Nhận diện tín dụng đen và Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Thứ Năm, 13/12/2018, 13:01
Tại buổi Giao lưu trực tuyến, các vị khách mời đã giải đáp thắc mắc thế nào là tín dụng đen và đưa ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. 

Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp gây mất ANTT trong xã hội...

Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến “tín dụng đen”; Công an các cấp cũng nỗ lực đấu tranh, đẩy lùi. Nhiều tổ chức hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” đã bị Công an các địa phương ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân núp bóng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn “tín dụng đen”, gây nhiều bất ổn cho gia đình, xã hội... 

Để giúp người dân nhận diện rõ thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”; thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nói chung, trong đó có vấn nạn “tín dụng đen”. Báo Công an nhân dân, tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “NHẬN DIỆN TÍN DỤNG ĐEN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN”.

Đại tá Trần Kim Thẩm tặng hoa các vị khách mời.

Đến dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay có các vị khách mời: Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương; ông Trần Minh Tuấn, Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) đơn vị tài trợ cho buổi giao lưu trực tuyến.

4 vị khách mời tại buổi giao lưu.

Đầu cầu trực tuyến tại Hà Nội trân trọng kính giới thiệu: Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND; Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Tổng biên tập Báo CAND và các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, phóng viên, biên tập viên Ban điện tử CAND.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND; Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Tổng biên tập Báo CAND và các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, phóng viên, biên tập viên Ban điện tử CAND dự buổi giao lưu trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.

Phía đầu cầu trực tuyến tại TP.HCM: Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, chủ trì buổi giao lưu trực tuyến.

Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ phóng viên, công nhân viên Báo CAND thuộc Cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND tại TP.HCM; phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và trên địa bàn TP.HCM.

Ban tổ chức cũng xin trân trọng kính chào quý bạn đọc Báo CAND trong và ngoài nước đã quan tâm, theo dõi, gửi câu hỏi tham gia đến cuộc giao lưu này!

Buổi giao lưu trực tuyến tại Cơ quan đại diện Báo CAND TP Hồ Chí Minh.

 Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến hôm nay chúng tôi xin kính mời đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của bạn đọc:

- Ông Nguyễn Văn Tâm (Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi: Thế nào về tín dụng đen? Trách nhiệm quản  lý Nhà nước đối với tình trạng tín dụng đen hiện nay?

- Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Điều 4, Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an là: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm; chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các mối quan hệ dân sự của các pháp nhân, cá nhân trong đời sống kinh tế, xã hội. Trong đó, có quy định về việc vay tài sản, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Đối với hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (Điều 201) có quy định cụ thể về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, trong đó có quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 100.000.000 đồng; đồng thời có thể bị xử tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm tùy theo mức độ và tính chất vi phạm.

- Theo quy định tại Khoản 3, Điều 2; Điều 4; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; ngoại hối, bao gồm cả công tác cấp phép, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, ngoại hối của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. NHNN không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra “tín dụng đen”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và vi phạm về trật tự, an toàn xã hội nói chung, “tín dụng đen” nói riêng thuộc về cơ quan Công an và chính quyền địa phương. NHNN cũng như các Bộ, ngành khác có liên quan (Bộ Truyền thông, Bộ Tư pháp,…) có trách nhiệm phối hộp với Bộ Công an để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Chị Lý Kim Anh ở Đồng Nai hỏi: Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tín dụng đen?.

- Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Những năm gần đây, hệ thống tín dụng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay sản xuất, tiêu dùng với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng người dân tìm đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là:

- Các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, “tín dụng đen” là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện.

- Đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng  cầu vay vốn chưa hợp lý như: vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp,… hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng để cho vay với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Đối tượng cho vay tín dụng đen hầu hết là các cá nhân, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, có hoạt động cho vay trái phép đối với người dân vay tiền, với lãi suất cao. Thủ đoạn cho vay tinh vi, thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng (trên cây, bờ tường, cột điện, tủ điện,… dọc theo các tuyến đường, ngõ hẻm) đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính … với những quảng cáo “kết nối khách hàng - ngân hàng”, hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng, hình thức cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên, ..., thời gian cho vay nhanh, thủ tục vay đơn giản; thường không quy định lãi suất mà tính số tiền lãi phải trả hằng ngày (ví dụ: 1-2 nghìn đ/1 triệu đồng/1 ngày).

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

- Ông Đỗ Thanh Tùng ở quận Phú Nhuận hỏi: Theo ông, tín dụng đen có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế xã hội nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng ?

- Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Tình trạng “tín dụng đen” khi bị đổ vỡ gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội, gây mất an toàn trật tự xã hội: làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người đi vay. Nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người dân.

- Hiện nay, mặc dù “tín dụng đen” chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng nhưng nếu các tổ chức tín dụng không kiểm soát chặt chẽ việc giám sát khách hàng trong việc sử dụng vốn vay sẽ có nguy cơ sử dụng vốn vay không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng.

- Bạn đọc Nguyễn Văn Sanh tại TP.HCM có câu hỏi với Cục Cảnh sát hình sự. Tôi xin đọc nội dung: Xin cho biết các thủ đoạn mà đối tượng cho vay lôi kéo người dân rơi vào “bẫy tín dụng đen” hiện nay?

Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an:                          

Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng các hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với nội dụng như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy… là nhận tiền ngay. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.

Thậm chí, tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan Công an.

Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, xuất hiện tình trạng các đối tượng “đầu gấu, xăm trổ” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn khu dân cư, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc. Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.

- Anh Hoàng Dương, một người dân ở TP.HCM hỏi: Tôi đọc báo, nghe đài thấy phản ánh trong thực tiễn rất khó xử lý hành vi cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, ý kiến của cơ quan Công an về vấn đề này?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:                          

Trong thực tiễn hiện nay, lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý hành vi cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Bởi, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (Khoản 1, Điều 201): “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”

Đối với quy định “gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” thì hiện nay có nhiều vướng mắc, bất cập nhưng lại chưa có văn bản thống nhất, chưa thống nhất về cách xác định số tiền “thu lợi bất chính”. Dẫn đến tại một số nơi xử lý vụ án rất khó, nếu liên ngành tư pháp: Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát  - Tòa án không thống nhất về cách tính lãi suất, cách xác định số tiền “thu lợi bất chính”, số quy trình điều tra vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn, để có kết luận về mức lãi suất thì Cơ quan điều tra phải trưng cầu Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất để đảm bảo tính khách quan, song thời gian trả lời của Ngân hàng Nhà nước thường rất lâu (pháp luật chưa có quy định thời hạn trả lời giám định) dẫn đến thời gian giải quyết vụ án kéo dài trong khi tội phạm cho vay lãi nặng thuộc tội ít nghiêm trọng nên thời hạn điều tra ngắn, khó áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để điều tra mở rộng hành vi phạm tội. Hơn nữa việc chứng minh việc dùng các thủ đoạn trái pháp luật để đòi nợ dẫn đến các hành vi cưỡng đoạt, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản... nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn.

