ĐH Quốc gia Hà Nội hiến kế phương án mới cho kỳ thi quốc gia

Một bài thi trắc nghiệm duy nhất với một buổi thi duy nhất

Thứ Hai, 25/08/2014, 17:47
Chỉ còn ít ngày nữa, Bộ GD & ĐT sẽ công bố phương án cho một kỳ thi quốc gia chung. ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐH QG HN), với tư cách là một trường đại học lớn đã mạnh dạn đề xuất phương án cho kỳ thi quốc gia chung (gọi tên là “kỳ thi hợp nhất”). Dự kiến, phương án mới này sẽ được ĐH QG HN trình Thủ tướng vào ngày 26/8.

Về quan điểm, ĐH QG HN cho rằng, việc thiết kế và triển khai một kỳ thi hợp nhất đơn giản, khách quan có độ tin cậy cao là một nhu cầu thực tiễn cấp bách. Học sinh đã được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) đã được áp dụng cho các môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi “ba chung” giúp cho thí sinh và xã hội  dễ dàng thích ứng với các loại đề thi này.  

Kỳ thi hợp nhất được ĐH QG HN đề xuất theo phương án: Một bài thi duy nhất với một buổi thi. Sẽ tách “thi/đánh giá” ra khỏi “xét tốt nghiệp hay tuyển sinh”. Việc này giúp thí sinh tránh áp lực “đỗ/trượt”, tạo điều kiện các thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi. Về cấu trúc bài thi: Bài thi Tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: Toán; Ngữ văn; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu TNKQ. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu TNKQ. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi. 

Những áp lực thi cử có thực sự giảm nhẹ trên đôi vai người học?

Các môn Toán và Ngữ văn và hai hợp phần khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).

Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Tổng số   điểm tối thiểu là 0, tối đa là 180. Việc thi và chấm thi được thực hiện trên máy tính trong các phòng thi chuyên dụng.  Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể “nhìn bài nhau” và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc thi và chấm thi trực tiếp trên máy tính sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực so với việc giám khảo trực tiếp chấm bài thi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Việc coi thi được thực hiện bởi các cán bộ được tập huấn  về nghiệp vụ có liên quan tới kỳ thi.

Kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015 tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ; từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất. Kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5 để thí sinh không đạt yêu cầu hoặc mong muốn có kết quả cao hơn có thể thi lại.

Thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành. Việc đăng ký thi sẽ thực hiện qua mạng internet. ĐH QG HN có đủ nguồn cán bộ giảng viên thuộc tất các các chuyên môn theo yêu cầu ra đề theo cấu trúc và dạng thức của Bài thi Tổng hợp. Trường đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn câu hỏi đánh giá năng lực với gần 4000 mục hỏi (item) thuộc các hợp phần khác nhau. Năm 2015 cần có 4.500 câu hỏi đã chuẩn hóa. ĐH QG HN cũng đã thành lập Trung tâm Khảo thí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này

Tuấn Minh
.
.
.