Mọi hậu quả phát sinh, người dân phải gánh chịu

Thứ Sáu, 01/05/2009, 12:16
Khi dự án đang được triển khai, GS.TS Lê Huy Bá, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng đã từng cho rằng: "Phải dừng dự án lại, thành lập một Hội đồng phản biện khoa học để đánh giá lại toàn bộ dự án, xem xét lại một cách đầy đủ về tính khả thi của dự án để đưa ra giải pháp thực hiện tiếp".

Không nằm ngoài khuyến cáo này, khi Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cùng các "đại" Dự án cải thiện môi trường nước; Nâng cấp đô thị… đồng loạt tiến hành rào chắn đào đường để lắp đặt các tuyến cống thoát nước cũng là thời điểm tình trạng kẹt xe, ngập nước tại TP HCM tăng đột biến.

Hàng chục triệu USD "đổi lấy"… sự tắc trách của nhà thầu

Góp ý với Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi triển khai thi công, Bộ Xây dựng đã đề xuất "Dự án cần có dự báo lưu lượng nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất ở các giai đoạn 2010 và 2020 để tính toán chính xác đường kính các tuyến cống thoát nước, cống bao. Ưu tiên mua sắm trong nước, tận dụng tối đa tư vấn trong nước để giảm chi phí đầu tư".

Một vụ kẹt xe do trời mưa. Ảnh: PV.

Nhưng không chỉ riêng dự án này, mà cả các dự án thoát nước, chống ngập khổng lồ khác là Dự án cải thiện môi trường nước; gói thầu số 3 trong Dự án nâng cấp đô thị đều phải thuê nhà thầu tư vấn, thiết kế và giám sát của nước ngoài và với các dự án trị giá hàng trăm triệu USD này, chỉ riêng số tiền thuê tư vấn, giám sát nước ngoài trong mỗi dự án cũng đã tốn từ hàng chục triệu USD.

Hiện tại, người dân thành phố đang phải lãnh hậu quả trầm trọng từ tình trạng ngập nước, kẹt xe do thi công kéo dài gây ra. Trong đó có nguyên nhân chính là khi khảo sát, thiết kế, nhà thầu đã không thèm đếm xỉa gì đến việc dùng thiết bị "soi" công trình ngầm dưới đất để biết mà tránh; hoặc nguyên nhân do năng lực thầu phụ quá yếu kém… Thì đổi lại, các nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát thi công hầu như đứng ngoài cuộc.

Không chỉ có vậy, trong tổng số lỗi vi phạm tại các "lô cốt" của những dự án này do Thanh tra GTVT xử phạt hàng tuần, hàng tháng suốt thời gian qua, lỗi không có mặt đại diện nhà thầu tư vấn, giám sát thi công tại công trường luôn chiếm vị trí dẫn đầu.

Nhưng đáng tiếc, trả lời về vấn đề này, các đại diện chủ đầu tư là bà Phan Hoàng Diệu - Giám đốc Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; ông Đặng Ngọc Hồi, Trưởng phân ban Quản lý Dự án môi trường nước đều cho rằng: "Tình trạng các vị trí thi công trải dài trên nhiều tuyến đường, mỗi nhóm giám sát phải chạy qua chạy lại trên nhiều gói thầu nên không thể cùng lúc có mặt ở tất cả các công trường được…".

Người dân đã và sẽ còn phải tiếp tục gánh chịu hậu quả

Phản biện về việc hoàn trả vốn vay của Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là khoản thu chủ yếu từ nguồn thu phí thoát nước dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Khoản phí được thu gộp chung trong số tiền người dân sử dụng nước máy hàng tháng với mức thu dự kiến 264 đồng/m3. Tức mỗi hộ dân phải nộp khoảng 15 ngàn đồng/tháng; mỗi cơ sở thương mại dịch vụ là 60 ngàn đồng và cơ sở sản xuất là 80 ngàn đồng..., Phó GS.TS Cao Minh Thì  - Chủ tịch Hội Vật lý thành phố đã đặt vấn đề bằng hàng loạt câu hỏi: "Sẽ bắt đầu thu từ thời điểm nào, việc thu này dựa trên cơ sở nào, về mặt xã hội đã được chưa và mức thu này hợp lý chưa… Khi theo thống kê, chỉ có khoảng 1,2 triệu dân trên tổng số 7 triệu dân (số liệu trước thời điểm thi công dự án) sống trên lưu vực kênh được hưởng lợi sau khi dự án hoàn thành?".

Mặt khác, muốn thu phí nước thải của dân còn phải được sự chấp thuận của HĐND thành phố… Không chỉ là vấn đề kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường đã ở mức trầm trọng do quá trình thi công của các đại dự án gây ra… Tình trạng các dự án đồng loạt thi công chạy tiến độ còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc buôn bán, kinh doanh của các hộ dân.

Để hỗ trợ người dân khắc phục tác động tiêu cực này, Cục Thuế thành phố đã đặt nhiệm vụ "Xác định lại mức thuế đối với hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do rào chắn lòng lề đường" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II.

Một thực tế nữa là hiện trên tất cả các tuyến đường đã bị đào để lắp cống, chất lượng tái lập mặt đường hầu như không còn được như cũ. Đường sụp lún, gồ ghề, xuống cấp… gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện thì cả chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đều "vỗ tuột", không phải chịu trách nhiệm gì.

Như vậy, hàng trăm tỷ đồng ngân sách thành phố sẽ tiếp tục phải bỏ ra để làm lại đường, khắc phục hậu quả sau này và không ai khác, chính người dân sẽ còn phải tiếp tục gánh chịu.

Trước khi Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được triển khai thi công, về mặt kinh tế - xã hội, TS Trương Đình Hiển, cán bộ Phân viện Vật lý tại TP HCM - Trung tâm Khoa học Công nghệ quốc gia đã cảnh báo "Do không thể sàng lọc, tận dụng các điều kiện hạ tầng sẵn có nên phải cùng lúc đưa ra khối lượng khổng lồ về hệ thống cống cần lắp đặt, làm mới trên một vùng rộng lớn.

Đặc biệt là trên các trục đường dày đặc xe cộ, buôn bán và công sở trong nội đô… Việc đào bới trên hàng loạt các tuyến đường ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội như thế nào là vấn đề chưa thể lường trước được…".

Đức Thắng
.
.
.