Báo điện tử CAND tiếp nhận câu hỏi tại đầu cầu Hà Nội.

Một bạn đọc xin giấu tên cho biết: Gia đình tôi từng là nạn nhân của các đối tượng đòi nợ thuê liên quan đến “tín dụng đen”. Nhà chúng thường xuyên bị quăng mắm tôm, nước sơn vào nhà và nhắn tin đe dọa... Cơ quan Công an có biện pháp nào xử lý các hành vi trên?

Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:                          

Các đối tượng khi đi đòi nợ, xiết nợ dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải (mắm tôm, nước sơn...), điều này gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trong khu vực. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý.

Đối với những trường hợp như trên, gia đình người đi vay, những người biết sự việc có thể gọi điện ngay tới số điện thoại khẩn cấp của cơ quan Công an là 113 (số đường dây nóng trực 24/24, tiếp nhận yêu cầu giúp đỡ những vụ việc mang tính khẩn cấp đến tình hình ANTT và hoàn toàn miễn phí cước), hoặc số điện thoại của trực ban Công an xã, phường, thị trấn tại địa bàn cư trú.

MC: Anh Trần Linh ở Cần Thơ hỏi: Hoạt động “tín dụng đen” thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự ở phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và miền Tây Nam bộ... Vậy cơ quan Công an có giải pháp nào để ngăn chặn?

Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:                          

Sau khi bị cơ quan Công an tập trung trấn áp mạnh mẽ, các đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án tiền sự chuyển địa bàn từ phía Bắc vào các tỉnh, thành phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên để hoạt động. Lực lượng Công an đã chủ động tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa địa phương đến - địa phương đi của đối tượng lưu động, nhằm chủ động nắm tình hình, di biến động và biểu hiện hoạt động của đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, đấu tranh hiệu quả.

- Ông Thanh Bình ở Đắk Lắk hỏi: Có những kẻ cho vay, người đòi nợ thuê nổi tiếng cả một vùng, người dân ai cũng biết nhưng chúng có quan hệ rộng nên sợ trả thù nên không dám tố cáo, đề nghị cơ quan Công an có biện pháp xử lý triệt để?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an:                          

Những đối tượng hoạt động cho vay, đòi nợ thuê đều được cơ quan Công an rà soát, lập hồ sơ nghiệp vụ quản lý theo dõi. Tuy nhiên, việc phát hiện hành vi vi phạm cụ thể của các đối tượng này cũng rất khó khăn khi bản thân người bị hại và người vay tiền thường thiếu hiểu biết, sơ hở khi ký hợp đồng vay tiền, khi rơi vào “bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi; khi bị đe dọa đòi nợ, thậm chí bị xâm phạm đến sức khỏe, tài sản vì quá sợ hãi cũng không trình báo cho cơ quan Công an, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu thập, củng cố tài liệu để xử lý đối tượng.

Trong khi đó, các chế tài xử lý đối với những đối tượng này chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Việc phát hiện, xử lý những đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê hiện nay chủ yếu chỉ do lực lượng Công an. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng khác có liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra, tuyên truyền... khá mờ nhạt.

Phóng viên tác nghiệp trong buổi GLTT tại TP Hồ Chí Minh.

- Chị Hoàng Anh, người dân quận 3, TP.HCM phản ánh: Đi trên đường chúng tôi thấy ở khắp các cột điện, nhà chờ xe buýt, dưới gầm cầu, tường rào… có số điện thoại cho vay... Trên internet cũng vậy, kẻ cho vay lập trang web quảng cáo, rao vặt đầy ắp. Cơ quan chức năng giải quyết thế nào thực trạng này?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an:                          

Đối với các thủ đoạn quảng cáo hoạt động cho vay trái phép như trên, Bộ Công an hiện đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen”, đồng thời giao nhiệm vụ cho Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện các nội dung: Chỉ đạo các nhà mạng viễn thông phối hợp xác minh, thu hồi, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số thuê bao quảng cáo không đúng quy định, không chính chủ (sim rác); Tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các quy định của pháp luật về văn hóa và quảng cáo, tổ chức dọn dẹp, tháo dỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi… quảng cáo cho vay TDĐ không đúng quy định. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo trái phép.

Chị Thúy Diễm ở Đồng Nai hỏi: Đối tượng cho vay lãi nặng núp bóng các tiệm cầm đồ, các công ty cho vay tài chính, do nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:                          

Sau các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng Công an, các băng nhóm, đối tượng hình sự hiện nay không còn hoạt động công khai, mà chuyển sang hoạt động kín đáo, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi hơn. Các đối tượng cho vay lãi nặng thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (tiệm cầm đồ), các công ty cho vay tài chính. Khi bị Công an các địa phương tập trung tấn công, trấn áp (nhất là tại các địa bàn phía Nam, Tây Nguyên, các địa bàn giáp ranh phức tạp, có nhiều khu công nghiệp…), các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê dạt ra các vùng ven, chuyển sang hoạt động không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, tỉnh thành khác nhau gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc điều tra, xác minh và xử lý.

Bộ Công an hiện đang triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, trong đó tập trung tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm.

Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương

Chúng tôi vừa nhận từ bạn đọc ở Bình Dương tên Huỳnh Thanh đặt câu hỏi với Công an tỉnh Bình Dương: Nhiều công nhân, người lao động nghèo ở Bình Dương cho biết họ bị “dính bẫy” lừa tín dụng đen. Thời gian qua CA Bình Dương đã giải quyết như thế nào?

- Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương:

Tình hình hoạt động của “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua diễn biến phức tạp, đã hình thành nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động dưới các hình thức vỏ bọc như: công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản có cho vay. Chúng hoạt động hết sức tinh vi và chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, kẻ đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng hình sự đi xiết nợ... Hệ lụy của “tín dụng đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như: bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí gây ra giết người.

