Miền Tây Nghệ An: “Vàng tặc" hoành hành

Thứ Năm, 14/05/2009, 11:12

Lâu rồi, ngày nào ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An cũng có các tàu khai thác vàng hoạt động. Dưới lòng sông Lam, Nậm Nơn, khe Hội Nguyên, Chả Hả ngổn ngang chỗ lồi chỗ lõm, chỗ bị ngoạm sâu vào sát cả đôi bờ. Trên các ngọn đồi trong thung lũng Yên Hòa, Yên Tĩnh cũng bị đào khoét...

Tất cả núi rừng, sông và khe suối nơi đây đang ngày một tan hoang, gây ô nhiễm môi trường rất nặng, ảnh hưởng tới cuộc sống của đồng bào miền Tây xứ Nghệ.

Từ những dòng sông bị bức tử

Ba bốn năm nay, từ khi Dự án thủy điện Khe Bố chưa ra đời, thì ở thượng nguồn sông Lam, người ta đã thấy hàng chục tàu khai thác vàng từ các nơi về đậu dày đặc cả một đoạn sông. Những ngày đầu các tàu khai thác vàng trên sông Lam mới hoạt động, nhân dân ở thị trấn Hòa Bình, Tương  Dương đã rất bức xúc.

Ngoài việc gây ồn ào ảnh hưởng đến đời sống của bà con, dòng sông Lam còn là nguồn nước sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân sống ở đôi bờ đã bị ô nhiễm nặng. Có tàu còn khai thác vàng ngoạm sâu vào đất liền làm dòng nước xoáy gây lở đất, đe dọa hàng chục hộ dân có nhà ở thị trấn Hòa Bình. Có chỗ tàu lại ngoạm sâu vào sát đất liền làm nứt cả ta luy đường QL7A, như đoạn giáp thị trấn Hoà Bình.

Mặc dù người dân bức xúc và kêu lên chính quyền địa phương, nhưng các tàu khai thác vàng vẫn ngày đêm hoạt động không nghỉ.

Tàu khai thác vàng trên sông Lam.

Sau khi "càn quét" ở khu vực thượng nguồn sông Lam, các tàu khai thác vàng lại tiếp tục ngược lên bức tử dòng sông Nậm Nơn - là dòng sông đổ về sông Lam. Ban đầu người ta chỉ xây dựng "đại bản doanh" khai thác vàng ở khu vực thượng nguồn của con sông này, với lý do là tận thu nguồn khoáng sản trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, việc khai thác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt đối với đồng bào nơi đây, mà còn làm ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân.

Từ đầu năm 2008 đến nay, người dân địa phương lại phải đau lòng chứng kiến hàng chục con tàu tiếp tục đào khoét đoạn sông Nậm Nơn còn lại, từ khu vực công trình thủy điện Bản Vẽ ra đến ngã ba Cửa Rào (nơi giao nhau bởi 3 con sông Nậm Nơn, Nậm Giải và sông Lam).

Một số bà con bản Lã, thuộc xã Lượng Minh bức xúc: Từ thuở xa xưa, bản làng chúng tôi chỉ có nguồn nước sông Nậm Nơn để sinh hoạt, thế mà mấy năm nay người ta đào vàng làm cho dòng nước đục ngầu, đến trâu bò cũng không thèm uống nữa, chứ đừng nói đến con người.

Đến những cánh rừng bị "móc ruột"

Hai dòng sông Lam và Nậm Nơn như hai khúc ruột của đồng bào miền Tây Nghệ An đã bị đào bới tan hoang. Cách xa xa hai con sông này, những ngọn đồi lẫn trong rừng cây xanh bạt ngàn ở khu vực hai xã Yên Tĩnh  và Yên Hòa của huyện Tương Dương cũng đang bị người dân ngày đêm đào khoét nham nhở để tìm vàng.

Khi chúng tôi đặt chân đến khu vực này một số người dân Yên Tĩnh cho biết: Mặc dù nạn khai thác vàng đã chấm dứt cách đây hàng chục năm, nhưng dòng khe Hội Nguyên, cũng như dòng Chả Hả đang còn in rõ hậu quả của nó, nào là ngổn ngang những đất đá, chỗ sâu hoắm, chỗ nhô từng đống đất cao, chẳng biết đến bao giờ hai con khe này mới được trả lại mặt bằng như cũ.

Đã thế từ hôm Tết ra đến giờ, một số điểm người dân địa phương tiếp tục đào mót lại bãi vàng xưa và dọc trên mép đôi bờ hai con khe này, người ta cũng đang bắt đầu thi nhau đào núi để tìm vàng, nên vốn dĩ bị ô nhiễm, nay nguồn nước lại ô nhiễm thêm.

Dọc theo khe Chả Hả, nhiều khu vực rừng tái sinh đã được các "nậu"  đem máy móc vào lắp đặt và ngày đêm khai thác ầm ầm cả núi rừng. Tại ngọn đồi Pu Phen thuộc khu vực khe Pu - nơi tiếp giáp của bản Hào (thuộc xã Yên Hoà), bản Na Pù (xã Yên Na) và bản Cánh Tòng (xã Yên Tĩnh) đang ngày đêm bị đào khoét mạnh nhất. Để vào được ngọn đồi Khe Pu, từ bản Cặp Chặng, trung tâm xã Yên Tĩnh (nơi gần nhất) cũng phải cuốc bộ mất nửa ngày trời. Hầu hết "phu" đào vàng ở đây đều là người dân địa phương.

Anh Lô Văn Ký, "phu" đào vàng người Yên Tĩnh cho biết: Hầu hết anh em địa  phương vào đây là để đào vàng thuê cho các "nậu" đến từ Thái Nguyên. Để lấy được vàng, các "phu" phải cho nổ mìn. Nhiều chỗ phải khoan xuyên núi đá sâu 20m, rồi bỏ mìn vào cho nổ tung thành hố, sau đó mới dùng hệ thống máy móc khai thác vàng. Tiền công được trả khoán bằng hình thức đào lấy đá bột và 1 bì sẽ được trả từ 15 đến 20.000 đồng/bì, tính ra mỗi ngày công, có khi chưa đầy 30.000 đồng/ngày.

Ông Lâm Việt Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết, hầu hết số khai thác vàng ở đây đều là những đối tượng khai thác tự do. Những "nậu" này đến từ các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam... Nhiều lần chính quyền địa phương đã vào kiểm tra, nhưng chưa vào đến nơi họ đã chạy trốn hết, nhưng xong rồi họ lại quay trở lại khai thác một cách ồ ạt. Mới rồi đã xảy ra vụ sập hầm vàng, làm anh Ngân Văn Viễn, Lương Văn Lếch chết tại chỗ và anh Lữ Văn Miêng bị thương nặng (cả 3 đều trú ở bản Cánh Toong, Yên Tĩnh).

Giáp với Yên Tĩnh, địa phận xã Yên Hoà, nạn khai thác vàng trái phép cũng không kém. Thỉnh thoảng xã thành lập đoàn đi vào kiểm tra, để ngăn chặn nạn phá rừng tìm vàng, chính quyền đã cho phép dùng mìn đánh sập hết các hầm lò và tiêu hủy tại chỗ các dụng cụ, máy móc dùng để khai thác vàng trái phép. Nhung dù có biện pháp gì đi chăng nữa, thì khi đoàn kiểm tra trở về thì sự việc lại đâu vào đấy

Lê Kế Hùng
.
.
.