Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Ninh:

Mô hình đột phá trong cải cách hành chính

Thứ Tư, 07/01/2015, 09:06
Ngày 26/3/2014, Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động. Đây là cơ quan đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các tổ chức, công dân. Đây là mô hình đầu tiên triển khai trong cả nước, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong cải cách hành chính.

Giảm 40% thời gian

Cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” sau một thời gian hoạt động đã lộ ra những bất cập trong giải quyết các TTHC. Cụ thể, việc tiếp nhận hồ sơ được thông qua văn thư rồi chuyển tới lãnh đạo Sở, ngành liên quan để phân về cho các phòng ban giải quyết và chuyển lại văn thư để trả lại hồ sơ. Quy trình này dễ dẫn tới tình trạng ách tắc, chậm trễ trong việc thẩm định hồ sơ do các sở không có mối liên kết chặt chẽ, gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết, thậm chí phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu... TTPVHCC Quảng Ninh tổ chức chuyên nghiệp ở cấp độ cao hơn theo cơ chế “Thẩm định và phê duyệt tại trung tâm”.

Cán bộ Công an Quảng Ninh hướng dẫn người dân các thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Trong đó, có 24 sở, ngành như: Công an, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước tham gia. Mỗi đơn vị cử từ 3-5 cán bộ lựa chọn từ các bộ phận chuyên môn là trưởng, phó các phòng chuyên môn. Các cán bộ này không chỉ tiếp nhận hồ sơ mà còn đủ năng lực và thẩm quyền để hướng dẫn cho công dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định; thẩm định, trình duyệt hồ sơ và trực tiếp phát hành phiếu hẹn kết quả cho công dân theo nguyên tắc: “Tiếp nhận, thẩm định, và phê duyệt tại trung tâm”. Tại trung tâm có phần mềm quản lý, đánh giá quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của các cán bộ. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 800 hồ sơ đề nghị làm TTHC.

Cán bộ phụ trách hồ sơ chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, không chuyển hồ sơ về các phòng ban của các sở, ban, ngành để thẩm định. Trường hợp trong quá trình thẩm định cần lấy ý kiến của sở, ban, ngành để thẩm định, người cán bộ phụ trách hồ sơ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để lấy ý kiến tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Với các hồ sơ liên thông ngang, cần nhiều TTHC do một sở chủ trì, các sở khác tham gia giải quyết, TTPVHCC giải quyết tại chỗ với sự tham gia của các sở, hội ý, thống nhất, nhanh chóng giải đáp cho công dân. Thế nên, dù mới hoạt động nhưng mô hình “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt” bước đầu thể hiện tính ưu việt vượt trội hơn so với mô hình “một cửa”. Thời gian giải quyết hồ sơ giảm 40% so với trước đây. Hiện trung tâm đang tiếp nhận giải quyết 918 TTHC (đạt 89%) với 105 lĩnh vực hoạt động thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành.

Năm 2014, trung tâm đã tiếp nhận 28.732 hồ sơ, đưa 936 bộ TTHC thuộc 76 lĩnh vực. Trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 27.968 hồ sơ (chiếm 99,5%); các hồ sơ tập trung vào các bộ phận: Công an tỉnh Quảng Ninh 7.892 hồ sơ (27,7%); Giao thông và Vận tải 3.749 hồ sơ; Bảo hiểm xã hội 2.232 hồ sơ (8%). Đến nay, hoạt động của các trung tâm hành chính công mang lại hiệu quả tích cực, tạo niềm tin trong việc giải quyết các TTHC cho người dân và các tổ chức xã hội. Tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa TTHC nhằm đảm bảo kịp thời và phù hợp với sự điều chỉnh các quy định của pháp luật.

TTHC của lực lượng Công an đứng thứ nhất trong thang mức độ hài lòng

Theo ông Tô Xuân Thao, Giám đốc TTPVHCC Quảng Ninh, Công an tỉnh hiện có 3 đơn vị nghiệp vụ gồm: Cảnh sát PCCC, Cảnh sát QLHC về TTXH và Quản lý Xuất nhập cảnh đang triển khai cán bộ làm việc tại TTPVHCC. Tại đây, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt. Những CBCS Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc tại trung tâm luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, thân thiện, vì nhân dân phục vụ, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an trong lòng dân. Người dân rất hài lòng khi làm các TTHC tại đây.

Theo đánh giá, so với các đơn vị khác, mức độ hài lòng của người dân khi làm các TTHC của lực lượng Công an đứng thứ nhất, hiệu quả giải quyết hồ sơ đứng thứ hai. Các CBCS làm việc tại các bộ phận không để xảy ra tình trạng trễ hồ sơ, không để nợ đọng hoặc chậm giải quyết hồ sơ.

Hiện nay, TTPVHCC Quảng Ninh đánh giá xếp hạng cán bộ, công chức, nhân viên và chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân bằng 3 phương pháp: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, công chức, nhân viên trên website: www.hanhchinhcongquangninh.gov.vn; đánh giá bằng hình thức phiếu góp ý và hòm thư góp ý tại TTPVHCC và đánh giá trên cơ sở kết quả giải quyết TTHC của các bộ phận hành chính công chuyên ngành tại đây.

Việc đánh giá xếp hạng cán bộ nhân viên làm việc tại TTPVHCC và xác định chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân khắc phục sự nhũng nhiễu, phiền hà; tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tại các trung tâm.

Năm 2015, Quảng Ninh phấn đấu các huyện/quận/thành phố đều có mô hình TTPVHCC. Ngoài ra, còn yêu cầu các sở, ngành, phòng, ban có TTHC thực hiện tại các trung tâm tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC không phù hợp trên các lĩnh vực, tăng cường công khai minh bạch khi giải quyết các dịch vụ công đối với nhân dân và doanh nghiệp.

Trong đó, ít nhất 50% TTPVHCC cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy chế làm việc, mô hình hoạt động; đẩy mạnh cải cách TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp... Khi đó, các cơ quan nhà nước sẽ làm đúng chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, không trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính như hiện nay.

Với phương châm: “Sự hài lòng của người dân làm thước đo cho sự thành công của Trung tâm”, TTPVHCC Quảng Ninh bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại niềm tin, sự hài lòng của tổ chức và công dân. Mô hình này tạo sự chuyển biến cơ bản, tăng hiệu quả làm việc, giảm phiền hà, chi phí, thời gian cho tổ chức và công dân, phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức.

Đăng Hùng
.
.
.