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh Sát hình sự đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh thành lập Ban chỉ đạo điều tra cơ bản về hoạt động “tín dụng đen” và xây dựng Kế hoạch điều tra cơ bản đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó xác định những nội dung cơ bản và 03 giai đoạn thực hiện là:

1. Xác định các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng, cho vay, cầm cố tài sản;

2. Tổ chức rà soát, thu thập tài liệu và lên danh sách các công ty cho vay tài chính, công ty cho thuê tài chính và các loại hình tương tự, các băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay, cầm đồ trên địa bàn;

3. Phân loại đối tượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xử lý.

Kết quả đến nay, Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các Công an các đơn vị địa phương tổ chức rà soát thống kê lên danh sách các công ty cho vay tài chính, tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính và các loại hình tương tự có biểu hiện liên quan hoạt động tín dụng đen trên địa bàn toàn tỉnh:

Song song với việc rà soát, lập danh sách các tổ chức cá nhân dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, Công an các địa phương đã chủ động tổ chức đấu tranh mạnh với hoạt động của “tín dụng đen” và đến nay đã bắt giữ, khởi tố điều tra 7 nhóm 23 đối tượng về các tội liên quan đến hoạt động của “tín dụng đen” như: cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...

Điển hình như: Công an huyện Phú Giáo triệt xóa 4 nhóm, bắt 11 đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bình Phước, do các đối tượng là người Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội cầm đầu; Công an thị xã Dĩ An đấu tranh với băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng dưới danh nghĩa Công ty Nhất Tín có chi nhánh trên địa bàn 3 thị xã và 1 thành phố ở tỉnh Bình Dương, do Võ Văn Dương, sinh năm 1995, HKTT: Xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội là quản lý chi nhánh Nhất Tín tại tỉnh Bình Dương cầm đầu, bắt khởi tố 7 đối tượng về tội bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và hiện tại đã làm rõ khởi tố thêm về tội cho vay nặng lãi.

Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an thành phố Thủ Dầu Một bắt nhóm 04 đối tượng là người Hà Nội cho vay lãi nặng trên địa bàn Thủ Dầu Một do Phùng Đôn Minh (Dũng), sinh năm 1981, HKTT: Cổ Chông, xã vật Lại, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội cầm đầu. Kết quả điều tra bước đầu xác định Minh đã làm rõ 35 người vay tiền của nhóm này với tổng số tiền vay là 270.000.000 đồng, số tiền lãi (thu lợi bất chính) các đối tượng đã thu được là 68.000.000 đồng. Vụ việc hiện Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phối hợp Công an Thủ Dầu Một làm rõ xử lý.  

Ban tổ chức và các vị khách mời tại buổi GLTT.

- Chị Kiều Oanh ở Bình Dương cho biết: Ở khu phố tôi có rất nhiều người hành nghề cho vay nặng lãi, trong đó có nhiều người bị bắt nhưng không phải về hành vi trên mà liên quan đến việc “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”… Vì sao lại như vậy?

- Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương trả lời:

Có rất nhiều người hành nghề cho vay nặng lãi, trong đó có nhiều người bị bắt nhưng không phải về hành vi trên mà liên quan đến việc “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”… Bởi, nhiều người hành nghề cho vay nặng lãi khi tiến hành đòi nợ, xiết nợ thì họ thực hiện các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan khác như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, các hành vi đe dọa, gây rối trật tự công cộng … Và do hành vi cho vay nặng lãi của những người đó có thể chưa tới mức xử lý hình sự hoặc hành chính.

- Ông Phạm Anh Tú công nhân ở TP Thủ Dầu Một hỏi: Xin cho biết công tác phòng ngừa “tín dụng đen” ở địa bàn Bình Dương, nhất là vùng có nhiều lao động làm thuê, công nhân nghèo, để giúp người nghèo an tâm lao động?

- Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương trả lời:

Để phòng ngừa tín dụng đen ở địa bàn tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh đã thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó:

 Công an Bình Dương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các đơn vị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đảm bảo đúng quy định; thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm…

 Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, xây dựng mô hình CLB PCTP và tổ dân phố tự quản… để chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay tài chính; các đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi đổ chất bẩn, gây mất ANTT… để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.

 Phối hợp các cơ quan truyền thông, báo đài, các trang mạng xã hội… để tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao nhận thức về pháp luật để tự phòng, tránh và tích cực tố giác tội phạm

 Kiến nghị các tổ chức tín dụng có sự cải cách về thủ tục vay, linh hoạt và kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân để hạn chế việc người dân tìm đến “tín dụng đen”.

Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo chung đối với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cùng tham gia đấu tranh bài trừ vấn nạn “tín dụng đen”; tháo gỡ các tờ rơi quảng cáo cho vay ở những nơi công cộng và có biện pháp xử lý hành vi quảng cáo trái pháp luật này.

 Đối với các công ty, tổ chức, tiệm cầm đồ phải nắm rõ mô hình tổ chức, lĩnh vực dăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động và phối hợp giữa Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Quản lý hành chính tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, thu thập tài liệu về hành vi sai phạm để xử lý...

Phóng viên tác nghiệp tại buổi giao lưu trực tuyến.

- Một người dân xin giấu tên hỏi: Vì sao Công ty TNHH Nhất Tín ở Bình Dương hoạt động tín dụng đen thời gian dài cơ quan công an mới xử lý được? Những thủ đoạn nào mà Công ty TNHH Nhất Tín Anh núp bóng hoạt động?

- Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương:

Công ty Nhất Tín Anh địa chỉ 159 đường Mồi, khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bắt đầu hoạt động từ 25/4/2016 và do các đối tượng Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Hồng Quân và Vương Văn Đại làm nhân viên và quản lý hoạt động của công ty.

Hoạt động của công ty Nhất Tín được che lấp dưới phương thức cho thuê lại xe mô tô của chính những người vay tiền, một thời gian dài không có bất cứ tố giác nào về hoạt động của công ty này, những người vay tiền đóng trả lãi đầy đủ và không phát sinh tội phạm từ việc đòi, xiết nợ từ các nhân viên công ty; việc xác định danh sách người vay tiền và số tiền công ty này thu lợi bất chính thời gian đầu rất khó khăn... Khi cơ quan Công an qua các hoạt động nghiệp vụ phát hiện thông tin về công ty Nhất Tín Anh đã nhanh chóng xác minh, xác lập án để đấu tranh, quyết liệt ngăn chặn và xử lý khởi tố điều tra các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ đoạn công ty TNHH Nhất Tín Anh núp bóng hoạt động:

 Ban đầu, các nhân viên của công ty Nhất Tín Anh tiến hành đi phát tờ rơi quảng cáo và hứa hẹn với khẩu hiệu như: “cho vay lãi suất thấp và không cần tài sản thế chấp”. Từ đó những người dân đang cần tiền tìm đến công ty để làm thủ tục xin vay và qua sự hứa hẹn những người vay trở thành  người bị hại với thủ đoạn:

