Mỗi cán bộ y tế phải đặt sinh mệnh người bệnh lên cao nhất

Chủ Nhật, 15/12/2019, 08:39
Việc chẻ thanh test kit thử nhanh xét nghiệm HIV, viêm gan B và việc trộn chung 4 mẫu máu để làm xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA xảy ra tại Khoa Vi sinh y học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (BV Xanh Pôn) đã gây bàng hoàng và phẫn nộ trong dư luận những ngày qua. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng chuyên môn, đạo đức của ngành Y cũng là hồi chuông báo động lỗ hổng quản lý quy trình xét nghiệm.


Giải pháp nào để siết lại tình trạng này? Ngành Y tế có trách nhiệm gì khi để xảy lỗ hổng tại các labo xét nghiệm trong các cơ sở y tế? Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Giáo sư (GS) Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

PV: Thưa GS, ông đã từng đánh giá hành vi chẻ dọc thanh test kit thử nhanh HIV, viêm gan B và trộn các mẫu máu lại với nhau để làm một lần xét nghiệm xảy ra ở BV Xanh Pôn là làm sai, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy, lỗ hổng ở đây là gì, để sự việc có thể diễn ra tại một bệnh viện hàng đầu của Thủ đô?

GS.Nguyễn Anh Trí: Theo tôi, vừa qua, Bệnh viện Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý chất lượng. Công tác quản lý chất lượng bao gồm nhiều hoạt động, từ mua sắm trang thiết bị là thanh kít, sự tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của thanh kít, đến kiểm tra công việc hàng ngày, đánh giá kết quả và trả kết quả đó cho bệnh nhân…
GS Nguyễn Anh Trí.

Sở dĩ vi phạm này xảy ra được là do những người có trách nhiệm không nghiêm túc trong kiểm tra, giám sát, dẫn đến bộ kit đã vào làm trong labo mà không ai biết, hoặc biết làm sai nhưng không ai nhắc nhở, ngăn chặn. Xem trong clip của chương trình Chuyển động 24/h mới biết chuyện này đã xảy ra nhiều ngày, ai cũng làm sai như vậy, nhưng cả khoa không một ai nhắc nhở, không ai cảnh tỉnh, cảnh báo để dừng việc đó lại. Theo tôi thấy, công tác huấn luyện, đào tạo cho cán bộ nhân viên về kỹ thuật là chưa tốt, nên ý thức chất lượng về xét nghiệm ở đây gần như không có nữa.

PV: Sau sự việc gian dối này, người dân rất lo lắng, liệu lâu nay ở các cơ sở y tế khác có xảy ra tình trạng gian lận tương tự hay không?

GS.Nguyễn Anh Trí: Đứng về mặt chuyên môn, các việc làm sai như xẻ dọc thanh test kit, hoặc trộn 4 mẫu máu lại với nhau để làm một lần xét nghiệm là rất dễ xảy ra ở các labo, nếu như ở labo đó công tác quản lý chất lượng chưa tốt hoặc hám lợi. Với tư cách là một nhà chuyên môn, một nhà khoa học, tôi khuyến cáo, sự việc xảy ra ở BV Đa khoa Xanh Pôn là bài học chung cho các labo trên cả nước. Xin đừng hám lợi mà làm sai, làm trái với đạo đức, chuyên môn ngành y. Những người làm sai phải chịu trách nhiệm, giống như vụ nhân bản xét nghiệm ở BV Hoài Đức, nhiều cán bộ, nhân viên y tế bị khởi tố, điều tra, lĩnh án.

Do vậy, người thực hiện xét nghiệm phải làm đúng quy trình, đúng theo hướng dẫn. Trong tất cả hoạt động labo phải lưu ý công tác quản lý chất lượng là hết sức quan trọng, phải làm thường xuyên, không được buông lỏng, nếu buông lỏng là xảy ra sai sót, mà Xanh Pôn là một bài học lớn. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, “quản lý chất lượng là một hành trình chứ không phải đích đến”. Nếu một labo nào đó đã làm tốt rồi, dù trước đó đã cấp chứng chỉ ISO, nhưng nếu không tiếp tục quản lý, không tiếp tục kiểm tra, giám sát nghiêm túc thì vi phạm vẫn có thể xảy ra.  

PV: Thưa GS, nếu quy trình xét nghiệm bị làm gian dối, bị ăn bớt, hoặc nhân bản kết quả thì những hậu quả xảy ra là gì? 

GS.Nguyễn Anh Trí: Trong cuộc đời làm chuyên môn của mình, đây là lần đầu tiên tôi thấy việc chẻ đôi test kít xét nghiệm và trộn các mẫu máu lại với nhau để xét nghiệm. Việc này khiến tôi rất bàng hoàng. Về mặt chuyên môn, việc vi phạm ở Khoa Vi sinh y học, BV Xanh Pôn sẽ gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nếu người đã nhiễm virus viêm gan B nhưng nhận kết quả sai (âm tính giả) đã vô cùng nguy hiểm rồi, nhưng nếu nhiễm HIV mà để sót thì hậu quả của nó là khôn lường.

