám và con gái là liệt sĩ Nguyễn Thị Dung. Có người con trai là Nguyễn Văn Tràng bộ đội Tiểu đoàn 281- Mỹ Tho.
Trong một lần đi công tác, anh tạt qua nhà thăm mẹ bị địch phục kích bắn chết. Nếu anh Tràng được công nhận liệt sĩ, hẳn đến nay gia đình của cụ Hiển sẽ có 4 người là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với trên 20 liệt sĩ là con cháu, dâu rể…
Đất nước Việt Nam anh hùng có hàng triệu người mẹ, người phụ nữ anh hùng, bất khuất như cụ Hiển, má Sáu Mến…