Khi các bị hại đến công ty để hỏi làm thủ tục xin vay tiền thì nhân viên sẽ yêu cầu  người bị hại đến vay phải mang theo tài sản là xe mô tô, có giấy chứng nhận đăng ký xe có giá trị tương đương hoặc hơn so với số tiền vay, sau đó sẽ yêu cầu người bị hại làm giấy bán xe mô tô mà họ mang theo cho công ty Nhất Tín Anh rồi công ty Nhất Tín Anh lại làm hợp đồng cho bị hại thuê lại xe mô tô do chính họ đem đến với giá tiền thuê tương đương với lãi suất 15%/1 tháng trên tổng số tiền mà người bị hại muốn vay (hoặc 5.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/1 ngày). Sau khi người bị hại đồng ý và làm thủ tục xong thì công ty Nhất Tín Anh  sẽ giao số tiền muốn vay cho người bị hại và giao lại xe mô tô mà người bị hại mang tới thế chấp để họ sử dụng như bình thường nhưng khi giao tiền vay thì không giao đủ số tiền vay mà công ty Nhất Tín Anh sẽ trừ 1 khoản tiền tương đương với tiền lãi/ tổng số tiền vay từ 10 ngày đến 30 ngày (tùy theo thỏa thuận của người vay với công ty Nhất Tín Anh về thời gian đóng lãi là 10, 20 hay 30 ngày), nếu đóng trễ ngày hẹn thì bị phạt 200.000 đồng. Sau khi hai bên thỏa thuận và làm các thủ tục cần thiết xong thì các đối tượng Kỳ hoặc Trọng, Quân sẽ cùng người bị hại về nhà, nơi đang ở của bị hại để xác định đúng nới mà người bị hại đến vay tiền đang sinh sống để nhằm phục vụ cho việc đòi nợ của Nhất Tín Anh.

 Đến khi các bị hại không đủ khả năng đóng tiền lãi thì các đại diện công ty Nhất Tín Anh sẽ đến nơi ở của các bị hại buộc người bị hại phải bàn giao xe mô tô cho Nhất Tín Anh.

 Quá trình điều tra, trong năm 2018 các bị hại đã vay của Nhất Tín Anh số tiền 453.500.000 đồng và công ty Nhất Tín Anh thu lợi bất chính là 105.700.000 đồng.

Báo Điện tử CAND tiếp nhận câu hỏi đầu cầu Hà Nội.

Bạn đọc trở lại đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước:

Chị Võ Thanh Phượng ở Hà Nội hỏi: Trước tác động tiêu cực của tín dụng đen, NHNN đã có giải pháp gì để góp phần đẩy lùi tín dụng đen? NHNN có đề xuất một số giải pháp thời gian tới?

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Để phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, thời gian qua, NHNN đã chủ động và đang quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp về tín dụng ngân hàng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn tiêu dùng của người nghèo,người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, cụ thể như sau: 

- Đổi mới cơ chế, chính sách cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

- Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

+ Xây dựng thí điểm và phát triển hệ thống ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam;

+ Phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng, …; Hoàn thiện chính sách, cơ chế để tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn món nhỏ, thời gian ngắn. Hệ thống 1.183 QTDND được thành lập ở hầu hết các xã trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu vay vốn của xã viên, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn;

- Tăng cường sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có các điểm giao dịch tại hầu hết các xã để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách;…

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên của ngành ngân hàng; quan tâm, nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đánh giá đúng năng lực, trình độ và đạo đức để bố trí đúng người, đúng việc; phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ ngân hàng có liên quan đến tín dụng đen.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó có quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng ngân hàng; NHNN tăng cường chương trình giáo dục tài chính thông qua các phương tiện truyền thông có khả năng quảng bá rộng rãi như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” …

- Đã tham gia, phối hợp với cơ quan công an, các sở, ban. Ngành, chính quyền địa phương xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục và tăng cường sự phối hợp với Bộ Công an, các sở ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc  tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen,… sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội; tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen...

Đại tá Trần Kim Thẩm và các vị khách mời.

- Anh Lý Thanh Dũng ở Hải Dương hỏi: Để giải quyết vấn đề tín dụng đen, hiện NHNN đã có những chính sách, giải pháp gì trong việc cung cấp nguồn vốn chính thức nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi được xem là mảnh đất màu mỡ của tín dụng đen?

- Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Về giải pháp trong việc cung cấp nguồn vốn chính thức cho khu vực nông thôn, vừng sâu, vùng xa, trong thời gian qua, NHNN đã đổi mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, trong đó:

- NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, trong đó nâng mức cho vay tối đa không tài sản bảo đảm từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, và tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận vốn tín dụng không phải thế chấp tài sản và có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc người dân tiếp cận nguồn vốn khác, trong đó có tín dụng đen.

Đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 1,66 triệu tỷ, tăng 13,2% so với cuối năm 2017 và chiếm 23,8% dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó cho vay kinh tế hộ đạt 1,14 tỷ đồng, chiếm 69% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), dư nợ cho vay kinh tế hộ đạt 579.000 tỷ đồng với 3,7 triệu hộ dân, chiếm 80% tổng dư nợ cho vay NNNT của Agribank và chiếm 50% dư nợ cho vay kinh tế hộ toàn quốc. Trong đó việc cho vay thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội khác đạt 130.000 tỷ đồng với 1,2 triệu khách hàng (bình quân mỗi khách hàng được vay 75 triệu đồng).

- Đã ban hành quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN), nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen (cho vay nặng lãi) ở các địa bàn này. Đến nay, toàn hệ thống TCTD có 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) với dư nợ đạt trên 131 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay phục vụ đời sống (tiêu dùng) đạt trên 90 nghìn tỷ đồng;

- Tiếp tục mở rộng mạng lưới của các TCTD, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng. Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, ngoài ra Agribank còn triển khai chương trình cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 68 chi nhánh lưu động, mỗi chi nhánh có 1 đến 2 điểm giao dịch tại các Huyện.

- Chỉ đạo các TCTD tiếp tục nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp từng đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch các mức lãi suất, phí cho vay, đồng thời tăng cường công tác truyền thôn và chủ động tiếp cận, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn.

- Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô… đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 183 nghìn tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ còn dư nợ; trong đó dư nợ cho hộ nghèo đạt trên 38 nghìn tỷ đồng với 1,3 triệu khách hàng còn dư nợ.

- NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị thiệt hại trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hoạt động tín dụng đen;  chỉ đạo cơ quan Công an trên địa bàn nắm bắt kịp thời tình hình cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định; phối hợp với chính quyền các cấp triển khai chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Ông Trần Minh Tuấn - Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank).

