"Mê hồn trận" rượu thật, rượu giả
>> Ngày sản xuất rượu thật, đêm ra lò rượu giả
Những mối nguy thường trực
Sáng 10/1, các trinh sát của Đội Chống hàng giả thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Công an TP Hà Nội phối hợp với nhân viên chuyên trách Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) bất ngờ kiểm tra hành chính xe ôtô tải mang BKS 30V-431... đã phát hiện phía sau thùng xe có chứa hơn 2.500 chai rượu mang nhãn hiệu vodka Hà Nội (loại có dung tích 330ml) giả.
Lái xe Nguyễn Đình Chiểu, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, trước đó đã nhận chở số hàng trên cho một công ty đến các địa chỉ. Kế đó, tổ công tác tiếp tục kiểm tra cơ sở sản xuất có địa chỉ nêu trên và đã phát hiện, tạm giữ nhiều thùng đựng vỏ, nút, nhãn mác loại rượu vodka Hà Nội chuẩn bị phục vụ cho công đoạn sản xuất rượu vodka giả. Vụ việc trên thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ rượu giả, rượu không rõ chất lượng sản phẩm "tấn công" thị trường, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu PV Báo CAND cũng đã có cuộc xâm nhập thực tế và vạch trần chiêu thức "chế" rượu quê từ "cồn + nước lã + hương vị" không đảm bảo chất lượng của một số hộ dân ở huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh.
Một ca ngộ độc rượu được các bác sĩ cấp cứu. |
Cũng về vấn đề rượu không đảm bảo chất lượng, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thì những người lạm dụng rượu thường gặp phải 2 biến chứng thông thường gồm ngộ độc rượu cấp tính và ngộ độc rượu mạn tính. Khi bị ngộ độc cấp tính, người sử dụng rất dễ có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu, chẩn trị kịp thời. Tuy mức độ nhẹ hơn, song khi bị ngộ độc rượu mạn tính, người lạm dụng rượu vẫn gặp các biến chứng khôn lường, như: thị thực giảm, rối loạn hành vi, thần kinh bị ảnh hưởng… qua thời gian sẽ bộc phát.
Tràn lan rượu không rõ chất lượng
Rảo bước qua các tuyến phố tập trung đông các quán nhậu, quán nướng trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Nguyễn Biểu, Trấn Vũ, Phó Đức Chính, Hàng Chiếu, Hàng Đậu…, nhất là khu vực gần trường đại học, cao đẳng (Nguyễn Quý Đức, Cầu Giấy, đường Láng…), ta dễ dàng nhận thấy rượu "quê" không rõ nguồn gốc. Chỉ cần yên vị chưa đầy 5 phút, dù khách có gọi hay không thì chủ quán như chiếc máy định vị liền bê rượu "quê" cùng một cơ số chén (tùy theo số người ngồi) ra để phục vụ thượng khách.
Điều đáng nói chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của loại rượu này chỉ định dạng bằng một lời bảo hành bâng quơ từ chủ quán: "Rượu quê xịn, uống đảm bảo không đau đầu". Nói vậy cũng bởi, khi chúng tôi tìm tới quán rượu cóc trên phố Nguyễn Biểu - đoạn tiếp giáp với hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, chị chủ nơi đây sau một hồi "chào hàng" liền đưa cho chúng tôi 2 chai rượu "quê" (loại 500ml/chai) mà khi nhìn qua tôi cảm thấy hoảng vì rượu "quê" mà chị chủ bán được đựng trong một chai thủy tinh không tem nhãn, nơi xuất xứ. Đáng chú ý, giá của nó hết sức "bèo", 10.000đ/chai. Trong khi để chiết xuất ra một lít rượu nếp quê, người nấu rượu phải mất trên 30.000đ.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, tại nhiều quán rượu vỉa hè hiện nay còn xuất hiện nhiều loại rượu "dân tộc" có gắn nhãn hiệu trông rất bắt mắt như: rượu "san lùng"; rượu "nếp cái hoa vàng", rượu "trứng hạ thổ"… Bề ngoài chủ xuất xưởng các loại rượu này thường cho in tem, đóng kín nilon trong chai nhựa (loại 500ml) kỹ càng. Nhìn qua, ít ai nghĩ rằng liên quan đến loại rượu này. Cách đây không lâu, Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) phối hợp với lực lượng QLTT đã kiểm tra phát hiện một cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn phường "chế" rượu "quê", rượu "dân tộc" không đảm bảo chất lượng. Chủ cơ sở sản xuất này sau đó đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh, cũng như các giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước thực tế rượu "quê", rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng đang có chiều hướng "bủa vây" thị trường như hiện nay, người tiêu dùng cần nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm với nó. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần ra quân, tăng cường kiểm tra, xử lý những sai phạm có liên quan