Xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Quan Lạn bất chấp chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh:

Một di tích cấp quốc gia ngàn năm tuổi đang bị tàn phá

Thứ Sáu, 14/11/2014, 09:30
Bỏ qua khuyến cáo của các chuyên gia khảo cổ học và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại khu Cống Cái (thuộc thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn). Đây là vị trí được coi là vùng lõi của hệ thống di tích lịch sử thương cảng cổ Vân Đồn, đã được xếp hạng là di tích quốc gia và nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh Quảng Ninh.

Cố tình vi phạm để tạo sự đã rồi

Ngày 28/5, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh nhận được thông tin UBND huyện Vân Đồn đã cho xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tại khu vực Cống Cái. Thông tin trên được xác nhận sau khi một công nhân lái máy xúc san nền đã bất ngờ phát hiện nhiều cổ vật quý phát lộ trong khu vực xây dựng nhà máy.

Để làm rõ vụ việc, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh đã mời các chuyên gia khảo cổ, trong đó có chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam trực tiếp đến Quan Lạn kiểm tra, khảo sát. Biên bản của đoàn kiểm tra có sự chứng kiến của lãnh đạo UBND huyện được lập tại hiện trường ghi rõ: “Toàn bộ diện tích đã được san gạt là 500m2, trong đó 200m2 đã được đổ bê tông để xây dựng nhà máy đều nằm trong vùng gốc bến Cống Cái thuộc khu di tích lịch sử thương cảng cổ Vân Đồn. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng di tích và vi phạm Luật Di sản văn hoá, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối 24/24h đối với hiện trường và các hiện vật thu được tại hiện trường…”.

Ngày 19/6/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 3349/UBND-VX1 gửi UBND huyện Vân Đồn và các sở, ban, ngành liên quan, yêu cầu tiến hành thám sát khảo cổ tại một số vị trí trong khu vực. Trong thời gian nghiên cứu xác định giá trị và phạm vi bảo vệ đối với di tích, UBND huyện Vân Đồn phải tạm dừng các hoạt động xây dựng công trình.

Cổ vật được phát hiện tại khu vực xây dựng lò đốt rác.

Với những chỉ đạo quyết liệt đó, tưởng như các vi phạm sẽ được khắc phục; tuy nhiên, ngày 21/10, UBND huyện Vân Đồn có văn bản tường trình ghi rõ, huyện và Ban Quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh đã tổ chức làm việc và xác định, công trình nhà máy xử lý rác thải xây dựng tại Quan Lạn chỉ có một số hạng mục gồm: đường công vụ phía biển, đê ngăn và các ô chôn lấp tro sau đốt là nằm trong vùng lõi bảo vệ của di tích, các hạng mục còn lại kể cả vị trí đặt lò đốt rác đều nằm trong vùng đệm. UBND huyện kiến nghị điều chỉnh ranh giới vùng đệm để giữ nguyên vị trí lò đốt rác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và trên thực tế bản đồ qui hoạch của khu di tích lịch sử thương cảng cổ Vân Đồn thì toàn bộ khu vực đặt nhà máy đều nằm trọn trong vùng lõi của di tích, không hiểu căn cứ vào cơ sở nào để huyện Vân Đồn lại có lý giải như trên. Điều đáng quan tâm hơn là mặc dù đã có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, vụ việc còn đang chờ giải quyết nhưng UBND huyện Vân Đồn tiếp tục cho xây dựng xong nhà máy, tiến hành hoạt động thử và đề nghị bàn giao. Phải chăng UBND huyện đã cố tình đưa sự việc vào thế “sự đã rồi”, để giữ lại dự án, bất chấp các quy định của luật pháp.

Hủy dự án, cứu di sản

Luật Di sản văn hóa điều 32, khoản 1 và 2 quy định:  Vùng 1 (vùng lõi, gốc) bao gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt, giữ nguyên hiện trạng, môi trường. Vùng 2 (vùng đệm, vùng bao quanh khu vực di tích), có thể được bố trí xây dựng các công trình phục vụ việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT&DL đối với Di tích cấp quốc gia. 

Vùng lõi khu di tích bị xâm phạm nghiêm trọng.

Căn cứ vào các quy định trên thì việc xây dựng nhà máy chế biến rác thải tại khu bến Cống Cái là sự vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Có mặt tại bến Cống Cái, PV được các hộ dân ở đây cho biết khi xây dựng nhà máy, người dân trong thôn hoàn toàn không được thông báo về quy mô, tính chất, mức độ đầu tư của dự án. Gần đây khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi lần đốt rác mùi khét bay ra, cả thôn không ai chịu nổi với khói độc, nhà nhà đều bị ruồi nhặng bu đen. Điều đáng lo lắng hơn là hồ chứa rác thải và tro nằm ngay đầu nguồn, nước từ đây chảy thẳng ra bãi triều sẽ huỷ diệt các loài thủy sản, đặc biệt là sa sùng, loài thủy sản đặc hữu của người dân Quan Lạn. Điều này cũng có nghĩa nguồn sống của hàng trăm hộ dân ở đây đang bị đe dọa…

Như vậy, việc UBND huyện Vân Đồn bất chấp chỉ đạo của cấp trên đã rõ. Việc thay đổi quy hoạch đưa dự án tới một nơi khác không chỉ là điều cấp thiết để cứu một di sản cấp quốc gia mà còn là một việc làm hợp đạo lý, hợp lòng dân.

Bà Hứa Thị Diễm, một trong những hộ dân ở ngay sát khu xử lý rác cho biết:

Trong khu vực xây dựng nhà máy hiện vẫn còn một giếng cổ từ ngàn xưa để lại, người dân vẫn tới lấy nước để dùng, gần đó là nền của ngôi đình cổ đã được người dân trong thôn dựng tạm lại để làm nơi thờ cúng thần linh… Không hiểu vì lý do gì UBND huyện Vân Đồn lại cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại đây, việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến di tích mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Trịnh Mạnh
.
.
.