- Chúng tôi nhận được câu hỏi của nhiều người dân rất muốn vay vốn của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Vậy xin ngân hàng cho biết hiện có bao nhiêu đơn vị ở cở sở phục vụ người dân và doanh nghiệp? Eximbank có những giải pháp gì để phục vụ nhu cầu người vay nhỏ lẻ thuận lợi?

- Ông Trần Minh Tuấn - Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank):

Tính đến thời điểm hiện nay, Eximbank có 207 chi nhánh và phòng giao dịch được bố trí rộng khắp, trải dài từ Bắc vào Nam. Các đơn vị kinh doanh này có đầy đủ các chức năng, dịch vụ phục vụ nhu cầu tài chính của người dân và các tổ chức kinh tế.

Eximbank có nhiều sản phẩm cho vay để phục vụ nhu cầu vốn cho nhiều đối tượng, nhiều mục đích, thời hạn vay cũng như nhiều phương thức trả nợ được thiết kế riêng phù hợp với mọi đối tượng khách hàng như:

- Mua nhà, mua đất, xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm trang thiết bị nội thất.

- Cho vay để mua phương tiện vận tải: mua xe mới, xe cũ phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, xe khách, xe tải…

- Cá nhân vay để phục vụ nhu cầu kinh doanh theo hình thức hộ gia đình hay hình thức doanh nghiệp tư nhân; các sản phẩm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.

- Vay tiêu dùng nhỏ lẻ: vay tín chấp từ lương, vay thấu chi tài khoản, vay theo hình thức phát hành thẻ tín dụng.

- Một người buôn bán nhỏ lẻ ngoài chợ Tân Định, TP.HCM hỏi: cần vay 10 triệu đồng để kinh doanh, phía Eximbank có giải quyết được không? Cần thủ tục gì?

- Ông Trần Minh Tuấn - Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank):

- Đây là nhu cầu vay vốn chính đáng của khách hàng, Eximbank có sản phẩm cho vay sạp chợ để phục vụ cho phân khúc khách hàng này. Sản phẩm này đã được Eximbank triển khai nhiều năm liền. Thủ tục vay rất đơn giản. Khách hàng chỉ cần cung cấp cho Eximbank bản photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, các biên lai nộp thuế, hồ sơ về tài sản đảm bảo (nếu có).

Eximbank có thể nhận tài sản đảm bảo là xe cộ, nhà cửa, sạp chợ hoặc không có tài sản đảm bảo nếu khách hàng đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định của ngân hàng. Số tiền cho vay Eximbank sẽ quyết định phù hợp với nhu cầu vốn của khách hàng và định kỳ thời hạn trả nợ phù hợp để khách hàng không phải chịu áp lực trả nợ khi đến hạn.

Khi có nhu cầu vay, khách hàng có thể đến trực tiếp tại các điểm giao dịch của Eximbank để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Hoặc khách hàng có thể gọi trực tiếp đến Trung tâm chăm sóc hỗ trợ khách hàng của chúng tôi qua tổng đài 18001199 – phục vụ 24/7, để được nhân viên trực tiếp tư vấn.

- Anh Hùng ở quận 4 hỏi: Tôi có đứa em vay lãi nặng rồi bỏ trốn. Kẻ cho vay thuê giang hồ khủng bố tinh thần, quấy rối gia đình tôi. Tôi xin hỏi khi gặp tình trạng đó thì tố cáo ở đâu? Trình báo bằng miệng hay phải viết đơn? Có đường dây nóng hay không?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Trong trường hợp này, bạn có thể đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc trình báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú. Khi trình báo, cơ quan Công an sẽ có trách nhiệm hướng dẫn bạn viết đơn, làm các thủ tục theo quy định, hướng dẫn cách xử lý các tình huống tiếp theo. Đường dây nóng 24/24h của lực lượng Công an là 113, hoàn toàn miễn phí cước liên lạc.

- Nhiều người dân cho biết, họ sợ tố cáo “tín dụng đen” sẽ bị trả thù nên không dám. Vậy cơ quan công an có giải pháp nào?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Việc tố cáo tín dụng đen cũng giống như tố giác những tội phạm khác. Cơ quan công an luôn sẵn sàng khi được yêu cầu giữ bí mật thân phận và có biện pháp bảo vệ khỏi bị trả thù. Không chỉ tín dụng đen mà nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác chúng tôi đều khuyên người dân nên hợp tác và trình báo đến cơ quan công an để được hướng dẫn và đảm bảo an toàn. Về các giải pháp đảm bảo an toàn, tùy từng trường hợp cụ thể, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an sẽ có phương án để đảm bảo sự an toàn cho người tố cáo. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp người đi vay là người có lỗi hoặc sử dụng tiền vay vốn vào mục đích bất chính, vi phạm pháp luật nên họ không muốn tố cáo các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với cơ quan công an. Chính vì điều này mà các đối tượng tín dụng đen có thủ đoạn khống chế, đe dọa chính bị hại để họ không cộng tác, từ chối khai báo, không tố giác tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, làm rõ và có căn cứ để xử lý các đối tượng. Do vậy, để đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình, người dân hãy đến trình báo cơ quan công an để được giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về tín dụng đen thông qua các hình thức gọi điện tới đường dây nóng 113, gửi đơn tố cáo, trình báo trực tiếp đến công an sở tại để được đảm bảo an toàn và giải quyết theo pháp luật.

Ban tổ chức tiếp nhận câu hỏi của độc giả.

- Bạn đọc tên Hồng Lĩnh ở Tây Ninh hỏi: Em tôi vay 15 triệu đồng của đối tượng cho vay nặng lãi. Người cho vay buộc tôi làm giấy tờ bán chiếc xe gắn máy cho họ với giá 25 triệu đồng (trong khi trị giá chiếc xe là 45 triệu đồng) để làm tin rồi làm một giấy thuê xe lại chính chiếc xe của tôi để buộc tôi trả tiền góp hàng ngày. Khi em tôi mất khả năng chi trả chúng lấy luôn chiếc xe mà không tính giá thị trường để đưa lại phần dư. Trong trường hợp này em tôi phải làm gì? Họ lấy xe em tôi như vậy có đúng pháp luật không?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Về trường hợp của em bạn, theo quan điểm của tôi, em của bạn đã bị các đối tượng cho vay đưa vào “bẫy”. Bạn hoàn toàn có thể từ chối việc vay mượn trên. Nhưng một khi bạn đã đồng ý ký vào giấy tờ bán xe với giá 25 triệu thì bạn đã phải lường trước được việc có thể bị các đối tượng sẽ lấy không chiếc xe của bạn theo thỏa thuận trong giấy tờ mua bán  nếu như không trả nợ đúng hẹn. Do vậy, trường hợp này về mặt pháp lý, căn cứ vào giấy bán xe thì việc mua bán xe là hoàn toàn tự nguyện và không liên quan đến giá trị thị trường. Các đối tượng lấy xe của bạn như vậy sẽ không bị vi phạm pháp luật. Nhưng về bản chất, tôi hiểu là các đối tượng đã ép bạn bán rẻ chiếc xe đó trái với ý thức của bạn. Do vậy, trường hợp này, tôi khuyên bạn nên đến cơ quan công an để trình báo để có thể điều tra tính hợp pháp của hợp đồng mua bán xe, tùy từng trường hợp cụ thể mới có thể có căn cứ xử lý các đối tượng trên.

