Mong manh đê biển

Thứ Bảy, 01/10/2011, 12:29
Diễn biến phức tạp của sóng biển đang ngày đêm tàn phá đến vùng bán đảo Cà Mau. Để kéo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và của, bên cạnh những giải pháp mang tính "chữa cháy", hai địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại nhất do sóng biển đang tích cực đề ra phương án lâu dài và rất cần sự quan tâm của Chính phủ.

Bất lực nhìn… đất lở

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đê biển Đông sẽ được đầu tư xây dựng từ khu vực vàm Chung Kiết (huyện Đầm Dơi) đến sông Bảy Háp (huyện Năm Căn) với tổng chiều dài gần 80km. Tuy có rừng phòng hộ nhưng thời gian qua, có nhiều khu vực bị sạt lở lấn sâu vào đất liền bình quân từ 5m - 20m/năm.

Toàn tuyến đê biển Tây của Cà Mau dài gần 93km (từ cửa sông Bảy Háp, huyện Phú Tân chạy dài đến Tiểu Dừa giáp ranh huyện An Minh - Kiên Giang). Cách nay hơn 10 năm, khi mới được đầu tư xây dựng, mặt đê biển Tây này rộng 6m, nằm khuất sâu trong dãy rừng phòng hộ nhưng đến nay, nhiều nơi không còn rừng, thân đê trơ ra mặc cho sóng biển tàn phá. Đáng chú ý là đoạn từ Rạch Dinh đến Hương Mai dài 3km; Lung Ranh - Rạch Dinh 4,7km thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh sạt lở nghiêm trọng. Chân đê bị cuốn trôi gần như hoàn toàn ra biển.

Sóng biển ngày đêm “ngoạm” đất Bạc Liêu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, trung bình mỗi năm Cà Mau có trên 900ha đất bị lở xuống sông, biển. Dĩ nhiên theo quy luật, lở ở đây bồi chỗ khác, nhưng những người dân bị ảnh hưởng sạt lở không thể khắc phục được nhà cửa, vườn tược, đất đai. Theo thống kê, có trên 300 điểm sạt lở, trong đó có 36 điểm có nguy cơ cao cần phải thường xuyên đề phòng. "Nếu không triển khai kịp thời các công trình kè chống xói lở ngay thì khả năng năm nay số diện tích đất liền bị mất do sạt lở sẽ cao hơn" - ông Nam nhận định.

Sóng biển ngày đêm “ngoạm” đất Bạc Liêu.

Bên cạnh Cà Mau thì Bạc Liêu cũng là địa phương hứng chịu những diễn biến phức tạp của gió, sóng biển. Sở NN&PTNT tỉnh này thống kê: Từ năm 1999 đến nay, đã xảy ra 35 lần sạt lở, 128 căn nhà trôi xuống sông (khu vực cửa biển), 29 căn khác bị hư hại nặng, 19 căn nhà phải di dời. Tổng diện tích đất, đá bị "hà bá" lấy mất lên đến 40ha, thiệt hại ước tính trên 25 tỉ đồng…

Cần nhiều nghìn tỷ đồng

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: "Để khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trong tại một số điểm bức xúc, Bạc Liêu cần khoảng 200 tỉ đồng, nhưng ngân sách địa phương không thể cung cấp đủ, trong khi đó Chính phủ đang có chủ trương tạm ngừng các công trình chưa bức xúc, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Cà Mau, theo quyết định mới đây của UBND tỉnh, bên cạnh các giải pháp cấp bách, địa phương cũng sẽ đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đê biển Đông với bề rộng mặt đê 7,5m, cao trình đỉnh 3,2m. Sở NN&PTNT - chủ đầu tư dự án cho biết dự án được phân kỳ thực hiện, hoàn thành trong 5 năm.

Đê biển Cà Mau không chịu nổi trước sự tàn phá của sóng biển.

Riêng đối với 8km trọng yếu của đê biển Tây (từ cửa biển Hương Mai đến cửa biển Khánh Hội), ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đại diện Ngân hàng tái thiết Đức đang thẩm định lại dự án để hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí xây dựng hệ thống đê kè chống xói lở của tuyến đê biển Tây. Tổng nguồn vốn của dự án này khoảng 12 triệu euro (khoảng 1,6 triệu euro/km). Dự án thực hiện khoảng 2 năm. Sẽ nâng thêm độ cao từ 1,2m đến 1,4m để cao trình đỉnh đê cao khoảng 3m.

Theo tính toán của Sở NN&PTNT Cà Mau, trước mắt, tỉnh cần khoảng 3.000 tỉ đồng để đầu tư ngay những đoạn đê biển, đê sông có nguy cơ cao về sạt lở. Về lâu dài, các tuyến đê biển Tây, đê biển Đông và bờ kè bảo vệ Đất Mũi cũng được triển khai đồng bộ, đòi hỏi một số tiền lớn, vượt khỏi khả năng của địa phương

Thái Bình
.
.
.