Miền Trung tan hoang sau bão dữ

Thứ Sáu, 18/10/2013, 00:40
Do mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập ở nhiều nơi, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh và phía Bắc Quảng Bình (thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch) đã bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5m đến 2,0m.

Bão, lũ làm 17 người chết, mất tích

Hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã phải sơ tán di dời 2.110 hộ/ 8.580 người (Hà Tĩnh 1.450 hộ/5.940 người; Quảng Bình 660hộ/2.640 người) từ các vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 11 và hoàn lưu sau bão đã làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập, trôi tốc mái, ngập sâu trong nước. Trong đó, nhà bị sập, trôi khoảng 550 nhà; bị ngập 34.220 nhà và nhà bị tốc mái, hư hỏng là 12.515 nhà. Bão số 11 và hoàn lưu sau bão đã làm 13 người chết và 4 người mất tích, gần 80 người bị thương.

Nghệ An - Hà Tĩnh

Mưa lũ cũng đã làm ngập nhiều nơi như huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Nam Đàn... (Nghệ An). Tại Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường nối giữa các huyện hoàn toàn bị nước lũ chia cắt. Hơn 4.000 nhà dân ở Hà Tĩnh bị ngập sâu trong lũ từ 0,5m đến 2m. Tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tính đến cuối ngày 17/10, đã có 2 người chết, 4 người mất tích, 3 người bị thương do lũ quét gây ra.

Bốn người mất tích được xác định là ông Hồ Hữu Lành, bà Nguyện Thị Thiện, đều trú xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn và 2 người ở xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn bị mất tích khi đi vớt gỗ trong lũ. Tại Nghệ An, nước lũ trên sông Lam lên nhanh, sau đó nước từ thượng nguồn đổ về ngày một lớn, ngay trong ngày 17/10, nhiều đập thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn đã phải xả lũ, do vậy làm cho tình hình lũ lụt càng phức tạp.

Chiều 16/10, Hồ Cồn Đẻn (có dung tích trữ nước 7.000m3 nước) và đập Đập Phốp (có dung tích trữ nước 18.000m3 nước) ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương bị vỡ, Hồ Thành tại địa bàn xã Nam Kim, huyện Nam Đàn nước lũ tràn với cột nước 0,9m, Hồ Đồn Húng xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, nước tràn với cột nước 1,1m, mực nước cách đỉnh đập 0,82m. Lúc 11h ngày 16/10, nước lũ đã cuốn mất tích em Nguyễn Thị Thúy (16 tuổi), học sinh lớp 10, trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Đến cuối giờ chiều ngày 17/10, thi thể em Thuý vẫn chưa được tìm thấy. Ngay trong ngày 17/10, Nghệ An đã chủ động di dời 748 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu trong vùng tâm lũ đến nơi an toàn. Theo thống kê sơ bộ của tỉnh, đến cuối giờ chiều ngày 17/10 vẫn còn 2.478 nhà dân bị ngập trong lũ.

Người dân Bố Trạch, Quảng Bình cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong lũ.

Quảng Bình

Ngày 17/10, tại nhiều xã ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình vẫn bị nước lũ cô lập. Sau nhiều giờ tránh lũ và tìm đường đi, chúng tôi mới tiếp cận được một số xã như Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Sơn, Xuân Hóa. Tất cả đường liên xã và về trung tâm huyện Minh Hoá của 4 xã trên đều ngập chìm trong lũ. Phương tiện duy nhất để tiếp cận được người dân nơi đây là thuyền. Lũ xảy ra trong đêm nên người dân các điểm tâm lũ đều tìm cách thoát thân, còn tất cả tài sản cả đời chắt bóp để sắm sửa của người dân đều bị nước lũ nhấn chìm. Mưa lũ đã làm ngập trên 2.000 nhà ở huyện Minh Hóa, trong đó có 2 nhà tại xã Xuân Hóa bị nước lũ cuốn trôi. Tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Phú Nhiêu - xã Thượng Hóa, Minh Hoá bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều đoạn ngập sâu trên 3m nên giao thông hoàn toàn bị cô lập.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá, ông Đinh Quý Nhân cho biết: "Bão số 10 làm đổ hàng ngàn ngôi nhà của bà con, nhiều hộ dân mới dựng tạm lại được nhà nay lại bị nước lũ nhấn chìm. Nhiều con trâu, bò của bà con nông dân cũng bị trôi theo lũ. Quán triệt chỉ thị của tỉnh, không để bà con đói, khát trong lũ, huyện đã thành lập nhiều đoàn dùng thuyền, ca nô, xuồng máy đưa lương thực, nước uống đến các điểm ngập nặng để giúp đỡ người dân".

Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm 6 người chết, 29 người bị thương. Hơn 3.000 nhà dân bị ngập lụt, đổ sập hoặc tốc mái. Hậu quả nặng nề do bão số 10 gây ra trước đó 2 tuần chưa thể khắc phục, nay Quảng Bình lại phải chống chọi với trận lũ lớn, người dân nơi đây đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.

Đà Nẵng, Quảng Nam

Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh phố phường, làng mạc tiêu điều, xơ xác. Những ngôi nhà bị sụp đổ, tốc mái, những ngôi trường bị bão dữ xé tan hoang... Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng ngày sau bão, các lực lượng Bộ đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích khẩn trương lợp lại mái nhà, dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ. Cùng dọn dẹp lớp học với các giáo viên và học sinh, thầy giáo Cao Hữu Công, Hiệu trưởng nhà trường cứ xuýt xoa bên đống tôn đổ, cong queo rách nát.