- Nhiều bạn đọc ở TP.HCM có cùng câu hỏi: Họ đọc báo được biết, ở TP Hồ Chí Minh có hơn 873 đối tượng hành nghề  cho vay nặng lãi, thế nhưng xử lý rất khó khăn?. Vậy có khúc mắc gì trong việc áp dụng pháp luật?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Hiện nay việc xử lý tín dụng đen gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những vướng mắc về mặt pháp luật. Đầu tiên là việc xử lý các đối tượng về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cách xác định lãi suất cho vay và số tiền thu lợi bất chính, việc trưng cầu giám định tài chính còn hạn chế. Nhiều văn bản pháp luật về xử phạt các hành vi cho vay lãi nặng chưa đầy đủ, nhất là cho vay tín chấp, vay ngang hàng, vay trực tuyến. Công tác quản lý và xử lý các đối tượng hành nghề cho vay lãi nặng có vi phạm còn hạn chế do một số văn bản pháp luật không quy định thẩm quyền của lực lượng công an đối với việc cấp phép hoạt động, quản lý và xử phạt hành chính. Một số bị hại trong quá trình vay mượn để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết đưa vào bẫy làm hợp đồng bán các tài sản có giá trị để làm điều kiện vay vốn, khi bị các đối tượng đe dọa thì không dám tố giác, trình báo với cơ quan công an do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính hoặc do sự việc xảy ra quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trên để sử dụng những thủ đoạn tinh vi để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản và lách luật, tránh sự xử lý của cơ quan công an. Trong khi đó, việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ hiện nay bị hạn chế do những quy định sửa đổi của pháp luật, việc xử lý các vấn đề trên cũng theo hướng dân sự hóa. Việc các đối tượng dùng các hình thức đòi nợ phi đạo đức như thời gian qua thì chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

- Bà Đỗ Thanh Phương ở quận 7, TP.HCM hỏi: Khi cho vay, nhất là vay góp, chủ nợ thường ghi luôn lãi suất vào thành vốn vay để đối phó với cơ quan chức năng trong việc xác định mức cho vay lãi nặng. Vậy người vay cần phải làm gì để đối phó với trường hợp này?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Theo tôi, đây là một trong những thủ đoạn mà các đối tượng cho vay lãi nặng sử dụng để trốn tránh xử lý của pháp luật nhằm chiếm đoạt số tiền lãi vượt quá quy định của pháp luật trong các giao dịch dân sự. Người đi vay cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật trong Bộ luật dân sự về lãi suất cho vay, hợp đồng vay mượn, nghĩa vụ trả nợ. Chẳng hạn như khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về Lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp các đối tượng thỏa thuận ghi với lãi suất bất thường hoặc có yêu cầu bán tài sản để đảm bảo, cần phải kiểm tra kỹ, nếu không chắc chắn thì nên từ chối vay. Tôi khuyên người vay nên tìm đến những gói vay chính thống của ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống, hợp pháp và tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh bị sa vào tín dụng đen.

Các vị khách mời trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến.

- Anh Hồng Phát ở Hải Phòng hỏi: Pháp luật quy định cho vay đến trên 8,3% mới gọi là cho vay lãi nặng là quá cao, theo tôi cho vay cỡ gấp 3 lần so với lãi suất cơ bản của ngân hàng là phù hợp. Mặt khác, việc xử phạt hành vi cho vay lãi nặng hiện nay là khá nhẹ, không đủ sức răn đe các đối tượng phạm tội. Ý kiến của ông (bà) về vấn đề này như thế nào? Ngành công an từng có ý kiến gì về vấn đề này hay không, thưa ông (bà)?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Theo quy định của Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự thì quy định lãi suất theo thỏa thuận không được quá 20%/năm trừ trường hợp pháp luật quy định khác (các trường hợp cho vay của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành). Như vậy, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 5 lần lãi suất theo quy định tại Bộ luật dân sự thì sẽ bị xử lý hình sự, tức là cho vay quá 100% (trừ các trường hợp pháp luật quy định khác). Về vấn đề lãi suất theo Bộ luật dân sự cũng đã quy định: Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Tôi đồng ý rằng hiện nay các quy định về chế tài xử lý hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi khác liên quan đến tín dụng đen như đòi nợ thuê, ném chất bẩn, chất thải, chử bới, bôi nhọ uy tín, danh dự… hiện nay còn nhẹ, khó xử lý triệt để và không tạo sự răn đe với các đối tượng. Bộ Công an đã tổng hợp những bất cập, khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý tín dụng đen báo cáo Chính phủ, thủ tướng Chính phủ để đề xuất những giải pháp khắc phục, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành công an.

Các vị khách mời trả lời câu hỏi.

 Ông Thanh Hòa ở Tân Phú, TP.HCM hỏi: Vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh có ý kiến đến Bộ Tài chính về việc nghiêm cấm hành nghề đòi nợ thuê, vốn có liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Dịch vụ đòi nợ thuê ra đời để đáp ứng nhu cầu đòi nợ của các chủ nợ nhưng không thể trực tiếp đòi nợ hoặc không muốn giải quyết thông qua các cơ quan pháp luật. Về mặt tích cực, trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia công nhận hoạt động của các công ty đòi nợ, góp phần đảm bảo hoạt động thu hồi nợ hiệu quả và đúng pháp luật. Ở Việt Nam, tuy chưa có nhiều công ty đòi nợ hoạt động song xuất hiện nhiều tổ chức, nhóm cá nhân đòi nợ hoạt động không giấy phép hoặc núp bóng dưới các công ty, doanh nghiệp hợp pháp. Dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. 

Các đối tượng này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ tuy nhiên hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định trên và đang lấy ý kiến của các đơn vị, địa phương. 

