Mỗi năm, 1.000 lao động ở các huyện nghèo đi XKLĐ tại Hàn Quốc

Thứ Ba, 16/06/2009, 08:48
Triển khai thực hiện việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), giảm nghèo bền vững ở 61 huyện nghèo trên toàn quốc theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, chiều 15/6, tại Trường Trung cấp nghề số 17 Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đã khai giảng khóa học tiếng Hàn đầu tiên cho gần 100 con em đồng bào dân tộc, hộ nghèo của 9 huyện nghèo thuộc 2 tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa.

Số lượng lao động đăng ký đi XKLĐ đã tăng

Bộ LĐ-TB&XH đang ráo riết thực hiện thí điểm chương trình này tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Yên Bái. Mặc dù còn nhiều khó khăn do phong tục tập quán, nếp nghĩ nhưng trong một thời gian ngắn, số lượng lao động đăng ký đi XKLĐ tại các huyện nghèo của 3 tỉnh đã tăng nhanh chóng.

Bà Hà Thị Hạnh, Phòng Việc làm an toàn, Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái cho biết: Chỉ trong 3 ngày tuyển lao động đi XKLĐ tại huyện Trạm Tấu đã có 97 người đăng ký; huyện Mù Căng Chải, cũng có tới 50 lao động đăng ký đi làm việc tại Libi và Angieri. Một số lao động đã tập trung về Hà Nội học nghề và học tiếng. Trong thời gian ngắn mà số lượng lao động đăng ký đã cao hơn cả số đi XKLĐ cả 2 năm trước gộp lại. 

Thêm cơ chế đặc thù để con em đồng bào dân tộc được đi làm việc tại Hàn Quốc

71 lao động của 7 huyện nghèo của Thanh Hóa và 16 lao động của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải (Yên Bái) may mắn được tham gia khóa học tiếng Hàn, chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn vào tháng 9 tới để đủ điều kiện đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc đều rất xúc động.

Đa số các em đều là người dân tộc Thái, dân tộc Mông, lần đầu tiên được biết đến Thủ đô. Khi được tuyển chọn tham gia chương trình XKLĐ ở 61 huyện nghèo, các em được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại trong suốt 3 tháng học tiếng Hàn tại trường. Đối với những thanh niên nông thôn người dân tộc, cuộc sống bám chặt với ruộng nương thì đây chính là cơ hội đổi đời, điều mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ tới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Chính phủ cho phép Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thí điểm trong 2 năm, làm cơ sở mở rộng chương trình tại 20 tỉnh có huyện nghèo trên cả nước. Ông Hòa khẳng định sẽ cùng với Trường Trung cấp nghề số 17 Bộ Quốc phòng có sự đầu tư bồi dưỡng tốt nhất để các em tham gia khóa học tiếng Hàn đầu tiên thi đỗ.

Đồng thời Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp tích cực với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam tìm ra cơ chế đặc thù để số lao động này được sang làm việc tại Hàn Quốc với tỷ lệ cao và sớm nhất. Tạo tiền đề để ngoài việc đưa nhiều lao động đồng bào dân tộc, hộ nghèo đi làm việc ở các thị trường khác, mỗi năm cố gắng tạo điều kiện cho 1.000 lao động ở các huyện nghèo được học tiếng Hàn và đi làm việc tại Hàn Quốc

Thu Uyên
.
.
.