Thầy trầm ngâm: “Trước tin bão đến, chúng tôi đã huy động lực lượng chằng chống, dùng bao cát đằn lên mái tôn, nhưng cơn bão mạnh quá, đã hất tung, vo cuốn cả cái mái nhà lại như thế này”. “Các trang thiết bị dạy và học như sách vở, giáo án, rồi giường chiếu, chăn gối cho các em bán trú cũng đã ướt nhẹp, hư hỏng hết. Bàn ghế cũng ngã gãy chỏng chơ, cây xanh lâu năm trong sân trường cũng gãy đổ, bật ngược gốc lên trời”.

Thầy giáo Trần Văn Nhựt, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam buồn bã: “Bão Nari đã gây ra một bãi chiến trường đúng nghĩa, trên đường chúng tôi đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão ở các trường học, nhà cửa đều bị tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Các trường học ở các làng quê đều đã bị bão dữ xé tan tành hết cả, những mái tôn bị cuốn tung, bẹp dúm; bảng hiệu thì xiêu vẹo chơ vơ. Thầy và trò nơi đây vốn đã phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn, nay lâm vào cảnh thiếu thốn đủ bề”.

Trường PTTH Cao Bá Quát, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khi chúng tôi đến, thầy giáo Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng nhà trường đang đứng lặng bên đống bàn, ghế đổ nát, đã bị gãy, vỡ hết chân và mặt bàn. Giọng thầy buồn bã: “Bão cuốn hết cả mái nhà của phòng hội đồng và phòng tài vụ, la phông các phòng cũng bị đổ sập, hư hỏng hết. Để sửa sang lại phải mất ít nhất 100 triệu đồng, đây là số kinh phí quá lớn đối với nhà trường”. Thầy Tấn chợt bỏ lửng câu nói: “Như thế vẫn còn may, có nhiều trường bị tốc toàn bộ phòng học, học trò đội nắng, mưa học chữ càng tội hơn”.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, hai địa phương có hơn 100 phòng học từ mẫu giáo đến cấp 3 đã bị bão số 11 giật tốc mái hoàn toàn, nhiều thiết bị dạy và học bị hư hỏng, hàng nghìn mét tường rào quanh các trường bị sập đổ, hơn 100 nhà xe và công trình vệ sinh trong trường cũng bị hư hại… Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 19 tỷ đồng…

Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 11, nhất thiết không để người dân chịu đói, chịu rét; phải đảm bảo đủ gạo, thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt phải khẩn trương khắc phục kịp thời, đảm bảo trường lớp an toàn cho các cháu học sinh tiếp tục trở lại trường. UBND TP Đà Nẵng quyết định hỗ trợ đột xuất đối với hộ gia đình bị thiệt hại do bão, hộ có người chết và mất tích là 6 triệu đồng/người; hộ có người bị thương nặng phải vào nhập viện 3 triệu đồng/người; hộ có nhà bị sập 10 triệu đồng/hộ và nhà bị tốc mái hoàn toàn 4 triệu đồng/hộ…

Sáng 17/10, tại tỉnh Quảng Nam nước trên các sông đã rút, bà con di sơ tán tránh lũ đã về nhà. Tuy nhiên, ở tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, do có mưa lớn nên nước trên các con sông dâng cao, gây ngập lụt tại nhiều địa phương; bà con nhân dân và các lực lượng vũ trang sau ứng phó với bão dữ đang chuyển sang ứng phó với lũ lớn.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CAND chủ động đối phó với mưa lũ

Chiều 17/10, Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCLB & TKCN) Bộ Công an đã ký Công điện số 24 gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCLB & TKCN các Tổng cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc Bộ; Công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình yêu cầu chủ động đối phó với mưa lũ, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau: Thực hiện nghiêm túc Công điện số 79/CĐ-TW hồi 9h ngày 16/10/2013 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với mưa lũ. Thường xuyên theo dõi diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Ban Chỉ đạo Bộ Công an để chủ động đối phó. Bố trí lực lượng CSGT tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn; nghiêm cấm các phương tiện đi qua những tuyến đường nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người và tài sản. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…

Hiếu Quỳnh

Bộ Công an hỗ trợ Đà Nẵng 800 triệu đồng khắc phục hậu quả bão số 11

Chiều 17/10, đoàn công tác của Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Văn Chữ, Cục trưởng Cục Chính sách - Tổng Cục XDLL CAND dẫn đầu đã đến thăm và trao hỗ trợ cho Công an và UBND TP Đà Nẵng tổng số tiền 800 triệu đồng (mỗi đơn vị 400 triệu đồng) để có thêm một phần kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão bão số 11. Đây là số tiền trích từ Quỹ hỗ trợ thiên tai của Bộ Công an, do cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đóng góp.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chữ chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ mất mát đến người dân Đà Nẵng đã chịu nhiều thiệt hại về tài sản do cơn bão và biểu dương tinh thần vượt khó, không ngại hiểm nguy đến tính mạng giúp dân ứng phó với bão dữ, ổn định ANTT địa phương.

Thân Lai

N.Y. - Thanh Bình - Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.