Theo quan điểm cá nhân của tôi là không cấm và cũng không khuyến khích, nhưng cần phải có những quy định chặt chẽ, siết chặt các quy định về cấp, thu hồi giấy phép, quản lý, kiểm tra, xử lý có gắn trách nhiệm quản lý và thẩm quyền xử lý của cơ quan công an, có những chế tài xử phạt nặng đối với những hành vi vi phạm, đặc biệt là những hình thức đòi nợ phi đạo đức, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự và thiệt hại đến lợi ích kinh tế chính đáng của con nợ. Tới khi nào các các cơ quan tòa án, thi hành án dân sự… giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động vay nợ của người dân  được như kỳ vọng thì có thể loại bỏ ngành nghề đòi nợ thuê.

- Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên, cần kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền như, Tòa án, Viện kiểm sát, Ngân hàng… trong công tác phối hợp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm này?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Ngành Công an cũng đã trao đổi với Tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng và các ngành khác có liên quan để bàn về những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Điển hình là ngày 30/7/2015, Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong năm 2018, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công cũng đã có nhiều báo cáo Thủ tướng chính phủ về thực trạng, những nguyên nhân, khó khăn vướng mắc và đề xuất những giải pháp để giải quyết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Về phía các cơ quan tư pháp (TAND, VKSND), cơ quan Công an cũng kiến nghị các cơ quan tư pháp cần thống nhất, hướng dẫn chi tiết các quy định của tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội danh có liên quan như Cưỡng đoạt tài sản, Hủy hoại tài sản, Làm nhục người khác… để đấu tranh mạnh với lại tội phạm này. Đặc biệt là cách xác định lãi suất cho vay, tiền thu lợi bất chính, công tác giám định tài chính hiện nay đang là những vấn đề vướng mắc cần thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tư pháp.

Các biên tập viên Báo CAND tại buổi giao lưu.

- Nhiều bạn đọc ở Hà Nội và TP.HCM hỏi, khó khăn nhất hiện nay trong xử lý tín dụng đen nằm ở khâu nào?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen hiện nay là kết quả của nhiều tác nhân tổng hợp từ những thay đổi, cập nhật của những quy định pháp luật dân sự, hành chính và hình sự, từ những khó khăn trong việc tiếp cận với các gói vay tài chính của ngân hàng, từ công tác quản lý nhà nước đối với những loại hình kinh doanh mới hiện nay… Để xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hiện nay hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, khó khăn nhất chính là do những bất cập, chưa đồng bộ và chưa đầy đủ giữa các quy định của pháp luật. Tôi đơn cử như việc áp dụng quy định của tội Cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự hiện nay còn chưa có hướng dẫn về các tính lãi suất cho vay và tiền thu lợi bất chính dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý vụ án dẫn đến việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng còn lúng túng, chưa phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính, vụ việc dân sự. Vì vậy, quan điểm cá nhân của tôi, để xử lý tín dụng đen một cách triệt để, về vĩ mô chính là cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định của các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài. Còn trước mắt, khi chưa hoàn thiện các quy định pháp luật, lực lượng Công an và các ban, ngành có liên quan cần phải có sự phối hợp chung để phòng ngừa, xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen, góp phần giải quyết trước mắt những vấn đề nổi cộm do tín dụng đen gây ra.

- Nhiều bạn đọc ở phía Nam hỏi: Tín dụng đen gây nhiều bức xúc, Bộ CA có những chỉ đạo cụ thể nào trong việc xử lý vấn đề tín dụng đen hiện nay? Quy trách nhiệm công an các địa phương ra sao?

- Thượng tá Lại Quang Huấn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an trả lời:

Thời gian qua, trước tình hình tín dụng đen phát triển phức tạp, tại nhiều hội nghị của Bộ, lãnh đạo Bộ Công an đã nhiều lần chỉ đạo các Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, tăng cường công tác điều tra cơ bản, rà soát trên địa bàn quản lý, áp dụng các biện pháp để phòng ngừa nghiệp vụ. Thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, nhiều địa phương đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm núp bóng dưới các công ty, doanh nghiệp để hoạt dộng cho vay lãi nặng. Lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo Công an toàn quốc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm, xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình tính dụng đen tại địa phương, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp để xử lý.

Vấn đề quy trách nhiệm cho Công an các địa phương thì Bộ cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu, Cục trưởng các Cục nghiệp vụ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về tình hình an ninh trật tự tại địa phương và lĩnh vực phụ trách.

Buổi giao lưu trực tuyến tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

- Chúng tôi vừa nhận câu hỏi từ một người dân tên Phùng ở Bình Dương hỏi: Bài học kinh nghiệm của Công an Bình Dương trong đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến tín dụng đen? Giải pháp tiếp theo trong thời gian tới?.

- Đại tá Nguyễn Văn Thơm - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bình Dương trả lời:

Ban Giám đốc có sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ cấp tỉnh và Công an cấp huyện, thị xã, thành phố đối với tình hình hoạt động của tội phạm liên quan “tín dụng đen” trên địa bàn. Từ đó chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch triển khai giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương thực hiện có hiệu quả đối với tội phạm liên quan lĩnh vực “tín dụng đen”.

- Thực hiện thường xuyên hoạt động phối hợp các cơ quan truyền thông, báo đài, các trang mạng xã hội… để tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy định của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao nhận thức về pháp luật để tự phòng, tránh và tích cực tố giác tội phạm.

- Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, xây dựng mô hình CLB PCTP và tổ dân phố tự quản… để chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay tài chính; các đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi đổ chất bẩn, gây mất ANTT… để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.

- Tổ chức điều tra một cách toàn diện về lĩnh vực “tín dụng đen”, xây dựng kế hoạch đấu tranh đối với các cơ sở, đối tượng hoạt động phức tạp. Tiến hành họp, đánh giá tính chất và tổ chức phân công, phân cấp để áp dụng các biện pháp quản lý, đấu tranh 1 cách hiệu quả. Trong đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương là đầu mối thông tin phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố.

- Tổ chức kiểm tra các địa bàn tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trái phép, ngăn chặn xử lý kịp thời “tín dụng đen” khi mới manh nha hình thành.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, đấu tranh đối với những vụ việc, cơ sở kinh doanh, đối tượng có biểu hiện, nghi vấn phức tạp, hoạt dộng theo băng nhóm lưu động trên nhiều lĩnh vực, địa bàn… để khẩn trương tổ chức xác minh, lập án đấu tranh.