Do vậy, dù là bệnh viện công hay tư, tôi đề nghị các labo phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế và hướng dẫn trong bộ test kit. Ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khi tôi còn là Viện trưởng, quy trình quản lý chất lượng được chúng tôi thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Vì là viện đầu ngành nên có lợi thế hơn nơi khác, chúng tôi đã mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, đào tạo quản lý chất lượng. Có khi chuyên gia nước ngoài ở lại Viện 2 - 3 năm để giúp chúng tôi quản lý chất lượng. Vì vậy, không bao giờ xảy ra sai sót trong quy trình xét nghiệm.

Còn tại cơ sở y tế tư nhân như BV Medlatec mà tôi đang là Chủ tịch hội đồng cố vấn, sau khi làm xét nghiệm xong, có một bộ phận quản lý chất lượng kiểm tra lại kết quả và đóng dấu đã kiểm tra chất lượng, sau đó mới tới quy trình vào sổ sách, lưu kết quả rồi trả kết quả cho bệnh nhân. Mặc dù làm như thế nhưng chúng tôi vẫn luôn lo lắng về chất lượng vì càng là cơ sơ y tế tư nhân thì càng phải làm tốt quy trình, bởi chất lượng là thương hiệu, quyết định sự sống còn của bệnh viện.

PV: Thời gian qua, ngành Y tế vẫn còn để xảy ra nhiều tai biến y khoa do sai sót về chuyên môn, về y đức, thiếu tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc. Đặc biệt còn để xảy ra nhiều ca tai biến gây tử vong, thương tật vĩnh viễn do khám, chữa bệnh chui. Vậy theo GS, Bộ Y tế cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

GS.Nguyễn Anh Trí: Với tư cách của một nhà khoa học, tôi thấy Bộ Y tế cần phải xem lại công tác quản lý chất lượng của các labo y khoa trong cả nước. Các labo hiện còn thiếu người giám sát, chưa tập huấn, đào tạo, giáo dục đầy đủ để cho người làm ngành y ý thức được rằng, chất lượng là vô cùng quan trọng, là quyết định sự tồn vong của labo đó.

Tôi rất vui trước thông tin Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị tổng kiểm tra các labo trên toàn thành phố. Tôi cho rằng, các sở y tế cũng nên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng của các labo y khoa trong cả nước. Nếu labo nào không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế thì nên yêu cầu ngừng hoạt động, để củng cố, để hoàn thiện. Mà cần làm ở cả labo của BV công lập cũng như tư nhân, để tạo ra sự bình đẳng giữa các labo công lập và ngoài công lập.

Năm 2019 có rất nhiều loại hình dịch vụ y tế đưa vào hoạt động, nhưng còn để xảy ra nhiều sự cố y khoa, chẩn đoán chậm, vi phạm về đạo đức nghề y… Tôi cho rằng đó là do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, bao gồm từ khâu cấp phép, đánh giá, đến kiểm tra, kiểm soát, theo dõi.

Mỗi ngày có hàng triệu người tới các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh, những vụ việc tiêu cực trong ngành y nghe thì giật mình, tôi cũng phản đối với những lỗi đó, nhưng bên cạnh đó không thể không thừa nhận những nỗ lực mà ngành y tế đã triển khai thực hiện trong những năm qua. Tôi rất đồng tình với nhận xét của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề vi phạm y đức trong ngành y đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn, để chấm dứt là khó.

Cán bộ y tế nhìn chung là tốt, nhưng nói thế không có nghĩa là buông thả với những cái chưa tốt, với lỗi mà họ mắc phải. Do vậy, Bộ Y tế phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đừng bao giờ buông lỏng công tác đào tạo, huấn luyện để làm sao mỗi cán bộ y tế phải ý thức được trách nhiệm cứu chữa người bệnh của mình, làm việc bằng lương tâm, bằng y đức, đặt sinh mệnh của người bệnh lên cao nhất.

PV: Sự việc đau lòng tại BV Xanh Pôn đã gây hoang mang, mất niềm tin trong dư luận. Là một cán bộ y tế lâu năm trong nghề, ông có cảnh báo gì để những người thầy thuốc có thể giữ được y đức trong mọi hoàn cảnh?

GS.Nguyễn Anh Trí: Chúng ta đều biết, dù quy trình có hoàn hảo đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là con người, là người thầy thuốc, nếu họ không có lương tâm thì không thể làm nghề chữa bệnh cứu người. Vẫn biết thu nhập của cán bộ y tế nói chung là chưa cao, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà vi phạm y đức, mà làm việc thiếu lương tâm của một người cán bộ y tế chân chính.

Tôi cũng muốn nói lại là, nếu không vững vàng thì những lỗi như chẻ đôi test kit, trộn các mẫu máu để làm chung một lần, hoặc nhân bản kết quả xét nghiệm như vừa qua là rất dễ xảy ra, và nói thật là rất dễ giấu diếm nên rất khó phát giác. Và dù công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đến đâu thì cũng rất khó phát hiện hết những sai phạm hàng ngày ở tất cả các cơ sở y tế. Vậy vấn đề quyết định nhất vẫn là thái độ, lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ y tế khi họ làm nghề, khi họ hành nghề. Rất mong các cán bộ y tế hiểu, thường xuyên tu dưỡng và làm việc với một trách nhiệm cao nhất để lấy lại những tình cảm tốt đẹp và sự tin yêu bền chặt của nhân dân đối với nghề y cao quý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.