- Định kỳ các đơn vị qua hoạt động nghiệp vụ bổ sung danh sách để tổng hợp, đánh giá và báo cáo đề xuất giải pháp cụ thể đối với các cơ sở kinh doanh.

- Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” như: cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…

- Khi có tài liệu từ các nguồn tố giác, tin báo, kiến nghị hoặc từ nguồn nghiệp vụ khác thì xác lập án để đấu tranh tập trung, triệt để theo quy định.

- Giải pháp tiếp theo trong thời gian tới để ngăn chặn, phòng ngừa tín dụng đen?

- Về phòng ngừa xã hội:

+ Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các đơn vị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đảm bảo đúng quy định; thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm…

+ Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, xây dựng mô hình CLB PCTP và tổ dân phố tự quản… để chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay tài chính; các đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi đổ chất bẩn, gây mất ANTT… để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.

+ Phối hợp các cơ quan truyền thông, báo đài, các trang mạng xã hội… để tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy định của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao nhận thức về pháp luật để tự phòng, tránh và tích cực tố giác tội phạm.

Đại tá Trần Kim Thẩm chuyển câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời.

- Biện pháp hành chính:

+ Tham mưu cho UBND các cấp thành lập các tổ liên ngành gồm: Công an (chủ trì), Quản lý thị trường, Thuế, Sở tài chính, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Dương… để phối hợp kiểm tra các địa bàn tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trái phép, ngăn chặn xử lý kịp thời “tín dụng đen” khi mới manh nha hình thành:

Kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh theo thủ tục hành chính. Nếu đủ cơ sở cần tạm giữ giấy phép kinh doanh, sổ sách có liên quan để tổ chức xác minh, làm rõ.

Kiểm tra chặt chẽ tạm trú đối với số nhân viên làm việc tại các cơ sở, tổ chức xác minh hai chiều nơi nhân viên có hộ khẩu thường trú; kiểm tra hợp đồng lao động của nhân viên.

Kiểm tra hành chính đối với các địa điểm, cơ sở đối tượng không treo biển nhưng qua công tác nghiệp vụ, nắm tình hình phát hiện những vấn đề nghi vấn.

+ Phối hợp với Sở văn hóa, thể thao, du lịch và các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, câu lạc bộ chủ trọ… tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các quy định về văn hóa và quảng cáo, tổ chức dọn dẹp, tháo dỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi… quảng cáo cho vay “tín dụng đen” khoogn đúng quy định. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo trái pháp luật.

- Công tác điều tra xử lý:

+ Trên cơ sở công tác nghiệp vụ Công an các đơn vị lập danh sách các đầu mối, tiến hành xác minh đi sâu nắm chắc diễn biến ở các cơ sở có dấu hiệu hoạt động phức tạp, phát hiện các kho, bãi nơi có tài sản lưu giữ từ việc cho vay, các cơ sở cầm cố nhà đất, ô tô, tài sản khác có giá trị lớn. Tiến hành các hoạt động quản lý nghiệp vụ và làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” như: cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…

 Khi có tài liệu từ các nguồn tố giác, tin báo, kiến nghị hoặc từ nguồn nghiệp vụ khác thì xác lập án để đấu tranh tập trung, triệt để theo quy định.

 Đối với các cá nhân, cơ sở có biểu hiện cho vay nặng lãi , trốn thuế, mua bán hóa đơn thì cơ quan Cảnh sát kinh tế và các đơn vị liên quan khẩn trưởng có phương án đấu tranh, xử lý.

Tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Phối hợp Tòa án, VKS chủ động trong điều tra truy tố, xét xử các loại tội phạm liên quan tín dụng đen.

Đại tá Trần Kim Thẩm tặng ảnh lưu niệm buổi giao lưu.

Kính thưa các đồng chí đại biểu; Kính thưa quý vị đang tham gia chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận rất nhiều câu hỏi của đọc giả quan tâm đến vấn đề tín dụng đen. Bạn đọc cũng đã nghe phần giao lưu của các vị khách mời. Thời gian dành cho chương trình giao lưu cũng không còn nhiều, trước khi kết thúc xin mời các vị đại biểu có trao đổi, nhắn nhủ thêm với bạn đọc đang theo dõi chương trình

- Xin mời đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ông có lời khuyên gì đối với người dân khi có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng mà không bị mắc vào tín dụng đen?

Hiện nay số lượng các TCTD và mạng lưới đã phủ khắp đất nước, vì vậy khi có nhu cầu vốn để sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng thì người dân đến các TCTD để vay vốn thông qua kênh chính thức.

Khi một tổ chức, cá nhân mời chào vay vốn với những điều kiện thủ tục hết sức đơn giản thì người dân cần cảnh giác và xem xét theo các bước sau:

- Xem xét tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân mời chào cho vay thông qua việc kiểm tra giấy phép kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh, mã số thuế, địa chỉ…

- Trong hợp  đồng tín dụng có các nội dung đầy đủ, rõ ràng theo quy định của pháp luật hay không, đặc biệt việc quy định lãi suất vay và trả nợ vay cần phải xem xét kỹ.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động bất hợp pháp, không rõ ràng thì kiên quyết từ chối vay.​

Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng phòng 6, Cục CSHS: Tôi nhất trí với những ý kiến nhắn nhủ của đại diện Ngân hàng Nhà nước. Về phía Bộ Công an, đã có những có những chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, điều tra cơ bản để thống kê các băng nhóm, tổ chức hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê và nêu những kiến nghị về tình trạng này để trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, xử lý.

Về phía người dân, tôi cho rằng người dân cần tự mình nâng cao hiểu biết về pháp luật, cần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để tránh rơi vào tình trạng này.

Các cơ quan chức năng cũng cần giúp người dân nâng cao nhận thức bằng các buổi tọa đàm, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tín dụng đen để người dân được rõ.

Ngoài ra, để giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen, tôi nghĩ phía Ngân hàng Nhà nước cũng nên có những cải cách về cho vay để người dân có thể tiếp cận được với các hình thức vay tiền chính thống một cách dễ dàng hơn.


Đại tá Trần Kim Thẩm tổng kết buổi giao lưu.

Kết thúc chương trình, Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, chủ trì buổi giao lưu lên tổng kết buổi giao lưu trực tuyến.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu khách quý và bạn đọc Báo CAND trong và ngoài nước! Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “NHẬN DIỆN TÍN DỤNG ĐEN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN” do Báo CAND chủ trì, phối hợp với Cục CSHS, Ngân hàng Nhà nước, Công an Bình Dương và Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) tổ chức đến đây kết thúc. 

Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn quý đại biểu và đọc giả cùng tham gia chương trình này!

CAND Online
.
.
.